Nhiều người cho rằng học Toán, Lý, Hóa để rèn tư duy, nhưng tôi thấy học sinh Việt chỉ lo giải đề nhanh theo công thức, tìm đáp án đúng.

"Đọc bài viết ''Cắm đầu' học giỏi Toán, Lý, Hóa nhưng không biết để làm gì', tôi tự hỏi, tại sao không dạy thẳng cho học sinh tư duy, bản chất hiện thực cuộc sống? Bạn nào thích tìm hiểu chuyên sâu các chuyên ngành Toán, Lý, Hóa thì có thể học ở đại học. Còn 12 năm phổ thông nên dạy những thứ hữu dụng cho đỡ tốn kém.

Thứ nhất, có một số kỹ năng xuyên suốt đời người vô cùng quan trọng như: kỹ năng quản lý cảm xúc, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng chăm sóc sức khỏe bản thân, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân... Thế nhưng, hiện tại, hầu hết các trường phổ thông đang phó mặc những kỹ năng đó cho gia đình. Tại sao học sinh đi học 12 năm phổ thông mà không được đào tạo chính quy những thứ cơ bản đó?

Thứ hai, tư duy kinh doanh được người Do Thái dạy nhau rất hiệu quả. Ở đó, học sinh sẽ có những đề tài kinh doanh từ nhỏ đến lớn, được đánh giá, chấm điểm, thậm chí thực hành để có kinh nghiệm từ sớm, tiếp cận với cách sử dụng tiền, vốn, chi phí, lợi nhuận... Đôi khi trẻ THCS còn được đi bán hoa, đồ lưu niệm... như một trải nghiệm kinh doanh. Tại sao chúng ta không dạy những thứ đó?

>> Bài toán tiểu học ở Việt Nam làm khó học sinh cấp hai Australia

Thứ ba, nhiều người cho rằng học các môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa để rèn tư duy. Điều đó đúng một phần, nhưng các bạn nên nhớ rằng, cách học hiện nay ở ta còn quá áp đặt, khuôn mẫu, đi ngược lại sự hình thành tư duy phản biện và nghi ngờ khoa học. Nói thẳng ra là các em chỉ học làm sao để lấy cái đáp án đúng, giải đề nhanh mà thôi, và đó không phải là dạy tư duy khoa học.

Cuối cùng, sau 12 năm học phổ, bước vào tuổi 18, vào trường đời, học sinh Việt mới bắt đầu thực sự học các kỹ năng, kiến thức, để tìm một chỗ đứng trong xã hội. Như vậy liệu có quá muộn không? Rất nhiều sinh viên đói mà không biết tự nấu ăn; mệt nhưng không biết cách nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân; kỳ thi nào cũng 'nước đến chân mới nhảy' theo kiểu học vẹt, học tủ. Cuối cùng, họ sập bẫy tài chính. Tôi không thấy dấu ấn của nhà trường trong thực trạng này.

Vậy thì, học kiến thức phổ thông và kỹ năng sống, luật xã hội mới là thực tế. Ai thích chuyên sâu có thể lên cao đẳng, đại học tha hồ lựa chọn chuyên ngành. Còn bậc phổ thông ở đây gốc rễ là phân loại, bồi dưỡng tài năng, cũng như đam mê của học sinh.

Theo dõi chương trình dạy và học hiện nay, tôi thấy giáo trình vẫn cũ kỹ, kiến thức khoa học hiện đại thì hời hợt, kiến thức hàn lâm cổ điển từ thế kỷ 19 lại được dạy chuyên sâu, rất ngược đời. Muốn đi tắt đón đầu, sao chúng ta không bồi dưỡng cho học sinh những kiến thức sơ cấp về lượng tử, sinh hóa, bán dẫn, khoa học máy tính, năng khiếu hội họa, âm nhạc...? Cái cần ở đây là đánh thức năng khiếu và đam mê cho học sinh.

Vợ tôi là giáo viên THPT dạy môn Vật lý. Đôi lúc, tôi cũng hay tranh luận với vợ về chương trình đào tạo hiện hành. Tôi thấy có hai môn vô cùng ý nghĩa với sự phát triển của trẻ là Kỹ năng sống và Giáo dục địa phương. Hai môn này nếu triển khai bài bản các em sẽ có nhiều kiến thức thực tế, hiểu biết về phong tục tập quán nơi mình đang sống cũng như của các bạn trong lớp. Nhưng vì khó quản lý và phụ thuộc đặc điểm phong tục tập quán mỗi vùng miền, nên rốt cuộc lại quay về học thêm Toán, Lý, Hóa...".

Đó là chia sẻ của độc giả Quach Hung xung câu chuyện dạy và học Toán ở bậc phổ thông. Trước đó, trong bài viết của mình, bạn đọc Phil Tran bày tỏ nỗi trăn trở về cách học cũ kỹ của học sinh Việt suốt nhiều năm qua: "học chăm, học giỏi Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Ngoại Ngữ cho chắc; học tủ, luyện giải đề thật nhiều cho thành thạo chứ cũng chẳng biết sau này dùng những kiến thức đó để làm gì, trở thành những cái máy giải bài, thiếu tư duy. Học nặng nhưng sau khi ra trường người Việt vẫn bị đánh giá thấp trên thị trường lao động. Phải chăng ngành Giáo dục cần phải thay đổi định hướng?

Lê Phạm tổng hợp