Người yêu hội họa chiêm ngưỡng các tác phẩm tranh ký họa tại triển lãm “Hồi sinh”
NHỮNG SẮC MÀU TƯƠNG PHẢN
Trong không gian triển lãm tranh “Hồi sinh” được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh của Lễ hội Vì Hòa bình 2024 vừa diễn ra tại Quảng Trị, có rất đông người yêu hội họa đến thưởng lãm. Gần 130 bức tranh của cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm và họa sĩ Đinh Quang Hải trưng bày tại triển lãm thu hút người xem bằng những sắc màu tương phản.
Họa sĩ Đinh Quang Hải (giữa) trao đổi với phóng viên báo chí tại triển lãm tranh “Hồi sinh”
Bà Nguyễn Thị Xuân Phượng, giám tuyển tranh triển lãm “Hồi sinh”, năm nay đã 95 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn. Nữ văn sĩ, họa sĩ Xuân Phượng kể, năm 1945, vừa 16 tuổi bà đã rời gia đình ở Thừa Thiên-Huế để tham gia phong trào kháng chiến cứu nước. 30 năm ở mặt trận, bà đã làm nhiều công việc khác nhau như thông dịch tiếng Pháp, phóng viên chiến trường, bác sĩ, và công việc sau cùng là đạo diễn phim tài liệu... Cơ duyên đưa bà Xuân Phượng chuyển từ công việc của một bác sĩ ổn định để trở thành phóng viên chiến trường chính là cuộc gặp gỡ vợ chồng nhà điện ảnh cách mạng người Hà Lan Joris Ivens dưới sự giới thiệu trực tiếp của Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch vào năm 1967, mở đầu hành trình làm phim “Vĩ tuyến 17-Chiến tranh nhân dân”. Trong thời gian cùng đoàn làm phim, bà Xuân Phượng và cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm luôn sát cánh, rong ruổi khắp các vùng bom đạn tại Quảng Trị để ghi lại hình ảnh điêu tàn của cuộc chiến, người bằng máy quay, người bằng bút mực. Họ đã có dịp song hành qua nhiều chiến dịch, đi qua nhiều địa điểm như các bến phà Gianh, Quán Hàu (Quảng Bình), Bến Thủy (Nghệ An) - những nơi bom đạn rất ác liệt. Và trong bối cảnh khốc liệt đó, việc vẽ tranh của cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm rất hiểm nguy. Trong cảnh máy bay dội bom liên tục, nhiều khi chỉ mới kịp nhìn nhân vật thôi là đã phải nhảy xuống hầm; em bé ở địa đạo Vịnh Mốc vừa được kéo lên để vẽ thì có máy bay đến lại vội đưa xuống. Có thể nói, nhiều lúc cận kề sinh tử chỉ để đổi mạng mình lấy một bức tranh và trong những hoàn cảnh ấy đã mang lại cho họa sĩ Phạm Thanh Tâm hàng nghìn bức tranh giá trị.
Trong khuôn khổ Chương trình Lễ hội Vì Hoà bình tổ chức lần đầu tiên tại Quảng Trị, bộ tranh “Hồi sinh” như một bản song tấu kể lại câu chuyện chuyển mình của vùng đất đã từng là đất lửa. “Hồi sinh” như một sự nối dài của quá khứ và hiện tại được mô tả sinh động qua 130 bức tranh của cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm và họa sĩ Đinh Quang Hải. Đây là dịp để thế hệ trẻ hiểu hơn về cuộc sống của người dân thời chiến, để có cái nhìn thấu cảm và biết ơn sự hy sinh vô cùng to lớn của các thế hệ cha ông đã nằm xuống vì một Quảng Trị hòa bình của hiện tại.
Họa sĩ TRƯƠNG MINH DỰ
“Điều đặc biệt là dù trong bom gầm đạn rú rất ác liệt, những bức tranh của anh ấy vẽ không bao giờ run tay, lo lắng, nét vẽ rất đậm đà. Nhất là anh dành tình yêu lớn để vẽ các chiến sĩ với đôi mắt tươi sáng, đôi bàn tay rắn chắc, toát lên sự kiên cường...”, bà Xuân Phượng kể về người bạn họa sĩ tài năng Phạm Thanh Tâm. Bà Xuân Phượng cũng nhận ra nhiệt huyết và tâm tư của cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm trong từng nét vẽ, để rồi khi thời bình trở lại, bà luôn trăn trở về việc giúp ông mở một triển lãm để đưa những bức tranh về đề tài chiến tranh đến với công chúng.
MẢNH GHÉP TRỌN VẸN
Trong lúc dự định chưa thực hiện được tại phòng tranh Lotus ở thành phố Hồ Chí Minh thì bà Xuân Phượng gặp họa sĩ Đinh Quang Hải ở Đà Nẵng. Đây là một họa sĩ tài năng về ký họa, đang sinh sống làm việc tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. “Tôi nảy ra ý định tổ chức triển lãm và bàn với bên phòng tranh Lotus là đừng cho Hải xem trước tranh của cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm. Đồng thời đề nghị Hải đến những nơi ác liệt năm xưa cố họa sĩ đã từng qua để vẽ. Mấy năm liền sau đó Hải đã rong ruổi, bỏ nhiều tâm sức để sáng tác nên hàng chục bức tranh ký họa. Ấy là cơ duyên để làm nên triển lãm tranh “Hồi sinh” ý nghĩa ngày hôm nay”, bà Xuân Phượng bày tỏ.
