Hòa trong không khí tưng bừng của cả nước đón chào năm học mới, sáng 5-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ khai giảng năm học mới 2024 - 2025 với thầy và trò Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, TP Hà Nội.

Phát biểu tại lễ khai giảng, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng nhiệt liệt chúc mừng nhà trường, các cháu học sinh và các bậc phụ huynh. Theo Thủ tướng Chính phủ, năm học mới 2024 - 2025 phải tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được với phương châm "Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể - Thầy cô giáo là động lực - Nhà trường làm bệ đỡ - Gia đình là điểm tựa - Xã hội là nền tảng". Việc gì làm chưa tốt thì phải khẩn trương khắc phục để làm cho tốt; việc gì làm tốt rồi thì phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn để làm tốt hơn nữa, đạt kết quả cao hơn nữa - phải để năm học mới đạt kết quả tốt hơn năm học vừa qua.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, địa phương phải là nền tảng, góp phần quan trọng tạo môi trường lành mạnh về pháp lý, văn hóa, đạo đức, kiến thức, tạo ra xã hội học tập, nhất là điều kiện thuận lợi đối với các cháu học sinh khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn. Chú trọng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông gắn với đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát huy tính cực, chủ động của học sinh. Thường xuyên cập nhật, vận dụng phương pháp giáo dục tiên tiến, kế thừa được thành tựu của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin, phát triển phù hợp với xu hướng giáo dục hiện nay trên thế giới.

 Quan tâm hơn nữa tới đội ngũ giáo viên 第1张

Giáo viên cùng 23 triệu học sinh cả nước bước vào năm học mới. Ảnh: Hoàng Triều

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, công bằng, bình đẳng, thúc đẩy xã hội học tập và tạo cơ hội học tập suốt đời; trong đó khẩn trương hoàn thành Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập...

Đồng thời, cần quan tâm chăm lo, phát triển đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo để các thầy cô giáo thực sự là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo cho các thế hệ học sinh noi theo.

Thầy cô giáo không chỉ truyền thụ kiến thức mà phải gương mẫu trong rèn luyện, luôn khích lệ, động viên, hướng dẫn, chia sẻ, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các cháu; phát hiện, khuyến khích, tạo điều kiện cho từng học sinh phát huy sở trường; không chỉ nói những điều mình biết, hiểu mà cần truyền cho các cháu tinh thần hào hứng học, kích thích trí tò mò, óc sáng tạo; không chỉ học qua sách vở mà cần chú trọng cả thực hành; khơi dậy mạnh mẽ lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.