Các chuyên gia kinh tế cho rằng không thể cản dòng chảy hàng hóa, sản phẩm Trung Quốc mà phải chủ động thay đổi để cạnh tranh
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2024, tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam đạt 79,62 tỉ USD, tăng tới 20,96 tỉ USD so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng mức tăng 35,7%. Và một phần rất lớn trong đó được bán trực tiếp từ nhà bán hàng đến tay người tiêu dùng thông qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT).
Hàng tiêu dùng ngày càng rẻ
Thực tế, TMĐT xuyên biên giới, đặc biệt là mua hàng trực tiếp từ Trung Quốc, hiện nay không còn xa lạ với người tiêu dùng trong nước. Thời gian qua, các sàn đua nhau đẩy mạnh hoạt động này, kèm theo nhiều ưu đãi giảm giá. Thậm chí, nhiều người KOL, KOC (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) bao gồm cả người Việt sống ở Trung Quốc như Hằng Du Mục (tên thật Nguyễn Thị Thái Hằng), Zhuzhu (Chu Thị Hiền)… liên tục có những chiến dịch truyền thông, livestream bán hàng trực tiếp từ Trung Quốc với số lượng rất lớn.
Ngoài ra, các nhà kinh doanh Trung Quốc mạnh tay đầu tư các tổng kho, trung tâm livestream khổng lồ ngay sát biên giới nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng Việt. Chính vì vậy mà việc mua một món hàng từ Trung Quốc hiện nay có giá rẻ và giao hàng nhanh hơn so với mua từ người bán trong nước.
Một thống kê chưa đầy đủ cho thấy mỗi ngày có đến 4-5 triệu đơn hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam thông qua các sàn TMĐT. Mỗi đơn hàng có giá rất rẻ, chỉ 100.000-300.000 đồng và tốc độ giao hàng cực nhanh khiến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước khó lòng mà theo kịp trong bối cảnh hạ tầng logistics trong nước vẫn phát triển chậm.
Tiểu thương chợ truyền thống, người bán lẻ hàng tiêu dùng, thậm chí cả những người kinh doanh online cũng không trụ vững trước làn sóng hàng giá rẻ nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc.
Ô tô, sắt thép bị cạnh tranh gay gắt
Không chỉ hàng tiêu dùng, các mặt hàng sắt thép, pin mặt trời và cả ô tô, xe máy điện giá rẻ cũng tràn vào Việt Nam ngày càng nhiều. Như lĩnh vực xe điện, hiện đã có hơn 10 thương hiệu Trung Quốc nhập khẩu trực tiếp hoặc lắp ráp tại Việt Nam: MG, Chery, Wuling, Hongqi, Haima, Haval, GAC, Aion, Omoda, Jaecoo, Lynk & Co… Ngay cả, hãng xe điện Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về quy mô, sản lượng là BYD cũng đang đẩy mạnh xây dựng hệ thống phân phối tại Việt Nam.
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), các hãng xe Trung Quốc có thể sản xuất ra những dòng xe điện giá rẻ nhập khẩu và phân phối tại thị trường Việt Nam thời gian tới. Sức ép lên hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước cũng sẽ tăng tỉ lệ thuận với tốc độ và mức độ thâm nhập thị trường của xe điện Trung Quốc.
Hay như thị trường pin năng lượng mặt trời gần như đã nằm trong tay các doanh nghiệp (DN) Trung Quốc từ 3-4 năm trước. Đến nay, khi Trung Quốc thống trị tuyệt đối ngành sản xuất pin mặt trời toàn cầu, mức độ phụ thuộc của Việt Nam vào nguồn cung tấm pin quang năng từ "ông hàng xóm" này càng lớn hơn. Số DN nội địa sản xuất pin năng lượng mặt trời chỉ đếm trên đầu ngón tay và phải chịu cạnh tranh gay gắt từ hàng giá rẻ Trung Quốc.
Ngoài ra, thép giá rẻ và dư thừa ở Trung Quốc cũng ồ ạt vào Việt Nam đến mức báo động. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy chỉ tháng 6-2024, Việt Nam nhập khẩu 886.000 tấn thép cuộn cán nóng (HRC), bằng 151% sản xuất trong nước, trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 77%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng thép HRC nhập khẩu lên đến gần 6 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023. Lượng nhập khẩu này bằng 173% so với sản xuất trong nước. Trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 74%. Đặc biệt, sản phẩm thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc có giá bình quân chỉ 560 USD/tấn, thấp hơn các quốc gia khác 45-108 USD/tấn. Điều này gây không ít khó khăn cho các DN thép trong nước.
Tiểu thương chợ truyền thống vốn đã khó khăn, giờ đây lại càng khó trước làn sóng hàng giá rẻ từ Trung Quốc. Ảnh: LÊ TỈNH
Giải pháp nào cho DN Việt?
Nói về hàng giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập trên các nền tảng TMĐT, cũng như ở các lĩnh vực khác, Lê Hồng Đức, nhà sáng lập Công ty OneAds Digital, cho rằng đây không phải vấn đề mới, bởi các nhà sản xuất, kinh doanh trong nước đã cạnh tranh với hàng Trung Quốc từ rất nhiều năm.
Những năm gần đây, trình độ và hệ thống logistics của Trung Quốc phát triển rất mạnh và vươn lên tầm quốc tế. Gần đây họ còn đặt những kho hàng thông quan sát biên giới để tập kết hàng hóa nên tính cạnh tranh của hàng Trung Quốc ngày càng lớn.
