Bộ Công Thương: Trung bình 1.000 người Việt thì 63 người sở hữu ô tô

(Dân trí) - Nếu như năm 2010, tỷ lệ sở hữu ô tô tại Việt Nam khoảng 18,7 xe/1.000 dân, thì 13 năm sau, mức sở hữu xe bình quân đầu người tăng lên 63 xe/1.000 dân.

Mới đây, Bộ Công Thương đã công bố dự thảo quyết định của Thủ tướng về phê duyệt "Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" để lấy ý kiến.

Trong đó, về thực trạng phát triển ngành ô tô, Bộ này cho biết ngành công nghiệp sản xuất ô tô trong nước hiện có 56 doanh nghiệp tham gia sản xuất và lắp ráp, gồm 38 doanh nghiệp trong nước (Trường Hải, TMT, Vinaxuki…) và 18 doanh nghiệp nước ngoài (Ford, Mercedes, Toyota, GM...).

Sản lượng sản xuất hàng năm khoảng 460.000 sản phẩm, trong đó chủ yếu là xe con, xe tải và xe khách với sản lượng xe con trung bình đạt 200.000 sản phẩm/năm, sản lượng xe tải và xe khách tương ứng là 215.000 sản phẩm/năm...

Xe nhập "đe dọa" xe nội

Về thực trạng tiêu thụ trong nước, dẫn số liệu thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ Công Thương cho biết đến hết 31/12/2010 tổng lượng xe lưu hành trên cả nước là 1,62 triệu xe các loại, tăng 7,51% so với năm 2009. Tính trên đầu người, thời điểm năm 2010, tỷ lệ sở hữu xe là khoảng 18,7 xe/1.000 dân.

Đến năm 2023 trên toàn quốc đăng ký mới 408.542 ô tô, lũy kế tổng số xe đã đăng ký tính đến cuối năm 2023 là 6,31 triệu ô tô, theo báo cáo của Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia.

"Mức sở hữu xe bình quân đầu người là 63 xe/1.000 dân năm 2023. Nếu chỉ tính xe du lịch dưới 9 chỗ (3,05 triệu chiếc), tỷ lệ sở hữu ô tô là 30 xe/1.000 dân. Hiện tỷ trọng xe cá nhân, gia đình và tổ chức chiếm 67% tổng lượng ô tô đang lưu hành toàn quốc", Bộ cho biết.

Bộ Công Thương: Trung bình 1.000 người Việt thì 63 sở hữu ô tô  第1张

Nhà máy sản xuất ô tô của Thaco Auto (Ảnh: Thaco).

Bộ Công Thương đánh giá lượng xe tiêu thụ trong nước từ năm 2016 đến nay đã tăng gần gấp 2 lần, nhưng sản lượng xe lắp ráp trong nước được tiêu thụ trong giai đoạn này ít thay đổi.

"Cơ cấu tiêu thụ xe liên tục thay đổi trong mấy năm gần đây. Từ chỗ thị trường xe chủ yếu là xe sản xuất, xe nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 25-28% thì đến năm 2019 xe nhập khẩu bắt đầu tăng vọt lên 42% và từ đó tăng đều qua các năm", cơ quan quản lý cho biết.

Năm 2022, lượng xe sản xuất trong nước giảm xuống chỉ còn chiếm khoảng 55% sản lượng tiêu thụ toàn thị trường. Điều này cho thấy xe nhập khẩu đang chiếm ưu thế và sản xuất ô tô trong nước đang gặp phải sự cạnh tranh rất lớn từ các nước trong khu vực.

"Thực tế giai đoạn 2018-2022, Hiệp định thương mại hàng hóa nội khối ASEAN (ATIGA) được áp dụng đã mở đường cho nhiều loại ô tô từ Thái Lan và Indonesia tràn vào Việt Nam, chiếm tỷ lệ 30-35% tổng sản lượng ô tô tiêu thụ mỗi năm tại Việt Nam", Bộ Công Thương đánh giá.

Cơ quan quản lý đánh giá dù đạt doanh số hơn 510.000 chiếc nhưng thực tế, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn chưa thực sự bứt ra khỏi "mác" thị trường nhỏ lẻ. Một phần lý do đến từ tỷ trọng xe nhập khẩu nguyên chiếc vẫn còn khá lớn và có dấu hiệu tăng mạnh trong vài năm trở lại đây.

Mục tiêu đến năm 2045, 80-85% ô tô trên thị trường là xe điện

Đến năm 2025, Bộ Công Thương cho biết số lượng ô tô trên 1.000 người dân được dự đoán sẽ tăng lên khoảng 9% và đến năm 2030, tỷ lệ này có thể đạt 30%. Điều này đồng nghĩa Việt Nam sẽ trở thành một trong những thị trường tiêu thụ ô tô phát triển nhanh nhất tại châu Á.

Dự báo từ năm 2022-2025, nhu cầu ô tô có thể tăng thêm 800.000-900.000 xe mỗi năm và đạt khoảng 1,5-1,8 triệu xe vào năm 2030. 

Ngoài ra, sự phát triển của xe điện (EV) cũng được kỳ vọng sẽ bùng nổ, với chính phủ và các doanh nghiệp lớn như VinFast đang đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng sạc điện và sản xuất pin.

Dự thảo đặt ra định hướng giai đoạn 2031-2045 và những năm tiếp theo sẽ là giai đoạn tăng trưởng mạnh của lượng xe điện hóa, xe hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời, nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh mới... 

Cụ thể, mục tiêu đến năm 2030, tổng lượng xe tiêu thụ đạt khoảng 1- 1,1 triệu chiếc. Tỷ lệ xe điện và xe sử dụng hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời, nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh mới khác chiếm khoảng 18-22%.

Bộ Công Thương: Trung bình 1.000 người Việt thì 63 sở hữu ô tô  第2张

Nhà máy sản xuất xe điện của VinFast (Ảnh: VinFast).

Đến năm 2045, tổng lượng xe đạt 5-5,7 triệu chiếc. Tỷ lệ xe điện và xe sử dụng hybrid, năng lượng mặt trời, nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh mới khác đạt 4,3-4,4 triệu chiếc, chiếm khoảng 80-85%.

Mục tiêu đến năm 2030, xe sản xuất lắp ráp trong nước chiếm khoảng 70% và tăng lên 87% vào năm 2045. Về phát triển công nghiệp hỗ trợ ô tô, dự thảo đặt mục tiêu đến 2045, Việt Nam phấn đấu trở thành nhà cung cấp quan trọng nhiều loại linh kiện, phụ tùng cho ngành công nghiệp ô tô khu vực và thế giới. Đáp ứng trên 80-85% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.