Công nghệ giúp ngành du lịch tiếp cận, quảng bá hình ảnh, sản phẩm nhanh chóng và hiệu quả tới du khách, tăng sức cạnh tranh cho điểm đến

Ngày 27-6, Báo Người Lao Động đã tổ chức tọa đàm "Phát triển du lịch thời công nghệ số" trong bối cảnh xu hướng ứng dụng công nghệ vào du lịch ngày càng phổ biến.

Ứng dụng AI vào phục vụ du khách

Số liệu của Sở Du lịch TP HCM trong 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy lượng khách đến thành phố đạt khoảng 20 triệu lượt. Trong đó, khách quốc tế gần 3 triệu lượt, xấp xỉ năm 2023. Tổng doanh thu du lịch đạt gần 90.000 tỉ đồng, gần bằng 50% mục tiêu của năm nay.

Bà Nguyễn Thị Minh Phương, Trưởng Phòng Công nghệ và Thông tin Du lịch - Sở Du lịch TP HCM, cho biết đầu năm nay, các sự kiện du lịch như Ngày hội Du lịch, Lễ hội Áo dài, Lễ hội Sông nước TP HCM… đã thu hút hàng triệu lượt khách trực tiếp và gián tiếp tương tác thông qua các nền tảng công nghệ. Các ứng dụng công nghệ mà ngành du lịch và Sở Du lịch đang thực hiện như bản đồ 3D, bản đồ 360 độ tại gần 100 điểm đến giúp du khách có thể tương tác thông minh.

 Ngành du lịch chuyển mình nhờ công nghệ 第1张

Tọa đàm “Phát triển du lịch thời công nghệ số” là diễn đàn để các chuyên gia, doanh nghiệp đề xuất nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ vào ngành du lịch .Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Thời gian tới, Sở Du lịch sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này, ứng dụng thực tế ảo vào tăng trải nghiệm cho du khách. Sở cũng đã số hóa 15 ấn phẩm, chỉ cần dùng điện thoại thông minh là truy cập được.

Ở góc độ doanh nghiệp (DN), ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông và marketing Công ty TSTtourist, nhận định công nghệ thay đổi đến 90% phương thức tiếp cận du khách của DN - từ bị động sang chủ động. Từ đó, DN thay đổi cách tiếp cận, nhanh hơn trong phân tích thị trường, nghiên cứu nhu cầu của khách hàng, tiết giảm chi phí. Khi truyền thông qua các nền tảng công nghệ, các kênh online, DN sẽ chọn lọc để tập trung đúng vào tập phân khúc khách hàng.

Ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc The Outbox Company - chuyên nghiên cứu dữ liệu du lịch, phân tích ở giai đoạn tìm kiếm chuyến đi, hơn 2/3 du khách tìm kiếm trên các nền tảng mạng xã hội, website điểm đến, website của DN, các nền tảng dịch vụ đặt khách sạn… Tại điểm đến, hiện ứng dụng công nghệ chưa phải là bắt buộc mà được xem là giá trị gia tăng. Tuy nhiên, trong thời điểm bùng nổ công nghệ như hiện nay, nhu cầu của khách hàng ngày càng tăng nên có thể trong thời gian ngắn tới, việc ứng dụng công nghệ ở điểm đến cũng sẽ là bắt buộc.

Ông Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty Ảnh Việt Hop On - Hop Off Việt Nam, cho biết ngay từ giai đoạn đầu khai thác xe buýt 2 tầng, DN đã đưa vào thuyết minh đa ngôn ngữ. Ngay sau dịch COVID-19, công ty đã chuyển từ thuyết minh thủ công sang ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) với nhiều giọng đọc, ngôn ngữ khác nhau đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách. Mỗi du khách sẽ có 1 tai nghe, dễ dàng chọn lựa ngôn ngữ yêu thích.

"Chúng tôi sử dụng máy POS để thanh toán, in hóa đơn và mã QR quét giúp đội vận hành biết khách lên xe ở điểm nào. DN còn ứng dụng phần mềm giới thiệu tour, sản phẩm dịch vụ đang được công ty bán ở khoảng 60 nước từ nhiều nền tảng khác nhau. Công nghệ giúp thu thập dữ liệu mỗi phút bán được bao nhiêu vé, bao nhiêu tour. Lượng khách ở khung giờ nào đông hay vắng, công ty sẽ điều chỉnh, bán cho dòng khách phù hợp" - ông Luân dẫn chứng.

Khó khăn lớn nhất vẫn là chi phí

Trong câu chuyện ứng dụng công nghệ cho du lịch, các chuyên gia, DN đều nhìn nhận bài toán khó khăn là chi phí. Đầu tư công nghệ đòi hỏi chi phí rất lớn, rồi đầu tư quảng bá trên nền tảng số hóa làm sao để vừa bảo đảm hiệu quả vừa có lợi nhuận và tối ưu hoạt động kinh doanh.

Ông Trần Quang Duy, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Lữ hành Chim Cánh Cụt, nói công ty ông đã ứng dụng công nghệ từ rất sớm qua việc xây dựng hệ thống dữ liệu, marketing online nhiều hơn trực tiếp, ứng dụng mạng xã hội để quảng bá. Tuy nhiên, việc phát triển của du lịch không thể tách rời chuyển đổi số nhưng ứng dụng công nghệ cũng cần ở mức độ nhất định.

"Du lịch là ngành cảm xúc, nhất là khi triển khai tour du lịch văn hóa, lịch sử. Tại các điểm đến, việc ứng dụng công nghệ hỗ trợ thêm cho cảm xúc của du khách chứ không thay thế hướng dẫn viên. Nhất là sau đại dịch COVID-19, khách quan tâm trải nghiệm sâu, một số app (ứng dụng) có thể hỗ trợ các hoạt động team building tốt hơn" - ông Duy nói.

Bên cạnh những mặt tích cực, sự ám ảnh về việc phải ứng dụng công nghệ cũng gây không ít khó khăn cho DN. Theo ông Đặng Mạnh Phước, trên thế giới, không ít điểm đến từng đầu tư lớn nhưng du khách không có nhu cầu trải nghiệm nhiều. Đặc biệt, trong bối cảnh ngành du lịch chỉ mới phục hồi, cần cẩn trọng, xem xét khách hàng của chúng ta là gì, nên ứng dụng công nghệ nào… Bởi xét cho cùng, công nghệ chỉ là một phương tiện, sự hấp dẫn của các điểm đến mới quan trọng. 

Bà NGUYỄN THỊ MINH PHƯƠNG, Trưởng Phòng Công nghệ và Thông tin Du lịch - Sở Du lịch TP HCM: Đầu tư trung tâm điều hành du lịch thông minh

Đề án Phát triển du lịch thông minh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của ngành du lịch TP HCM đã xác định nhiều nội dung quan trọng, trong đó cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) đang ráo riết được chuẩn bị, tiếp theo sẽ triển khai trung tâm điều hành du lịch thông minh… để giải đáp các yêu cầu cho du khách.

Trong xu hướng của du lịch công nghệ, du lịch xanh, các chỉ số, tiêu chí liên quan đến cắt giảm tín chỉ carbon của DN sẽ là một trong những yếu tố để đơn vị nước ngoài lựa chọn hợp tác. Do đó, đây cũng là điều các DN cần lưu ý.

Ông PHẠM VĂN TIỆM, Giám đốc marketing Công ty TNHH Resorts International Việt Nam: Du khách hưởng lợi từ ứng dụng công nghệ

Việc sử dụng ứng dụng liên kết với các nền tảng giúp DN và du khách tiếp cận dễ dàng, chăm sóc khách hàng tốt hơn, giảm chi phí hoạt động, tăng hiệu quả kinh doanh, nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Ứng dụng RI của công ty đáp ứng hoàn toàn mọi nhu cầu từ việc ăn gì, ở đâu, chơi gì tại mọi nơi trên thế giới, liên kết với các nền tảng booking theo nhu cầu của khách hàng.

Từ app RI, khách là thành viên của RI, cung cấp quyền nghỉ dưỡng ngay tại các khu nghỉ dưỡng 5 sao trong và ngoài nước, có nhiều lựa chọn trên cùng một nền tảng. App Live-booking RIVN giúp khách hàng tiết kiệm chi phí khi đặt vé máy bay quốc tế với mức giảm đến 30%, đặt phòng có ngay, trao đổi resort với mức giá sỉ, kiểm tra giá phòng trực tuyến với mức giảm đến 50%, giảm giá các khu vui chơi, nhà hàng, ăn uống, giải trí, mua sắm…

Ông NGUYỄN MINH MẪN, Giám đốc truyền thông và marketing Công ty TSTtourist: Đầu tư công nghệ phải mang lại hiệu quả

Công ty ứng dụng đa kênh trong tiếp cận khách hàng và mới đây là livestream giới thiệu sản phẩm du lịch cũng được quan tâm. Các ứng dụng quản trị, vận hành nội bộ cũng là yếu tố then chốt đáp ứng nhu cầu giảm sự chồng chéo thủ công, gia tăng hiệu suất và hiệu quả kinh doanh. Nhưng để bảo đảm sự thành công khi ứng dụng công nghệ, cần kết hợp cả năng lực phân tích, phán đoán thị trường, đo lường hành vi và nhu cầu khách hàng… Cần tối ưu công nghệ càng nhiều càng tốt nhưng phải hiệu quả và phù hợp.

 Ngành du lịch chuyển mình nhờ công nghệ 第2张

 Ngành du lịch chuyển mình nhờ công nghệ 第3张

 Ngành du lịch chuyển mình nhờ công nghệ 第4张

 Ngành du lịch chuyển mình nhờ công nghệ 第5张

 Ngành du lịch chuyển mình nhờ công nghệ 第6张

 Ngành du lịch chuyển mình nhờ công nghệ 第7张