Do đó, để cạnh tranh, người kinh doanh trong nước cần sáng tạo một sản phẩm có chất riêng để giành chỗ đứng trên thị trường hoặc chọn ngành hàng khác mà người Trung Quốc chưa tiếp cận được để đi trước.
Bên cạnh đó, nhà nước nên xây dựng các tiêu chuẩn đối với hàng hóa xuyên biên giới và yêu cầu khi mua bán online tại Việt Nam phải có công ty để cơ quan nhà nước thu thuế, nộp các phí tương tự như các nhà bán trong nước. Điều này sẽ giúp phần nào rút ngắn khoảng cách về giá, tạo sự cạnh tranh lành mạnh hơn và bảo đảm dòng chảy hàng hóa trong nước.
Theo chuyên gia mảng TMĐT Đỗ Quang Huy, Giám đốc Công ty Ecotop, trong bối cảnh hàng giá rẻ của Trung Quốc cạnh tranh khốc liệt với hàng trong nước, người kinh doanh phải thay đổi tư duy bán hàng, xây dựng thương hiệu sản phẩm cho riêng mình, chuẩn chỉ từ bao bì, chất lượng, marketing, chăm sóc khách hàng… nhằm tạo ra sự khác biệt với đối thủ. Lúc ấy, người bán sẽ không lo cạnh tranh về giá, từ đó sẽ giúp tăng thêm cơ hội bán hàng.
Áp dụng chiến lược này, ông Trương Văn Chính, chủ gian hàng thời trang trên sàn TMĐT, cho biết ông không còn lo về áp lực cạnh tranh của hàng giá rẻ Trung Quốc. Thậm chí, doanh thu và lợi nhuận của ông đang tăng trưởng tốt hơn, lượng đơn hàng cũng tăng đều, trung bình mỗi ngày 300-400 đơn.
Nguyên nhân là do ông kịp thời thay đổi, thay vì mua hàng giá rẻ để bán lại, ông tìm những sản phẩm có vòng đời 1-5 năm để không bị lỗi mốt, từ đó xây dựng thương hiệu, chạy quảng cáo, bán hàng trên đa nền tảng như Facebook, Shopee, Lazada, TikTok.
"Tôi và đội ngũ liên tục sáng tạo ra những cách mới tạo sự khác biệt cho sản phẩm thông qua hình ảnh, video, đồng thời liên tục cải tiến khâu vận hành, chăm sóc khách hàng để ngày càng tốt hơn, tăng độ uy tín, thương hiệu.
Do đó, dù giá bán quần áo trên gian hàng tôi cao hơn nhiều so với gian hàng khác trên sàn TMĐT nhưng đơn hàng mỗi ngày vẫn đi đều. Nếu chỉ chú trọng đến cạnh tranh về giá, chắc chắn sẽ không thể đấu nổi khi chỉ cần chúng ta rẻ, phía nhà bán Trung Quốc cũng sẽ tìm cách bán rẻ hơn" - ông Chính nói.
Đi vào những ngành hàng cụ thể đang phụ thuộc lớn vào nguồn cung của DN Trung Quốc như sắt thép, pin năng lượng mặt trời, xe điện, hàng điện tử gia dụng… các chuyên gia kinh tế cho rằng không thể cản dòng chảy hàng hóa, sản phẩm Trung Quốc vào Việt Nam.
"Chúng ta phải chấp nhận cuộc chơi thị trường, là sử dụng hàng hóa Trung Quốc giá rẻ với chất lượng cao. Có điều, Chính phủ Việt Nam có thể đẩy mạnh công cụ chống bán phá giá để bảo vệ sản xuất trong nước, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh cho cộng đồng DN Việt" - chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu tâm huyết.
Ở phạm vi DN, các DN Việt Nam muốn cạnh tranh được phải nâng chất lượng. Đây không phải là điều dễ thực hiện bởi hạ tầng cơ sở, điều kiện sản xuất của Trung Quốc có nhiều lợi thế và tay nghề của công nhân Trung Quốc tốt hơn rất nhiều.
"Các DN Việt Nam cần phải có kế hoạch và nỗ lực lớn để cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Có điều là sau đại dịch, các DN Việt suy yếu nhiều. Để vực dậy DN Việt, tăng tính cạnh tranh thì Chính phủ cần có những biện pháp hỗ trợ DN. Trong đó, xem xét thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia để hỗ trợ các DN về vốn. Song song đó là các biện pháp về thuế, tài khóa, đầu tư công của Chính phủ để giúp DN nhỏ và vừa có thể sống còn, vượt qua khó khăn" - TS Hiếu nêu quan điểm.
Phát triển hạ tầng logistics hiện đại
Các chuyên gia TMĐT góp ý Việt Nam cần đầu tư xây dựng hạ tầng logistics hiện đại, cải tiến các cảng biển, sân bay nhằm nâng cao hiệu quả và giảm chi phí vận chuyển. Ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Bigdata) để số hóa chuỗi cung ứng, tối ưu hóa tuyến đường vận chuyển và quản lý kho bãi. Song song đó, các đơn vị logistics, chuyên xử lý hàng hóa online phát triển hệ thống quản lý đơn hàng và vận tải nhằm cải thiện tốc độ xử lý nhanh hơn.
Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1985/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Trung Quốc và cả Ấn Độ.
Theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, việc điều tra sẽ kết thúc trong vòng 12 tháng kể từ khi có quyết định điều tra. Trong trường hợp đặc biệt, thời gian này có thể được gia hạn nhưng tổng thời gian điều tra không quá 18 tháng.
Đăng thảo luận