Để bình xăng quá kiệt, khởi động xe rồi đi ngay, tỳ tay lên cần số khi đang chạy hay rà phanh liên tục lúc xuống dốc,… là những thói quen có thể khiến chiếc xế cưng "làm bạn" thường xuyên với gara.
Ô tô là một cỗ máy hiện đại với rất nhiều chi tiết cơ điện tử hoạt động đồng bộ với nhau.
Giống như hầu hết các loại máy móc, vật dụng khác, chiếc xe của chúng ta cũng mang đặc tính "của bền tại người". Có nghĩa là nếu được vận hành đúng cách, bảo dưỡng và chăm sóc thường xuyên sẽ giữ được độ bền cao. Ngược lại, khi sử dụng một cách tuỳ tiện, thiếu kiến thức và không bảo quản tốt sẽ khiến chiếc xe nhanh 'tã' dẫn tới hỏng hóc.
Cần thường xuyên bảo dưỡng, chăm sóc định kỳ để chiếc xe vận hành bền bỉ, an toàn nhất. Ảnh: Hoàng HiệpCác chuyên gia về kỹ thuật ô tô cho rằng, nhiều người dù đã lái xe hàng chục năm vẫn có những thói quen vận hành gây hại, thậm chí gây mất an toàn nghiêm trọng. Do vậy, nếu đang mắc một trong những thói quen sau đây, bạn cần phải điều chỉnh ngay.
1. Để mức nhiên liệu quá kiệt
Rất nhiều lái xe hiện nay có thói quen để kim báo chạm vạch đỏ mới đổ xăng. Ngoài rủi ro khi không may chưa thể tìm được trạm nhiên liệu trên đường, các chuyên gia còn cho rằng, việc để mức xăng quá thấp có thể gây hại cho hệ thống bơm nhiên liệu.
Nguyên nhân là hầu hết các ô tô hiện nay đều được bố trí một bơm bên trong bình xăng, được làm mát bằng chính nhiên liệu đó. Mức nhiên liệu quá thấp liên tục sẽ khiến máy bơm bị nóng, làm việc kém hiệu quả. Nặng hơn có thể dẫn đến tình trạng bơm xăng hỏng đột ngột, xe phải “nằm đường” và tốn nhiều chi phí để cẩu kéo, sửa chữa.
Việc thường xuyên lái xe khi gần cạn bình xăng cũng không tốt bởi nhiên liệu ở đáy bình xăng của ô tô thường chứa cặn. Kéo dài tình trạng này trong nhiều ngày, những tạp chất này có thể làm tắc nghẽn bộ lọc nhiên liệu và các đường dẫn, việc này sẽ buộc bạn phải mất chi phí sửa chữa.
Do vậy, các chuyên gia khuyên rằng, khi bình xăng còn khoảng 1/4, lái xe phải tìm trạm xăng để tiếp nhiên liệu ngay. Còn nếu chiếc xe của bạn ít sử dụng, bạn nên đổ ít nhất nửa bình xăng để giảm thiểu gỉ sét.
Xe cạn nhiên liệu có thể gây nên những hệ lụy nghiêm trọng. Ảnh minh hoạ: Otohui2. Khởi động xe rồi vào số đi ngay
Nhiều người có thể do thói quen hoặc quá vội nên khi lên xe khởi động rồi vào số đi luôn. Thế nhưng, đây là thói quen rất xấu, sẽ làm hại cho động cơ.
Các kỹ sư ô tô giải thích, sau một khoảng “nghỉ ngơi”, dầu nhớt trong động cơ sẽ lắng xuống dưới. Nếu vừa khởi động đã vào số đi ngay, lượng dầu nhớt này chưa tới bôi trơn đều các bộ phận, trong khi đó động cơ đã phải làm việc với vòng tua cao sẽ dẫn tới nhanh nóng máy và hao mòn các bộ phận cơ khí.
Do vậy, các chuyên gia khuyên rằng, nên khởi động và để xe chạy không tải khoảng 30 giây đến 1 phút cho dầu nhớt tới đều các vị trí rồi mới vào số, di chuyển.
3. Bất ngờ chuyển số tiến trong khi xe đang lùi
Nhiều lái xe để tiết kiệm thời gian khi lùi xe chuyển hướng thường vào ngay số tiến (số 1 đối với số sàn và D đối với số tự động) ngay cả khi xe vẫn chưa thực sự dừng lại. Việc chuyển số bất ngờ như vậy là một trong những tác nhân gây hại lớn cho hộp số của xe.
Theo các kỹ sư ô tô, hệ thống truyền động vẫn đang trong quá trình lùi vẫn có quán tính lớn, khi đột nhiên bị thay đổi theo hướng ngược lại sẽ làm bánh răng hộp số và các trục xuống cấp nhanh chóng, có thể dẫn đến hỏng hộp số. Do đó, chỉ chuyển từ số lùi sang số tiến và ngược lại khi xe đã dừng hẳn.
