Tỉnh Bến Tre đã thả 522 triệu con ong ký sinh, để ứng phó với tình trạng sâu đầu đen hại dừa đang hoành hành tại các tỉnh miền Tây thời gian qua.

Bến Tre thả 522 triệu con ong ký sinh để ứng phó với sâu đầu đen  第1张

Từ năm 2023 đến nay, tỉnh Bến Tre đã thả trên 500 triệu ong ký sinh, để ngăn ngừa sâu đầu đen phá hoại dừa ở các tỉnh miền Tây - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Ngày 3-10, ông Võ Văn Nam - chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre - cho biết ngành chức năng đang triển khai giải pháp sinh học phòng trừ sâu đầu đen hại dừa. 

Trong đó, tập trung nhân nuôi và thả ong ký sinh Habrobracon hebetor và Trichospilus pupivorus để quản lý sâu đầu đen.

Theo đó, từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cùng các huyện đã thả hơn 150 triệu ong ký sinh sâu đầu đen hại dừa. 

Riêng trong năm 2023, toàn tỉnh Bến Tre thả hơn 372 triệu con ong ký sinh sâu đầu đen hại dừa.

Theo ông Nam, hiện nay các tổ trồng trọt và bảo vệ thực vật các huyện phối hợp UBND các xã trên địa bàn tỉnh Bến Tre tăng cường rà soát lại diện tích nhiễm phát sinh từ thời điểm nắng nóng để sớm phát hiện phòng trị, không để lây lan thành ổ dịch lớn khó kiểm soát.

Tăng cường công tác truyền thông, tổ chức tập huấn để tuyên truyền vận động nông dân không phun xịt thuốc sau khi thả ong để bảo vệ nguồn ong ký sinh ngoài đồng nhằm đảm bảo hiệu quả phòng trừ.

Ong ký sinh sau khi được thả ra môi trường tự nhiên sẽ ký sinh trên sâu đầu đen và tấn công chúng cả ở giai đoạn nhộng, sâu non nhằm ngăn chặn sự lan rộng của loại sâu gây hại dừa này.

  • Bến Tre thả 522 triệu con ong ký sinh để ứng phó với sâu đầu đen  第2张

    Cùng người dân tỉnh Bến Tre phòng trừ sâu đầu đen bằng biện pháp sinh họcĐỌC NGAY

Ông Nam cho hay vào thời điểm nắng nóng tạo môi trường thuận lợi cho sâu đầu đen phát triển, tuy nhiên vào mùa nắng nóng gây bất lợi để nhân nuôi phóng thích ong ký sinh. Do đó, gây phát sinh các diện tích nhiễm sâu đầu đen. 

Hiện đang vào mùa mưa, điều kiện tốt để nhân nuôi ong ký sinh, cho nên ngành chức năng các địa phương tổ chức nhân nuôi để thả ong ký sinh làm tăng mật độ ong ký sinh phòng trừ sâu đầu đen gây hại.

Ông Võ Văn Nam khuyến cáo người dân cần tuân thủ đúng biện pháp quản lý tổng hợp sâu đầu đen hại dừa. 

Người dân cần chủ động thường xuyên thăm vườn, cắt tỉa tàu lá hoặc lá chết bị sâu gây hại trên cây dừa và cây ký chủ phụ (cau, dừa nước, cọ, chuối...), tiêu hủy bằng cách đốt hoặc vùi xuống nước nhằm làm giảm mật số sâu hại.

Ngoài ra, khi phát hiện vườn dừa bị hại nặng, cần cắt tỉa tiêu hủy tàu lá bị sâu hại trước khi phun thuốc bảo vệ thực vật, sau phun thuốc từ 2 tuần trở lên tiến hành phóng thích ong ký sinh và ngừng phun thuốc...

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre, tổng diện tích nhiễm sâu đầu đen hiện tại hơn 600ha. Lũy kế diện tích phục hồi sau khi thực hiện các biện pháp phòng trừ hóa học và sinh học hơn 2.200ha.

Sâu đầu đen xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2020

Sâu đầu đen có tên khoa học là Opisina arenosella Walker, thuộc bộ cánh vảy, họ ngài đêm. Sâu có nguồn gốc từ miền Nam Ấn Độ và Sri Lanka từ giữa thế kỷ 19, sau đó lây lan, gây hại tại 16 quốc gia của châu Á như, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc,…

Riêng tại Việt Nam, sâu đầu đen xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 7-2020 tại ấp Giồng Tre, xã Phú Long, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, gây hại nặng 2ha.

Sau đó nhanh chóng bùng phát và lây lan đến các tỉnh phụ cận Bến Tre như Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh.