(NLĐO) - Xác tàu đắm được tìm thấy ở vùng nước sâu giữa Tây Ban Nha và Morocco được xác định là của "cướp biển Barbary" từng hoành hành ở Địa Trung Hải.
Nhà khảo cổ học hàng hải Sean Kingsley, Tổng Biên tập tạp chí Wreckwatch và là thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết đây là lần đầu tiên tàu cướp biển Barbary được tìm thấy trong khu vực này.
Cướp biển Barbary, có khi được gọi là cướp biển Ottoman, bắt đầu hoạt động vào thế kỷ 15 ở Algiers - khi đó là một phần của Đế chế Ottoman - và gây kinh hoàng trong suốt hàng trăm năm sau đó.
Một số hiện vật từ con tàu cướp biển được thiết bị ROV chụp được - Ảnh: Seascape Artifact Exhibits
Nhóm cướp biển này đã hoành hành trên khắp Địa Trung Hải, nhưng nhiều nhất là phía Tây Địa Trung Hải.
Ngoài chiếm giữ các tàu buôn, cướp biển Barbary còn thực hiện các cuộc đột kích vào các thị trấn và làng mạc ven biển châu Âu.
Con tàu vừa được tìm thấy được trang bị vũ khí hạng nặng và có vẻ đang hướng đến bờ biển Tây Ban Nha để cướp bóc, bắt giữ người dân làm nô lệ.
Vào thời kỳ đó, những người bị bắt kiểu này bị giữ để đòi tiền chuộc hoặc bị bán vào hoạt động buôn bán nô lệ ở Bắc Phi.
Cướp biển Barbary tấn công tàu buôn ở Địa Trung Hải các thế kỷ trước - Tranh tư liệu
Nhưng may mắn cho người dân thời kỳ đó, con tàu cuối cùng đã bị đắm và chôn vùi dưới đáy biển ở khu vực eo biển Gibraltar - cửa ngõ giữa Địa Trung Hải và Đại Tây Dương, ở độ sâu khoảng 830 m.
Con tàu dài khoảng 14 m và thuộc dạng tàu tartane, một loại tàu nhỏ có cánh buồm tam giác trên hai cột buồm cũng có thể được đẩy bằng mái chèo.
Tên gọi này là do buồm làm bằng vải Tartanes được cướp biển Barbary sử dụng vào thế kỷ 17 và 18, một phần là để các tàu khác nhầm chúng là tàu đánh cá.
Quét tia X, 6 cướp biển "hiện hình" trong tàu ma đầy vàng 300 tuổiĐỌC NGAY
Vũ khí trên tàu bao gồm 4 khẩu pháo lớn, 10 khẩu súng xoay và nhiều súng hỏa mai cho thủy thủ đoàn gồm khoảng 20 tên cướp biển.
Con tàu bị đắm cũng được trang bị một loại kính thiên văn sơ khai, mang tính cách mạng vào thời điểm đó và có thể đã được thu giữ từ một con tàu châu Âu.
Đăng thảo luận