4. Tỳ tay lên cần số khi lái xe
Một số lái xe đặt tay lên cần số như một thói quen để vào số nhanh hơn, nhất là đối với xe số sàn đời cũ. Tuy nhiên, thói quen này có thể gây hại các bộ phận trên hộp số bởi trọng lượng mà tay lái xe tì lên cần số sẽ được truyền xuống các bánh răng trong hộp số và khiến chúng bị hao mòn, hư hại nhanh chóng.
Đây cũng là thói quen hoàn toàn không tốt vì khi gặp những tình huống bất ngờ, tài xế sẽ không kịp đưa tay lên vô-lăng để đánh lái; đồng thời trong lúc "cuống" có thể vô tình chuyển sang số khác rất nguy hiểm. Tuy nhiên, với các loại xe số tự động, cần số điện tử thì thói quen này có thể bị loại bỏ.
Tỳ tay lên cần số là thói quen cần được điều chỉnh của nhiều tài xế. Ảnh minh hoạ: CarandDriver5. Rà phanh khi đổ đèo
Phanh xe (thắng) là bộ phận rất quan trọng, liên quan đến sự an toàn của chiếc xe. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nên sử dụng phanh càng ít dùng càng tốt.
Khi phanh phải làm việc liên tục ở tốc độ cao, quán tính và ma sát lớn sẽ khiến đĩa và má phanh bị đốt cháy, dẫn đến mất phanh. Ngoài ra, do làm việc dưới áp lực cao nên hệ thống thủy lực có thể bị vô hiệu hóa.
Do vậy, khi đổ đèo cần tránh tuyệt đối việc rà phanh liên tục, thay vào đó chúng ta hãy đi chậm bằng cách sử dụng số hợp lý. Đối với số sàn, thực hiện theo nguyên tắc "lên số nào xuống số đó", còn với số tự động có thể chuyển sang số thấp (L, L1, L2,... tuỳ xe).
6. Đi qua gờ giảm tốc, ổ gà với tốc độ cao
Đi vào ổ gà hoặc gờ giảm tốc với tốc độ cao không chỉ gây hại cho lốp, hệ thống giảm xóc, khung gầm mà còn khiến những người trên xe không mấy dễ chịu. Thực tế, rất nhiều trường hợp xe SUV tiền tỷ cũng bị nổ lốp do cán qua ổ gà trên đường, gây nguy hiểm, mất thời gian và cả thiệt hại về kinh tế.
Do đó, khi đi ở những đoạn đường xấu, hãy đi thật chậm. Đồng thời lái xe cần quan sát và chủ động vòng tránh, giảm tốc độ khi thấy những ổ gà hay chướng ngại vật trên đường.
Lái xe cần quan sát đường và nên giảm tốc độ tối đa khi đi vào ổ gà, gờ giảm tốc. Ảnh: Hoàng Hiệp7. Đánh lái chết, đánh hết lái
Đánh lái chết là việc lái xe xoay vô lăng khi xe đang dừng, bánh xe không quay nhưng vẫn chuyển động hướng sang phải hoặc trái.
Việc đánh lái chết thường xuyên có thể gây hại hệ thống lái vì khi đó, toàn bộ bơm trợ lực, thước lái, rô-tuyn,… đều phải hoạt động ở mức cao do lực ma sát lớn. Đánh lái chết còn gây mòn lốp nhanh chóng vì lúc đó lốp trước tạo với mặt đường lực ma sát trượt chứ không phải ma sát lăn. Nếu không may đánh lái ở nơi có đá sỏi hoặc dị vật sắc nhọn còn có thể bị thủng lốp.
Do vậy, nên luyện tay lái để đánh lái chính xác, nhất là khi lùi xe; tập thói quen sao cho khi xe dừng là cũng dừng đánh lái, và chưa đánh lái khi xe chưa chuyển động.
Ngoài ra, khi lái xe chuyển hướng, quay đầu cũng không nên đánh lái hết cỡ bởi việc này có thể gây tụt áp trong bơm trợ lực dầu và hỏng bơm trợ lực, nhất là đối với dòng xe đời cũ sử dụng trợ lực dầu.
Ngoài những thói quen ở trên cần bỏ ngay lập tức, các chuyên gia cũng khuyên rằng nên đưa ô tô của mình đi bảo dưỡng định kỳ và sử dụng những dung dịch như dầu nhớt, dầu trợ lực, dầu phanh, nước làm mát,... đúng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Hạn chế đỗ xe thường xuyên ở những nơi quá nắng hoặc quá ẩm thấp, đồng thời thường xuyên lau rửa, dọn dẹp nội thất đề chiếc xe luôn sạch sẽ.
Bạn có góc nhìn nào về câu chuyện trên? Hãy gửi ý kiến dưới phần bình luận của bài viết. Mọi câu hỏi tư vấn về sử dụng, mua bán xe xin gửi tới Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
Những mẹo vặt chăm sóc xe ô tô có hiệu quả không ngờBạn sẽ giảm được nhiều chi phí đến gara sửa chữa xe, nếu như nắm được các mẹo vặt sau với dụng cụ sẵn có trong nhà.
Đăng thảo luận