Fed phát tín hiệu giảm thêm 200 điểm đến năm 2026
Kết thúc cuộc họp chính sách hôm 19/9, Fed đã hạ lãi suất mạnh tay lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020. Trong bối cảnh cả tình hình việc làm và lạm phát đều hạ nhiệt, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã quyết định giảm lãi suất ở mức 50 điểm cơ bản (tương đương 0,5%), đưa phạm vi lãi suất xuống 4,75 - 5%.
Nếu không tính tới đợt cắt giảm lãi suất khẩn cấp trong giai đoạn đại dịch Covid-19, lần cuối cùng FOMC cắt giảm với bước nhảy 50 điểm cơ bản là vào năm 2008 - giữa cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Mặc dù ngưỡng lãi suất cơ bản 4,75 - 5% được dùng để thiết lập chi phí vay ngắn hạn cho các ngân hàng, nhưng nó cũng ảnh hưởng đến nhiều sản phẩm tài chính tiêu dùng như vay thế chấp, cho vay mua ô tô và thẻ tín dụng.
Ngoài đợt cắt giảm này, FOMC đã công bố thông qua "biểu đồ chấm" tương đương với mức giảm lãi suất 50 điểm cơ bản nữa vào cuối năm nay, gần với kỳ vọng của thị trường. Biểu đồ chấm cho thấy các tín hiệu mà các thành viên FOMC gửi gắm kỳ vọng lãi suất. Trong biểu đồ chấm công bố lần này, các quan chức Fed kỳ vọng cắt giảm 100 điểm cơ bản vào năm 2025 và 50 điểm cơ bản vào năm 2026. Nhìn chung, biểu đồ chấm cho thấy lãi suất cơ bản của Mỹ sẽ giảm khoảng 200 điểm cơ bản sau động thái ngày 18/9 của FOMC.
Chủ tịch Fed Jerome Powell. Ảnh: ReutersQuyết định nới lỏng tiền tệ trên được đưa ra "dựa trên tiến triển về lạm phát và cân bằng rủi ro". Đáng chú ý, cuộc bỏ phiếu thông qua phương án giảm lãi suất của FOMC có tỷ lệ 11 - 1, trong đó Thống đốc Michelle Bowman bỏ phiếu ủng hộ phương án cắt giảm 25 điểm cơ bản.
"Chúng tôi đang cố gắng đạt được tình hình khôi phục ổn định giá cả mà không làm gia tăng mạnh tỷ lệ thất nghiệp như đôi khi xảy ra với tình trạng lạm phát này. Đó là những gì chúng tôi đang cố gắng thực hiện và tôi nghĩ bạn có thể coi hành động ngày hôm nay là dấu hiệu cho thấy cam kết mạnh mẽ của chúng tôi trong việc đạt được mục tiêu đó" - Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại cuộc họp báo sau quyết định giảm lãi suất.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng vọt tới 375 điểm sau khi Fed công bố quyết định mạnh tay hạ lãi suất, trước khi giảm bớt phần nào do giới đầu tư cân nhắc những tác động của quyết định hạ lãi suất đến tình hình kinh tế.
"Đây không phải là khởi đầu của một loạt đợt cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản. Thị trường tự nghĩ rằng, nếu Fed giảm 50 điểm, thì khả năng giảm thêm 50 điểm nữa là rất cao. Nhưng tôi nghĩ ông Powell thực sự đã phá vỡ ý tưởng đó ở một mức độ nào đó" - nhà kinh tế trưởng Tom Porcelli tại PGIM Fixed Income bình luận sau động thái của Fed.
Theo chuyên gia Porcelli, quyết định nới lỏng chính sách mạnh mẽ lần này của Fed là đúng đắn khi lạm phát đang dần được kiểm soát và nền kinh tế Mỹ tránh được suy thoái.
Lực đẩy cho thị trường chứng khoán
Gần đây, đà leo dốc của thị trường chứng khoán toàn cầu chậm lại do lo ngại về nguy cơ giảm tốc của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chỉ số chứng khoán thế giới đã giảm hơn 6% trong 3 ngày đầu tháng 8 sau dữ liệu việc làm kém khả quan của Mỹ.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, thị trường chứng khoán thế giới sẽ lấy lại phong độ khi lãi suất thấp hơn ở Mỹ thúc đẩy hoạt động kinh tế và tránh được suy thoái. Chuyên gia Emmanuel Cau - Trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu châu Âu tại Ngân hàng Barclays cho biết: “Thị trường chứng khoán thường không ổn định sau đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed, do nhà đầu tư vẫn thận trọng về lý do cho quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ. Nhưng nếu có một đợt cắt giảm mà không đi kèm suy thoái thì thường thị trường có xu hướng đi lên trong trung hạn".
