Mặc dù mong muốn tuân thủ quy định pháp luật nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động nhưng doanh nghiệp vẫn bối rối trong việc đánh giá, phân loại lao động

Theo Thông tư 29/2021/TT-BLĐTBXH, việc phân loại lao động theo điều kiện làm việc đối với nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là nhằm thực hiện các chế độ bảo hộ lao động và chăm sóc sức khỏe đối với người lao động (NLĐ). Trách nhiệm phân loại lao động thuộc về người sử dụng lao động (NSDLĐ). Tuy nhiên, những phát sinh trong thực tiễn thực hiện khiến doanh nghiệp (DN) rối bời.

Nhiều băn khoăn

Bà Trần Thị Lan Linh, cán bộ nhân sự một DN tại TP HCM, cho biết khi công ty tiến hành đánh giá, phân loại lao động theo Thông tư 29/2021/TT-BLĐTBXH thì phát sinh tình huống khó xử lý.

Đó là theo kết luận của tổ chức đánh giá điều kiện lao động thì một số vị trí thuộc công việc nặng nhọc, độc hại (loại IV) nhưng lại không có tên trong danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12-11-2020. Bên cạnh đó, điều kiện lao động cũng không đúng mô tả 100%. 

Do vậy, công ty băn khoăn liệu có thể sử dụng kết quả đánh giá, phân loại lao động của tổ chức đánh giá để thực hiện các chính sách liên quan như: điều chỉnh chức danh của NLĐ trong sổ BHXH; thực hiện chế độ nghỉ phép năm 14 ngày; tổ chức khám sức khỏe ít nhất 6 tháng/lần… hay bắt buộc phải có văn bản gửi cơ quan chức năng xem xét, phê duyệt rồi mới được thực hiện? 

Trường hợp chức danh được đánh giá là công việc nặng nhọc, độc hại nhưng DN không điều chỉnh chức danh trong sổ BHXH, không gửi văn bản đề nghị cơ quan xem xét, bổ sung vào danh mục nghề nặng nhọc, độc hại thì NSDLĐ có bị xử phạt không?

 Lúng túng đánh giá, phân loại lao động 第1张

Vận hành máy may công nghiệp là công việc nằm trong danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Công ty TNHH Crystal Elegance Textiles Việt Nam (tỉnh Bình Dương) thì thắc mắc việc DN có bắt buộc phải thực hiện phân loại điều kiện lao động theo Thông tư 29/2021/BLĐTBXH không? Việc phân loại lao động dựa theo tên nghề, công việc; theo đặc điểm điều kiện lao động của nghề, công việc đó hay phải phù hợp cả 2 tiêu chí trên?

Phản hồi các thắc mắc trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn đối với trường hợp cần sửa đổi, bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì DN căn cứ theo quy định tại điều 2 Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH, điều 9 Thông tư 29/2021/TT-BLĐTBXH để thực hiện. 

Bên cạnh đó, DN cần thực hiện đầy đủ các chế độ theo quy định của pháp luật đối với NLĐ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Các DN không thực hiện đúng quy định sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

Lo thiệt thòi

Theo quy định, NLĐ làm công việc nặng nhọc, độc hại sẽ được hưởng nhiều chế độ hơn so với làm việc trong điều kiện bình thường, trong đó có chính sách được nghỉ hưu sớm hơn so với tuổi quy định… Tuy nhiên, do quy định về danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có sự thay đổi khiến việc làm hồ sơ để hưởng quyền lợi của NLĐ đang gặp khó.

Một cán bộ nhân sự của Công ty TNHH Freetrend Industrial Việt Nam (TP HCM) cho hay nhiều NLĐ tại đây đóng BHXH hơn 20 năm, trong đó có từ 15 năm trở lên làm công việc nặng nhọc, độc hại. Từ năm 1997 đến trước khi có Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH, công ty tham gia BHXH cho NLĐ với chức danh "công nhân" sau đó điều chỉnh thành "công nhân may" và được ghi nhận là nghề, công việc nặng nhọc, độc hại. 

Thế nhưng, khi Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH ban hành thì không còn chức danh này mà thay vào đó là "vận hành máy may công nghiệp", dẫn đến thời gian tham gia BHXH nêu trên không được hệ thống BHXH ghi nhận là làm công việc nặng nhọc, độc hại nên NLĐ không đủ điều kiện nghỉ hưu sớm. 

"Khi đủ tuổi, đủ năm đóng BHXH để nghỉ hưu sớm, nhiều NLĐ chọn xin nghỉ việc, hưởng bảo hiểm thất nghiệp rồi mới hưởng lương hưu. Sau đó, khi làm thủ tục hưởng lương hưu trước tuổi thì lại được cơ quan BHXH cho hay chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu trước tuổi mà phải chờ đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định (do số năm đóng BHXH ở công việc nặng nhọc, độc hại không đủ 15 năm). Lúc này, NLĐ lỡ dở vì không được hưởng lương hưu, cũng không thể tìm được việc làm mới do lớn tuổi" - một cán bộ nhân sự chia sẻ. Đối với trường hợp trên, cơ quan BHXH yêu cầu DN phải chỉnh sửa chức danh cho quá trình đóng BHXH của NLĐ.