Đã khá lâu tôi mới gặp lại Mai Hương (30 tuổi, quê Hà Nam) - cô bạn học thời cao đẳng. Chúng tôi chia tay nhau sau khi Hương quyết định bảo lưu kết quả học cao đẳng năm thứ 3 và đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Nhật Bản.
Hương cho biết để có quyết định này, cô đã suy nghĩ rất nhiều, song vẫn tâm niệm đó là cơ hội tốt để học hỏi. Sau khi về nước, Hương có nhiều đóng góp cho nông nghiệp của tỉnh Hà Nam.
"Thời gian gần đây, nhiều công ty của Nhật Bản đã đầu tư nhà máy chế biến nông sản tại Hà Nam. Bên cạnh đó, họ thường xuyên tuyển dụng người địa phương đi XKLĐ sang Nhật Bản, khi trở về nước sẽ làm việc tại các nhà máy này" - Hương kể.
Hương đi XKLĐ từ năm 2015 theo chương trình ký kết tuyển dụng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp giữa 2 tỉnh Hà Nam và Aichi - Nhật Bản. Dù chuẩn bị tâm lý kỹ lưỡng nhưng cô không khỏi ngạc nhiên trước sự hiện đại của hoạt động nông nghiệp tại xứ hoa anh đào.
Tại Nhật Bản, những chủ trang trại đầu tư mạng lưới kỹ thuật cao - từ lúc ươm giống, trồng trọt đến khi thu hoạch đều có sự tham gia của máy móc, thiết bị nông nghiệp chuyên dụng. Thời gian làm việc gần 4 năm ở Nhật Bản giúp Hương trải nghiệm và học hỏi được nhiều kiến thức, kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp.
Mai Hương và những người bạn khi còn làm việc ở nông trại tại Aichi - Nhật Bản (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Trở về nước và hoàn thành chương trình học cao đẳng, Hương quyết định mở trang trại riêng, ứng dụng những gì đã học được ở Nhật Bản. Trang trại của cô trồng và chế biến nông sản, những loại rau củ quả được thị trường Việt Nam ưa chuộng và đang tìm đầu ra cho sản phẩm ở thị trường nước ngoài.
Bên cạnh đó, Hương còn tham gia tổ tư vấn phát triển nông nghiệp sạch VietGAP ở hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Hà Nam. Qua đó, cô chia sẻ những kiến thức trong thời gian XKLĐ đến nhiều người dân để thúc đẩy nông nghiệp nông thôn theo hướng hiện đại.
"Quê hương mình còn làm nông nghiệp kiểu thủ công khá nhiều, bởi còn giới hạn về năng lực công nghệ kỹ thuật. Do vậy, tôi đã chia sẻ kinh nghiệm trong tổ tư vấn của HTX rằng khó khăn cũng là điều giúp kích thích mọi người có sự sáng tạo" - Hương bày tỏ.
Đến nay, nhiều địa phương ở Hà Nam đang phát triển công nghệ trồng và chăm sóc dưa leo theo mô hình mới, ứng dụng những kỹ thuật chăm sóc tiên tiến từ Nhật Bản, đạt hiệu quả cao lại hạn chế sâu bệnh.
Đăng thảo luận