Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình xã hội hóa việc biên soạn, phát hành, in ấn và hiệu quả sử dụng sách giáo khoa.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn - Ảnh: GIA HÂN
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hưng Yên gửi đến sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Đề nghị hạn chế cho xuất bản các sách không cần thiết
Cử tri nêu hiện nay, mỗi năm các nhà xuất bản in ấn hàng trăm bộ sách giáo khoa cho các cấp học.
Các bộ sách giáo khoa liên tục được thay thế, bổ sung để theo kịp chương trình mới và có những cuốn thuộc dạng không cần thiết đã gây lãng phí lớn nguồn lực của xã hội, chưa kể đến tình trạng in ấn, buôn bán sách giả tràn lan, giá cả cao.
Từ đó, cử tri đề nghị có chỉ đạo kịp thời để tránh việc in ấn, buôn bán sách giả, hạn chế cho xuất bản các cuốn sách không thực sự cần thiết.
Trả lời nội dung này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay từ năm 2000, chương trình giáo dục phổ thông thực hiện theo nghị quyết 40/2000 và nghị quyết 88/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Theo đó, sách giáo khoa được biên soạn để triển khai chương trình giáo dục phổ thông nhằm cụ thể hóa yêu cầu của chương trình.
Tặng sách giáo khoa cho học sinh vùng lũ: có khó không?ĐỌC NGAY
Thực hiện nghị quyết số 88/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, mỗi môn học có một số sách giáo khoa và việc biên soạn sách giáo khoa thực hiện xã hội hóa, việc xuất bản sách giáo khoa thực hiện theo quy định của pháp luật.
Thông tư 32/2018 của bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông, chương trình sách giáo khoa mới thực hiện theo lộ trình như sau:
Năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Bộ trưởng thông tin, đến năm 2025 sẽ kết thúc chu kỳ thực hiện sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình xã hội hóa việc biên soạn, phát hành, in ấn và hiệu quả sử dụng sách giáo khoa.
Trên cơ sở đó hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông sử dụng có hiệu quả sách giáo khoa các môn học và hoạt động giáo dục.
Bộ trưởng nêu rõ, hằng năm Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan trong việc tổ chức thực thi pháp luật về phòng, chống, xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả đối với sách giáo khoa.
Thời gian qua, bộ đã có văn bản đề nghị các nhà xuất bản chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và cơ sở giáo dục để triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống in lậu, nhằm đảm bảo quyền lợi của học sinh.
Cùng với đó, đảm bảo uy tín, chất lượng xuất bản của nhà xuất bản cũng như ổn định thị trường cung ứng sách giáo khoa.
Đề xuất nâng lương, hưởng phụ cấp với nhân viên trường học
Cùng với đó, cử tri nêu hiện nay, tại các trường từ bậc học mầm non đến THPT có đội ngũ nhân viên thư viện - thiết bị được giao khối lượng công việc theo vị trí việc làm khá nhiều.
Nhưng ngoài chế độ tiền lương theo quy định thì không được hưởng bất cứ loại phụ cấp nào (kể cả phụ cấp độc hại).
Đề nghị Chính phủ xem xét có chính sách nâng chế độ tiền lương và được hưởng phụ cấp đối với lực lượng nhân viên trong trường học (nhân viên thư viện - thiết bị, văn thư, kế toán) để đảm bảo đời sống.
Trả lời nội dung này, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ hiện chính sách tiền lương vẫn thực hiện theo nghị định số 204/2004 và nghị định 73/2024 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Về chế độ phụ cấp (trong đó có cả phụ cấp độc hại) với đội ngũ thư viện, văn thư, kế toán thuộc nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung được thực hiện theo quy định tại thông tư số 20/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập.
Trong đó quy định, vị trí việc làm chuyên môn dùng chung quy định tại thông tư này tiếp tục thực hiện các quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và được áp dụng các chế độ, chính sách về lương, phụ cấp độc hại, các phụ cấp khác như quy định của các bộ quản lý công chức, viên chức chuyên ngành, lĩnh vực.
Hiện nay, bộ đang tiếp tục ra soát, nghiên cứu để tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số chính sách tiền lương hiện hành đối với đội ngũ viên chức ngành giáo dục.
Trong đó có đội ngũ nhân viên trường học cho phù hợp với vị trí việc làm tương xứng với tính chất, mức độ phức tạp công việc, từng bước đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Đăng thảo luận