'Giá rau xanh ngoài chợ truyền thống tăng từng ngày, từng giờ, gấp vài lần trước bão, nhiều người than, còn tôi vào siêu thị mua hàng giá bình ổn'.
"Nhiều người than giá rau xanh tăng chóng mặt theo từng giờ nhưng tôi vào siêu thị mua hàng, thấy giá cả có tăng chút đỉnh nhưng không nhiều như ở chợ. Tôi có thói quen là cứ khi nào hàng hóa khan hiếm như đợt dịch Covid-19, mưa bão, hay Tết ra... là tôi đều vào siêu thị mua hàng. Đơn giản vì hàng hóa trong siêu thị có niêm yết giá rõ ràng và không bị tăng giá quá cao như ngoài chợ".
Đó là quan điểm của độc giả Honggai trước tình trạng giá rau xanh tại Hà Nội tăng từng ngày sau bão Yagi. Tại một số chợ truyền thống ở Hà Nội, giá rau củ liên tục tăng mạnh những ngày qua. Trong đó, cà chua tăng từ 35.000 đồng lên 50.000 đồng mỗi kg với hàng thường và 70.000-80.000 đồng với trái to, ngọt. Ngoài ra, xà lách, cải xoong cũng lên 50.000-70.000 đồng một kg, đắt thêm 20.000-35.000 đồng. Hành lá, các loại rau gia vị khác đồng loạt tăng thêm 50-70%. Một số loại rau ăn lá hiện gấp hai, ba lần ngày thường như rau muống lên tới 35.000 đồng một bó; mồng tơi, rau cải cũng hơn 20.000 đồng, gấp đôi trước bão...
Cũng lựa chọn mua rau củ trong siêu thị bình ổn giá thay vì chịu cảnh giá cao gấp nhiều lần ở ngoài chợ, bạn đọc Bình Luận nhấn mạnh: "Trong siêu thị, giá cả các mặt hàng vẫn ổn định. Dù mẫu mã có hơi xấu so với bên ngoài, nhưng méo mó có hơn không. Nhà tôi bán hàng ăn nên hiểu rõ rằng chẳng có gì gọi là khan hiếm nên đội giá mấy lần như vậy cả".
>> Đi chợ 'méo mặt' vì lương tăng một, hàng hóa tăng mười
Tại các siêu thị, nguồn cung hàng và giá vẫn ổn định. Nhiều mặt hàng rau củ tại đây có giá chỉ bằng một nửa so với ngoài chợ. Trong khi đó, theo Sở Công Thương Hà Nội, nguồn cung hàng hóa thiết yếu vẫn cơ bản đảm bảo. Ngay sau bão, các siêu thị đẩy tăng nguồn nhập từ miền Nam, Lâm Đồng để thay thế cho nhà cung cấp tại địa phương bị ảnh hưởng, đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân.
Không chấp nhận mua rau giá cao tại các chợ, độc giả Huong HC khẳng định: "Đồng ý là do bão lũ vùi dập, hoa màu khan hiếm, nên bà con tiểu thương có tăng giá, nhưng cũng vừa phải thôi chứ không thể tăng gấp vài lần như vậy. Lời khuyên của tôi là nếu ngoài chợ tăng giá mạnh các mặt hàng thiết yếu thì các bạn cứ vào siêu thị mà mua nông sản được cung cấp từ phía Nam, giá cả vẫn bình ổn".
"Họ tăng là việc của họ, còn mua ở đâu là quyết định của chúng ta. Tại sao không vào siêu thị mà mua cho rẻ? Tôi thấy giá cả trong siêu thị không tăng nhiều. Chi phí vận chuyển đúng là có tăng nhưng cũng chỉ 5-10% thôi chứ làm gì có chuyện vận chuyển xa nên giá tăng 100-200% như ngoài chợ được", bạn đọc Nổ nói thêm.
Cũng lựa chọn mua hàng trong siêu thị, độc giả Tuta kết lại: "Bà con yên tâm vào siêu thị mua hàng, không hề khan hiếm các nhu yếu phẩm. Các siêu thị vẫn đang vận chuyển hàng rất nhiều từ các tỉnh phía Nam để cung ứng kịp thời cho người dân Hà Nội, cam kết không tăng giá bán".
- Nỗi oan của tô hủ tiếu tăng giá ngày lễ, Tết
- Tôi không cam chịu ăn bát phở giá 60.000 đồng chỉ vì lễ, Tết
- Du lịch bền vững từ việc ngừng tăng giá dịp lễ, Tết
- Tôi không chấp nhận bát phở tăng giá 20.000 đồng vì lễ, Tết
- Thỏa hiệp hay cạch mặt hàng quán tăng giá ngày nghỉ lễ?
- Rau tăng giá gấp đôi vì xăng
Đăng thảo luận