Những gia đình giàu có ở Trung Quốc đang tìm kiếm "bạn đồng hành" có học vấn cao để nuôi dạy con cái của họ.

Yang Xingyue, thạc sĩ về giảng dạy tiếng Anh của Đại học Edinburgh (Anh) đang làm "cha mẹ đồng hành" cho một gia đình ở Thượng Hải. Bà chủ của cô là một nữ CEO trẻ và tài năng, có hai con. Mỗi ngày cô làm bốn tiếng, năm ngày một tuần, lương hơn 20.000 tệ (70 triệu đồng) mỗi tháng.

Hàng ngày cô theo xe của gia đình đi đón hai bé tan trường, sau đó dạy kèm ở nhà, chịu trách nhiệm chọn các môn theo sở thích của trẻ, xây dựng kế hoạch phát triển riêng với từng bé, cũng như lên kế hoạch đi chơi. Cô phải báo cáo trực tiếp với bà chủ về công việc hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng.

Không giống như công việc của gia sư và bảo mẫu, những người đồng hành như Yang tham gia sâu vào cuộc sống hàng ngày và cảm xúc của trẻ. Họ thường phải có bằng thạc sĩ trở lên, thông thạo nhiều ngôn ngữ cũng như giỏi thể thao và thường có kiến thức chuyên môn về tâm lý trẻ em.

Một nghiên cứu sinh tiến sĩ tâm lý học, người đã phỏng vấn hàng trăm "bạn đồng hành", đã viết trên mạng xã hội Xiaohongshu rằng hầu hết những người làm nghề này đều tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng như Harvard, Cambridge, Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh. Mức lương trung bình từ 10.000 đến 30.000 tệ (khoảng 35-105 triệu đồng).

Người thuê họ là những phụ huynh có tài sản trên 10 triệu tệ, theo CCTV. Họ muốn tập trung cho sự nghiệp và bản thân nên thuê những người tốt nghiệp trường hàng đầu để làm "cha mẹ hộ", thay vì nhờ ông bà.

Nhiệm vụ của những "cha mẹ hộ" này bao gồm đưa trẻ đi khám bệnh, gia sư, đi du lịch và thậm chí xử lý cả những "hỉ, nộ, ái ố" của trẻ - vốn là trách nhiệm của cha mẹ theo truyền thống.

Chi tiền thuê người làm 'cha mẹ hộ'  第1张

Yang với hai con của chủ nhà giàu có ở Thượng Hải. Ảnh: Sohu

Song Siyu, một người đồng hành ở Trùng Khánh, cho biết làm việc từ 17h30 đến 20h30 các ngày trong tuần. Trong ba tiếng này, cô giúp trẻ làm bài tập về nhà và đưa trẻ đi chơi bóng đá, đấu kiếm hoặc bơi lội.

Một người làm nghề này khác tên Shura cho biết "các bà mẹ chuyên nghiệp" là những người thống trị ngành này, vì việc nuôi dạy con cái vẫn chủ yếu được coi là vai trò của người mẹ, khiến nhu cầu về "những ông bố chuyên nghiệp" giảm đi.

"Các gia đình chọn bạn đồng hành nam vì sự phát triển thể chất của con, song thông thường họ sẽ chọn nữ để phù hợp chăm sóc được được cho cả con trai và con gái", cô nói.

Bên cạnh đó, một điều không thể tránh khỏi là việc một số trẻ em có thể phát triển lòng tin và tình cảm với "người mẹ được trả lương" của mình.

Một người đồng hành tên Susu đã dành cả một mùa hè vừa qua với một cậu bé nổi loạn có người mẹ rất kiểm soát. Susu giúp cậu bé làm bài tập về nhà, đi xe đạp, chơi bóng rổ và họ thường có những cuộc trò chuyện chân thành.

Một lần, sau khi cãi vã với mẹ, cậu bé nói với cô: "Con không thích mẹ của con, con muốn cô làm mẹ của con".

Chi tiền thuê người làm 'cha mẹ hộ'  第2张

Gia sư cao cấp Maria Teresa Turrion Borrallo tại lễ rửa tội của Công chúa Charlotte. Ảnh: Chris Jackson

Sự gia tăng những "người bạn đồng hành" có liên quan chặt chẽ đến số lượng gia đình giàu có ngày càng tăng trong bối cảnh nền kinh tế phát triển nhanh chóng của Trung Quốc. Hiện đất nước này đang có gần một triệu người là triệu phú, trở thành quốc gia thứ hai tiếp cận cột mốc này sau Mỹ. Những gia đình này thường có nhu cầu cao về nền giáo dục cá nhân hóa, chất lượng cao và sẵn sàng chi trả cho điều đó.

Trong mắt Yang Xingyue, nghề này luôn cần phải giữ lý lịch cá nhân trong sạch. Cô không thể đi tiệc tối hay chơi cuối tuần như nhân viên văn phòng bình thường, mà dành thời gian này để mở mang kiến thức.

Bản thân cô đang học hỏi thêm kinh nghiệm từ gia sư cấp cao trên thế giới. Hình mẫu Yang hâm mộ là Maria Teresa Turrion Borrallo, bảo mẫu của hoàng gia Anh. Maria không chỉ thành thạo nhiều kỹ năng nuôi dạy con cái khác nhau mà còn là một bậc thầy Taekwondo, lái xe tốc độ cao trong mọi điều kiện thời tiết, có thể tránh tay săn ảnh, bắt cóc... Đồng thời, cô cũng giàu kiến thức về xã hội học, tâm lý giáo dục và văn học.

Không phủ nhận trình độ học vấn và sự tận tụy của các gia sư, song mạng xã hội Trung Quốc chia làm hai phe. Bộ phận phản đối cho rằng nuôi dạy con là trách nhiệm của người làm cha mẹ và không tiền bạc nào có thể thay thế được.

Đồng tình, chuyên gia giáo dục gia đình Pan Lan cho biết những "người bạn đồng hành" này không thể thay thế được tình cảm cha mẹ thực sự.

"Sự phát triển lành mạnh của trẻ em, cả về thể chất và tinh thần, cần có tình yêu thương và sự hỗ trợ của cha mẹ. Giáo dục gia đình chất lượng cao là quá trình phát triển chung giữa cha mẹ và con cái", chuyên gia này nói.

Bảo Nhiên (Theo Sohu/SCMP)