Ngày 3/10, tại phiên bế mạc của Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024-2029, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã có phần báo cáo, trao đổi về tình hình kinh tế - xã hội thành phố.
Theo ông Mãi, dự kiến TPHCM sẽ đạt 14/22 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ khóa XI, 5 chỉ tiêu phấn đấu đạt. Ngoài ra, có 3 chỉ tiêu khó đạt là GRDP bình quân hằng năm, tổng vốn đầu tư xã hội và tốc độ tăng năng suất lao động xã hội.
Thông tin thêm, ông Mãi cho biết thành phố xây dựng 5 chiến lược tầm nhìn đến năm 2050, gồm: TPHCM là đô thị toàn cầu, hấp dẫn và bền vững; trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc; người dân có chất lượng sống cao; phát huy vai trò của TPHCM là hạt nhân của vùng Đông Nam bộ và cực tăng trưởng của cả nước.
Chủ tịch Phan Văn Mãi trao đổi tại Đại hội MTTQ Việt Nam TPHCM ngày 3/10. Ảnh: Ngô Tùng.
Theo đó, người đứng đầu chính quyền TPHCM nêu 3 đột phá để thực hiện các tầm nhìn. Đó là hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển công nghệ cao, chuyển đổi xanh, nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng đội ngũ doanh nghiệp chiến lược.
Ông Mãi cũng nhấn mạnh đến việc huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư hạ tầng, tái cấu trúc không gian đô thị. Trong đó, nhân dân có thể đóng góp trực tiếp vào các dự án, công trình lớn của thành phố như đường Vành đai 4, đường sắt đô thị.
Làm rõ hơn ý này, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thông tin về đề án hệ thống đường sắt đô thị thành phố. Theo đó, hiện TPHCM đang có tuyến metro 1 với 20km và thành phố phấn đấu đến năm 2035 có 183km đường sắt đô thị. Dự kiến, TPHCM cần 36 tỷ USD để thực hiện. Cụ thể, từ giờ đến năm 2030 chỉ xây dựng khoảng 31km, nhưng giai đoạn từ 2030-2035 phải xây nhanh hơn khi công tác chuẩn bị trước đó đã xong.
Ông Mãi nhìn nhận, đường sắt đô thị là một dự án rất lớn. Do đó, nếu có quyết tâm huy động sức dân đóng góp xây dựng thành phố thì thành phố sẽ phát hành trái phiếu đường sắt đô thị để bà con mua trái phiếu, đóng góp kinh phí để thành phố triển khai dự án.
“TPHCM có được cơ chế phát hành trái phiếu, do đó thành phố có thể phát hành trái phiếu đường sắt đô thị thành phố”, ông Mãi nêu và cho biết thành phố sẽ tính toán hiệu quả bằng cách khai thác các quỹ đất xung quanh các tuyến và sau này sẽ trả lại, cộng với tác động về kinh tế - xã hội cũng sẽ rất tốt. Đó là kết quả đến sau, còn trong giai đoạn đầu tư thì thành phố cần lượng vốn rất lớn trong khi chưa có được nguồn thu ngay thì buộc phải vay và trả sau bằng hiệu quả của dự án.
Ông Mãi cho rằng, bà con nhân dân gửi tiền ngân hàng thì lãi suất có thể cao hơn, còn mua trái phiếu đường sắt đô thị thì lãi suất thấp hơn, tuy nhiên đây là sự đóng góp xây dựng thành phố. “Với sức của nhân dân thành phố, chúng ta có thể làm được việc rất lớn lao, có thể làm được dự án hàng trăm tỷ USD. Tôi có một niềm tin mạnh mẽ như thế”, ông Mãi bày tỏ.
TPHCM báo cáo Quốc hội phương án gỡ vướng dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng 01/10/2024 Chuyên gia cảnh báo nhiều vấn đề pháp lý khi TPHCM thực hiện 8 tuyến metro 03/08/2024 Chủ tịch TPHCM đốc thúc chạy nước rút và xác định các giải pháp đột phá 01/10/2024 Ông Nguyễn Phước Lộc tiếp tục làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM 02/10/2024Kinh tế
Giá xăng giảm mạnh từ 15h chiều nay
Kinh tế
Honda Việt Nam trao tặng hơn 1,7 triệu mũ bảo hiểm cho học sinh lớp một
Kinh tế
Giá vàng nhẫn tiếp tục tăng mạnh
Kinh tế
Sự thật về chuyến tàu Shinkansen làm thay đổi nước Nhật
Kinh tế
Đăng thảo luận