Bán hàng hiệu, mỗi cửa hàng Hoàng Phúc lãi vỏn vẹn 37 triệu đồng
(Dân trí) - Số liệu tài chính năm 2022 cho thấy chuỗi bán lẻ Hoàng Phúc lãi sau thuế 1,9 tỷ đồng, giảm 83% so với năm trước đó.
Chuỗi cửa hàng thời trang quốc tế Hoàng Phúc, chuyên bán các thương hiệu như Kappa, Ecko Unltd, Superga, Replay, Staple... được thành lập năm 1989 và hiện có gần 50 cửa hàng trên khắp cả nước.
Gây ấn tượng bởi hệ thống cửa hàng lớn, thiết kế thời thượng nhưng kết quả kinh doanh của chuỗi này cũng gây ngạc nhiên không kém.
Theo số liệu tài chính được công bố trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội mới đây, năm 2022, lợi nhuận sau thuế của Công ty cổ phần Đầu tư Hoàng Phúc quốc tế (đơn vị sở hữu chuỗi Hoàng Phúc) chỉ đạt vỏn vẹn 1,9 tỷ đồng, giảm 83% so với mức lãi 11 tỷ đồng của năm 2021.
Như vậy, nếu chia trung bình, mỗi cửa hàng Hoàng Phúc lãi khoảng 37,4 triệu đồng.
Tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của doanh nghiệp cũng giảm mạnh, từ mức 98,35% của năm 2021 xuống chỉ còn 8,12% trong năm vừa qua.
Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tại thời điểm cuối năm 2022 ghi nhận 23,1 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Một điểm đáng chú ý là doanh nghiệp này sử dụng đòn bẩy tài chính khá lớn. Năm 2021, tỷ lệ nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu là 16,82 lần. Sang đến năm 2022 tăng lên 19,66 lần.
Ngoài ra, năm 2022 đơn vị này cũng đẩy mạnh vay nợ từ trái phiếu. Cụ thể hồi cuối năm 2021, đơn vị này không có dư nợ trái phiếu, nhưng sang đến cuối năm vừa qua dư nợ nguồn vốn này so với vốn chủ sở hữu ở mức 0,48 lần. Tương đương với khoảng 11 tỷ đồng trái phiếu.
Kết quả kinh doanh sụt giảm của Hoàng Phúc nằm trong xu thế chung của ngành bán lẻ khi tiêu dùng nội địa sụt giảm.
Mới đây, "ông lớn" bán lẻ là Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG) ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2022 giảm 16,3% so với năm 2021.
Một trường hợp khác là Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số (FPT Retail - mã chứng khoán: FRT) cũng ghi nhận mức sụt giảm lợi nhuận 10,3% so với năm 2021.
Đăng thảo luận