Qua triển lãm tranh “Hồi sinh”, công chúng được thưởng lãm những bức tranh “đổi bằng máu” được cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm miệt mài ký họa ngay trên trận địa, trong các hầm hào để ghi lại cảnh sinh hoạt, chiến đấu của các chiến sĩ và bà con vùng đất lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh, Hà Tĩnh. Và bên cạnh đó, người xem bắt gặp những hình ảnh hồi sinh đầy màu sắc tươi vui, sống động của họa sĩ trẻ Đinh Quang Hải thông qua những bức tranh ký họa ghi lại tại những địa điểm mà cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm đã từng sáng tác năm xưa. Đó là những hình ảnh về phong cảnh, làng quê, công trình mới được xây dựng, cảnh sinh hoạt thường ngày, không khí lao động sản xuất, họp chợ... Tất cả đều toát lên vẻ bình yên lạ thường.
Cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm, sinh năm 1932 tại Hải Phòng. Năm 14 tuổi, ông tham gia các lớp vẽ của khóa mỹ thuật kháng chiến do Hội Văn nghệ Chiến khu 3 tổ chức. Năm 1948, cố họa sĩ là cán bộ vẽ minh họa cho Bộ Thông tin ở Hưng Yên. Năm 1950, tham gia lực lượng chiến đấu tại Điện Biên Phủ. Năm 1967, ông đồng hành với đoàn làm phim “Vĩ tuyến thứ 17 - Chiến tranh nhân dân” để ký họa tại trận địa Vĩnh Linh, Quảng Trị. Họa sĩ Phạm Thanh Tâm qua đời vào ngày 30/5/2019 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Họa sĩ Đinh Quang Hải (Hải Tre), sinh năm 1977 và lớn lên tại Hàng Tre, Hà Nội, nơi có các góc phố cổ mà ngày xưa cụ Bùi Xuân Phái hay Lê Cửu vẫn hay trực họa. Có lẽ vì thế mà chữ “Tre” trong tên của anh như một sự tri ân cho con phố đã gieo vào anh niềm đam mê hội họa. Tốt nghiệp Khoa Sơn mài tại Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp năm 2001, nhưng mãi đến năm 2016, Hải Tre mới quay lại với nghiệp vẽ. Họa sĩ Hải Tre hiện đang là thành viên của Hiệp hội màu nước quốc tế (IWS) và đã tham gia nhiều triển lãm nhóm cùng với Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Cũng như nhiều người dự triển lãm, chị Ngô Thị Huyền đến từ Thanh Oai, Hà Nội tỏ ra rất thích thú trước những bức tranh mang nhiều giá trị lịch sử này. “Lúc xem lại những bức ký họa, tôi cảm thấy rất xúc động. Là một người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tôi không hiểu nhiều về Quảng Trị. Vì vậy khi xem những bức tranh của cả hai họa sĩ, tôi mới hình dung được chiến tranh đã gây ra nhiều đau thương trên mảnh đất này và càng cảm phục về sự hồi sinh, đổi thay trong thời bình. Sự tương phản ở các bức tranh của hai tác giả vào hai thời điểm khác nhau giúp cho mọi người có cái nhìn rõ ràng hơn về tiếng nói của hội họa lúc phản ánh hiện thực đời sống, về giá trị của hòa bình”, chị Huyền nói.
Họa sĩ Đinh Quang Hải chia sẻ, anh đã có nhiều chuyến về với Quảng Trị để thực hiện các bức ký họa. Anh vẽ hoàn toàn bằng sự cảm nhận riêng của mình với tất cả tình yêu, sự kính phục đối với mảnh đất, con người vùng đất lửa mà chưa hề xem qua tranh của cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm trước đó. “Tôi nhận ra tranh của bác Phạm Thanh Tâm giống như tập nhật ký vô cùng sống động cùng nhiều dữ liệu, thông tin về lịch sử. Đổi lại, tranh của tôi đem lại những nét bình yên, sự đổi mới của vùng đất chiến địa năm xưa. Tôi thấy các tác phẩm của mình chính là mảnh ghép giúp buổi triển lãm trở nên trọn vẹn hơn”.
Những người trẻ làm clip lịch sử triệu view 03/09/2024 Người trẻ lật tìm ký ức 03/09/2024 Lễ Quốc khánh, bạn trẻ phượt cả trăm cây số lên vùng biên giới làm điều ý nghĩa 02/09/2024Văn hóa
Nguyên nhân bà Xuân Hòa - chủ phòng trà Tiếng Xưa - đột ngột qua đời
Văn hóa
Biệt thự 100 tuổi trong phim 'Người đẹp Tây Đô' trước nguy cơ bị xóa sổ
Văn hóa
12 tỷ đồng để nâng cấp Khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định
Văn hóa
Làm thiện nguyện chuyên nghiệp
Văn hóa
Đăng thảo luận