Những trường đại học nghìn tỷ
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, hằng năm, các cơ sở giáo dục ĐH phải thực hiện báo cáo “3 công khai”: cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo, tài chính. Đầu năm học 2024-2025, hầu hết đại học công bố báo cáo “3 công khai” theo quy định của Bộ GD&ĐT, gồm số liệu về tài chính năm 2023. Về tài chính, năm nay tiếp tục ghi nhận có nhiều trường ĐH đạt tổng doanh thu nghìn tỷ đồng.
Đối với các trường ĐH công lập, thuộc nhóm nghìn tỷ đồng dẫn đầu là ĐH Bách khoa Hà Nội với tổng doanh thu 2.137 tỷ đồng; ĐH Kinh tế HCM là trên 1.679 tỷ đồng; Trường ĐH Kinh tế Quốc dân là trên 1.408 tỷ đồng; Trường ĐH Tôn Đức Thắng trên 1.157 tỷ đồng; Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TPHCM 1.003 tỷ đồng.
Đối với các trường ĐH tư thục, một số trường cũng vào top nghìn tỷ đồng và dẫn đầu là Trường ĐH FPT với tổng thu gần 2.920 tỷ đồng; Trường ĐH Công nghệ TPHCM 1.260 tỷ đồng; Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trên 1.475 tỷ đồng.
Phân tích từ báo cáo công khai tài chính của các trường ĐH cho thấy, tỉ trọng doanh thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hiện rất thấp. Phần lớn doanh thu của các trường dựa vào học phí, tức là nguồn thu chủ yếu là từ người học.
Sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội vào vùng lũ, ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ người dân. Ảnh: Gia Hân
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân có nguồn thu năm 2023 từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là trên 42 tỷ đồng, đạt gần 3%; thu từ học phí hơn 1.014 tỷ đồng, chiếm trên 72%. ĐH Bách khoa Hà Nội có nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là 18 tỷ đồng, đạt trên 0,8%; thu từ học phí là 1.340 tỷ đồng, chiếm hơn 62%.
Thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Trường ĐH Tôn Đức Thắng là trên 53/1.157 tỷ đồng; học phí là trên 997/1.157 tỷ đồng. Ở Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, thu từ học phí là 1.454 tỷ đồng, chiếm trên 98% tổng thu; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là trên 11 tỷ đồng, đạt 0,7%.
Theo phản ánh của các trường, cơ chế, chính sách nặng về hành chính đang là rào cản khiến giảng viên ngại hợp tác nghiên cứu khoa học. Chủ nhiệm đề tài phải thực hiện rất nhiều thủ tục hành chính như lập hồ sơ, thuyết minh, giải trình, đấu thầu, hóa đơn đỏ, 3 báo giá... Chưa kể hoàn thành đề tài còn phải thanh, kiểm tra các hoạt động thu - chi. Chính vì thế, không ít giảng viên có suy nghĩ ra ngoài thành lập doanh nghiệp tư nhân hoặc kết hợp với doanh nghiệp để kiếm tiền từ tri thức của mình.
Khó nhưng vẫn khả thi
Một số cơ sở giáo dục ĐH có doanh thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đạt tỉ trọng tương đối trong tổng nguồn thu. Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội tổng thu năm 2023 đạt 286,4 tỷ đồng, trong đó thu từ nghiên cứu khoa học là 55,5 tỷ đồng, đạt trên 19%.
Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư Chuẩn cơ sở giáo dục ĐH. Để đạt chuẩn cơ sở giáo dục ĐH, bên cạnh những tiêu chuẩn về giảng viên, cơ sở vật chất, tài chính, tuyển sinh - đào tạo..., các trường ĐH có đào tạo tiến sĩ phải đáp ứng yêu cầu tỉ trọng từ các hoạt động khoa học và công nghệ trên tổng thu tính trung bình trong 3 năm gần nhất không thấp hơn 5%.
Xét từ thực tế hiện tại có thể thấy tiêu chuẩn về tỉ trọng nguồn thu trong nghiên cứu khoa học đối với các trường ĐH hiện nay rất khó có thể đáp ứng với những trường doanh thu nghìn tỷ như trên, tỉ trọng từ nghiên cứu khoa học cũng khó đạt được. Còn một số trường khác doanh thu thấp hơn và tỉ trọng thu từ khoa học công nghệ ở mức mấp mé đạt tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT.
Trường ĐH Công nghệ thông tin TPHCM tổng thu năm 2023 là 259 tỷ đồng, trong đó nghiên cứu khoa học 12,4 tỷ đồng, đạt 4,7%. Doanh thu từ khoa học công nghệ của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội là gần 37,3 tỷ đồng, đạt 4,2% trên tổng thu 878,1 tỷ đồng năm 2023. Trường ĐH Bách khoa TPHCM doanh thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hơn 44 tỷ đồng, chiếm 4,4%.
PGS. TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội, khẳng định nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ từ năm 2021 đến năm 2023 của ĐH này giảm đột ngột so với những năm trước COVID-19. Nguyên nhân xuất phát từ khó khăn của doanh nghiệp do ảnh hưởng sau dịch COVID-19. Năm 2022, con số này còn rất thấp, chỉ 7 tỷ đồng.
Trong khi đó, năm 2020, nguồn thu từ chuyển giao công nghệ và nghiên cứu khoa học của ĐH Bách khoa Hà Nội là 107 tỷ đồng trong tổng doanh thu là 1.141 tỷ đồng. Theo ông Điền, năm 2024, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học của ĐH đã bắt đầu “ấm” lên. Tiêu chí nguồn thu từ khoa học phải đạt 5% trong tổng thu hợp pháp của các cơ sở ĐH không khó và ĐH Bách khoa Hà Nội có thể đáp ứng được.
GS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội giải thích, sở dĩ nghiên cứu khoa học chiếm tỉ trọng lớn trong doanh thu của trường là do trường có điểm mạnh về nghiên cứu khoa học cơ bản. Cùng với đó là phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh. Số lượng bằng sáng chế sở hữu trí tuệ của các giảng viên trong trường tăng lên hằng năm. ĐH Quốc gia Hà Nội cũng có cơ chế, chính sách để phát triển nghiên cứu khoa học.
Ông Linh chia sẻ, doanh thu từ nghiên cứu khoa học của trường chủ yếu từ nguồn làm đề tài từ cấp nhà nước, bộ, ngành, ĐH quốc gia, các tập đoàn lớn. Phần về chuyển giao công nghệ có nhưng chưa nhiều. Đây cũng là vấn đề mà ông Linh mong muốn các doanh nghiệp đặt hàng các trường ĐH để đẩy mạnh nghiên cứu chuyển giao công nghệ.
Xem nhiềuThế giới
‘Nhóc’ hà mã lùn Thái Lan bỗng dưng nổi tiếng khắp cõi mạng
Xã hội
Kon Tum tiếp nhận một cá thể trăn đất quý hiếm được người dân giao nộp
Khoa học
Người Scandinavia đã sử dụng thuyền làm bằng da động vật cách đây 5.000 năm?
Khoa học
'Siêu vi khuẩn' sẽ giết chết hàng chục triệu người vào năm 2050
Khoa học
Đăng thảo luận