Chuyên gia của Barclays cho rằng, các lĩnh vực bất động sản và tiện ích sẽ hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp.
Theo Giám đốc đầu tư toàn cầu Rick Rieder của Tập đoàn quản lý tài sản BlackRock, các nhà đầu tư chứng khoán nên tận dụng tối đa "thời kỳ hoàng kim của thu nhập cố định" trong bối cảnh Fed giảm lãi suất mạnh. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cảnh báo nhóm cổ phiếu công nghệ sẽ không thể tiếp tục tận hưởng “cơn sốt” tăng giá trị như thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, quyết định giảm lãi suất 50 điểm cơ bản của Fed được đánh giá là tín hiệu tích cực đối với thị trường cổ phiếu châu Á nhờ kỳ vọng các ngân hàng T.Ư trong khu vực sẽ có hành động tương tự như Ngân hàng T.Ư Mỹ.
Chuyên gia Straits Investment Management - Giám đốc điều hành Công ty Manish Bhargava nói với Bloomberg: “Lãi suất Mỹ thấp hơn có thể thúc đẩy tâm lý chấp nhận rủi ro đối với cổ phiếu châu Á, thu hút dòng vốn đổ vào các thị trường mới nổi khi các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận cao hơn”.
Châm ngòi cho làn sóng nới lỏng tiền tệ ở châu Á?
Các ngân hàng T.Ư tại châu Á hiện tại có thêm dư địa để điều chỉnh chính sách tiền tệ của mình. Điều này có thể dẫn đến một làn sóng nới lỏng tiền tệ trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần thận trọng và không nên vội vàng đưa ra quyết định. Chuyên gia Chamath De Silva - Trưởng bộ phận thu nhập cố định tại BetaShares Holdings cho rằng thị trường có thể cần thêm thời gian để “tiêu hóa” đầy đủ tác động của quyết định giảm lãi suất từ Fed. Việc theo dõi phản ứng của thị trường Mỹ trong những ngày tới sẽ cung cấp thêm manh mối quan trọng về xu hướng dài hạn.
Cũng có quan điểm thận trọng như trên, chuyên gia kinh tế Brian Tan của Barclays Plc cho biết: "Sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng các nhà hoạch định chính sách của khu vực đang háo hức chờ đợi cơ hội để bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ". Ông nhấn mạnh rằng, tình hình kinh tế của mỗi quốc gia không nhất thiết đòi hỏi phải có sự nới lỏng ngay lập tức.
Câu trả lời có thể đến sớm nhất là vào tuần này, khi các ngân hàng T.Ư ở Trung Quốc và Nhật Bản đều dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất. Tiếp theo là Ngân hàng Dự trữ Australia vào ngày 24/9 cũng dự kiến sẽ tuyên bố không thay đổi lãi suất.
Tại Ấn Độ và Philippines, áp lực lạm phát có thể khiến các nhà hoạch định chính sách thận trọng hơn. Các nhà phân tích chỉ dự báo một đợt cắt giảm nhẹ 25 điểm cơ bản trong quý IV.
“Hiện các ngân hàng T.Ư châu Á có thể tập trung nhiều hơn vào thực trạng trong nước trước khi họ cân nhắc đưa ra chính sách tiền tệ của mình” - ông Khoon Gho trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á tại Tập đoàn Ngân hàng Australia và New Zealand nhận định.
“Hành động của Fed không chỉ giới hạn ở Mỹ, mà sẽ tác động sâu sắc đến thị trường ngoại hối do ảnh hưởng của chúng đến giá trị của USD - đồng tiền dự trữ toàn cầu. Chúng sẽ tạo ra một hiệu ứng lan tỏa ở các nơi khác trên thế giới” - Reena Aggarwal - Giám đốc Trung tâm Psaros về thị trường tài chính và chính sách của Đại học Georgetown, nói với đài CNBC.
Đăng thảo luận