Bóng đá Indonesia hồi đầu tháng 10 có lúc bị khuấy đảo do phong trào chống cầu thủ nhập tịch ở ĐTQG gia tăng. Trước đó, trong đợt FIFA days hồi tháng 9, HLV Shin Tae-yong gọi 11 cầu thủ có dòng máu lai vào đội tuyển Indonesia. Đội bóng xứ vạn đảo có trận đấu ra quân với 9 cầu thủ nhập tịch trong danh sách xuất phát.
Không thể phủ nhận thành tích của Indonesia vừa qua có sự cải thiện đáng kể. Họ hoà 2 đội mạnh là Saudi Arabia và Úc ở Vòng loại cuối World Cup 2026 khu vực châu Á. Indonesia cũng có 3 trận thắng liên tiếp trước đội tuyển Việt Nam, kết quả tích cực so với các cuộc đối đầu trước đó. Tuy nhiên, nhiều tiếng nói ở Indonesia vẫn phản đối ĐTQG sử dụng nhiều cầu thủ nhập tịch.
Nguyễn Xuân Son (giữa) có thể là giải pháp cho thành tích về mặt ngắn hạn của đội tuyển Việt Nam nhưng về dài hạn, cần phát triển các giải quốc nội. Ảnh: Thỏa Văn
Indonesia đang là ví dụ điển hình ở Đông Nam Á về chiến lược sử dụng cầu thủ nhập tịch để đạt thành tích chóng vánh. Một trường hợp khác là Philippines cũng trở nên khó chịu hơn với các đội bóng mạnh của khu vực nhờ chính sách nhập tịch. Xa hơn, Singapore từng đăng quang ngôi vô địch AFF Cup (tiền thân ASEAN Cup hiện nay) nhờ vào dàn cầu thủ nhập tịch vượt trội về thể hình, thể lực.
Tuy nhiên, những diễn biến vừa qua tại Indonesia cho thấy sử dụng cầu thủ nhập tịch là vấn đề nhạy cảm, cả ở khía cạnh bóng đá cũng như xã hội. Đây cũng là những vấn đề Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phải cân nhắc khi đứng trước bài toán sử dụng cầu thủ nhập tịch ở đội tuyển Việt Nam. Thông tin gần đây cho thấy HLV Kim Sang-sik có thể xem xét triệu tập tiền đạo Nguyễn Xuân Son (gốc Brazil) vào ĐTQG. Chiểu theo các quy định của FIFA, Nguyễn Xuân Son sẽ đủ điều kiện thi đấu tại Asian Cup 2025, nhưng ASEAN Cup 2024 hiện còn bỏ ngỏ.
Sự góp mặt của Nguyễn Xuân Son, vua phá lưới V-League 2024, chắc chắn giúp HLV Kim Sang-sik thêm giải pháp cho hàng tấn công. Ở góc độ thuần tuý chuyên môn, nhà cầm quân Hàn Quốc rõ ràng mong muốn có đội hình tốt nhất để cạnh tranh với các đối thủ ở Đông Nam Á. Điều này có ý nghĩa quan trọng bởi sau giai đoạn thành công rực rỡ nhất dưới thời ông Park Hang-seo, bóng đá Việt Nam đang có phần đi xuống do “thế hệ vàng” không còn ở đỉnh cao phong độ.
Dù vậy khi đưa ra quyết định cuối cùng, VFF trên góc độ quản lý và điều hành nền bóng đá ắt sẽ phải cân đối giữa việc giải bài toán thành tích ngắn hạn với những mục tiêu dài hạn. Điều này có thể quyết định tới việc có sử dụng hay không và bao nhiêu cầu thủ nhập tịch ở đội tuyển Việt Nam là hợp lý. Ngay tại Indonesia, Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) cũng phải trấn an dư luận rằng, sử dụng cầu thủ nhập tịch là chương trình dài hạn nhưng không phải trọng tâm. Nền tảng cho sự phát triển bóng đá nước này vẫn là đào tạo trẻ, HLV và các giải quốc nội.
Đó là bài học rất đáng lưu tâm nếu nhìn thực tế bóng đá Singapore sau những chức vô địch AFF Cup nhờ nguồn cầu thủ nhập, hiện đã tụt lùi khá xa so với nhóm đầu. Một thực tế khác là với bóng đá Việt Nam, khá nhiều đội bóng V-League chưa làm tốt khâu đào tạo trẻ. Một số trên thực tế vẫn sử dụng nhiều chiêu khác nhau để lách quy định về đào tạo trẻ của VFF.
Nếu cần lấy một ví dụ khác trong khu vực Đông Nam Á không cần cầu thủ nhập tịch nhưng vẫn mạnh, thì đó chính là Thái Lan. Nhờ nền tảng tốt nên dù trải qua những giai đoạn lên xuống theo chu kỳ, bóng đá Thái Lan vẫn sớm trở lại dẫn đầu dựa vào nguồn nội lực dồi dào, có chiều sâu.
Đội tuyển Quốc gia có nên sử dụng cầu thủ nhập tịch? 05/10/2024 Chuyện những cầu thủ nhập tịch ở đội tuyển Việt Nam 29/09/2024Thể thao
Indonesia và Thái Lan cùng Việt Nam giành vé tham dự VCK U17 châu Á
Thể thao
Xuất hiện đội tệ nhất lịch sử vòng loại U17 châu Á, đá 3 trận thua 65 bàn
Thể thao
Hà Tĩnh buộc CLB Hà Nội chia điểm trên sân Hàng Đẫy
Thể thao
'Song sát' tỏa sáng, Chelsea áp sát top 4
Thể thao
Đăng thảo luận