Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các địa phương trong năm 2024 là triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Theo đó, dự kiến có 1.243 xã trong diện phải sắp xếp lại.
Điểm nóng trong việc thực hiện chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã ở một số địa phương là chưa tạo được sự đồng thuận trong dư luận người dân về tên gọi đơn vị mới sau sáp nhập. Bởi nhiều làng xã có lịch sử hàng trăm năm, có bề dày truyền thống văn hóa lâu đời bỗng dưng biến mất, thay vào đó là những cái tên lắp ghép cơ học kiểu 1+1= 2.
Tại Quỳnh Lưu (Nghệ An), theo tờ trình ngày 9/4 của UBND huyện, hai xã Quỳnh Hoa, Quỳnh Mỹ nhập lại thành Hoa Mỹ. Quỳnh Đôi, Quỳnh Hậu nhập lại thành Đôi Hậu.
Tại Thanh Chương (Nghệ An), xã Thanh Mai và xã Thanh Giang nhập lại thành Mai Giang.
Huyện Ứng Hòa (Hà Nội) nhập 3 xã là Lưu Hoàng, Hồng Quang, Đội Bình thành xã Bình Lưu Quang; nhập xã Cao Thành, Sơn Công, Đồng Tiến thành xã Cao Sơn Tiến.
Những cái tên lắp ghép nêu trên không có nhiều ý nghĩa và xa lạ đối với người dân ở vùng đất mới được sáp nhập.
TP Hà Nội sẽ lập thêm thành phố mới khu vực phía Nam thuộc địa bàn huyện Phú Xuyên và Ứng Hòa. Ảnh: Hoàng HàTên đất, tên làng là một phần của văn hóa, lịch sử
Cha ông xưa không tùy tiện, áp đặt trong việc đặt tên đất, tên làng. Vì thế, mỗi tên đất tên làng tồn tại cho đến ngày nay đều có nguồn gốc của nó, gắn liền với lịch sử, văn hóa. Lại nhớ đến những câu thơ trích trong trường ca “Mặt đường khát vọng” của tác giả Nguyễn Khoa Điềm:
“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
…
Người học trò nghèo giúp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên.
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm”.
Đoạn thơ đã khái quát một cách sinh động nét đặc trưng trong văn hóa Việt tồn tại từ hàng ngàn năm nay: tên gọi địa danh thể hiện bản sắc phong tục, tập quán của người Việt, gắn với đặc điểm địa lý, môi trường sinh thái của từng cộng đồng dân cư.
Ở Tây Nguyên có các địa danh làng xã như Hòa Khánh, Hòa Thuận, Hòa Đông, Hòa Tiến, Hòa Phong, Nam Đàn, Vụ Bổn… Những địa danh đó vốn là tên đất, tên làng của người Kinh ở dưới xuôi hay ngoài Bắc, được người dân “gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân” hồi giữa thế kỷ XX.
Việc tìm ra một cái tên mới chính là sự mở đầu, kiến tạo nên những trang ký ức mới trong đời sống tinh thần của một vùng đất, một con người.
Các nhà nghiên cứu, các chuyên gia thuộc lĩnh vực văn hóa, lịch sử cũng lên tiếng, bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề đặt tên làng xã sau sáp nhập. Sau đây là quan điểm của các chuyên gia được phản ánh trên báo Dân Việt:
Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian cho hay, "Mỗi ngôi làng đều có đặc trưng văn hóa riêng, ở đó, tên làng giống như lịch sử cuốn sách, lịch sử đời người, cái gì gìn giữ được càng cổ càng giá trị". Ông Sơn cho rằng, "không nên máy móc" đặt tên bằng cách ghép từ lại với nhau, bởi chúng sẽ trở thành cái tên "vô nghĩa".
PGS.TS Bùi Xuân Đính, Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng, tên làng được cha ông ta đặt từ khi mở đất, dựng làng. Nhắc đến tên làng là nhắc đến một đặc điểm nào đó về địa lý, nghề nghiệp, văn hóa mà con người của các làng quê đó luôn nhớ đến và mang theo, mỗi khi họ tới nơi khác sinh sống và làm việc.
Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định, việc 1.243 xã trong diện phải sắp xếp lại sẽ tạo ra nhiều thay đổi, trong đó có việc những địa danh làng xã – một nét đẹp văn hóa lâu đời biến mất. "Theo tôi, làm việc này cần hết sức thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng" – ông Dương Trung Quốc nêu quan điểm.
Giải pháp nào cho việc đặt tên làng xã sau khi sáp nhập?
Dường như các địa phương khi thực hiện chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính chỉ quan tâm đến tiêu chí diện tích và dân số mà xem nhẹ hoặc bỏ qua yếu tố lịch sử, văn hóa.
Về đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp, ngoài tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, Điều 6 Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 ngày 12 tháng 7 năm 2023 nhấn mạnh: “bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và tôn trọng ý kiến của đa số cử tri.
Khoản 2 của điều này cũng ghi rõ: “Trường hợp nhập các đơn vị hành chính cùng cấp thì khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp”.
Vì vậy, các địa phương, các cơ quan chức năng trước khi đưa ra những cái tên lắp ghép như “Đôi Hậu”, “Mai Giang”, “Cao Sơn Tiến”… cần nghiên cứu kỹ những điểm này của Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15.
Chiếu theo Điều 6 của Nghị quyết Quốc hội, trường hợp sáp nhập Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu, nên lấy tên mới là Quỳnh Đôi. Để thuận về mặt pháp lý, quyết định phải ghi “sáp nhập xã Quỳnh Hậu vào xã Quỳnh Đôi và lấy tên mới là Quỳnh Đôi”.
Trên trang cá nhân, PGS.TS Bùi Xuân Đính đề xuất 5 giải pháp cho việc đặt tên làng xã khi thực hiện chủ trương sáp nhập, rất đáng để các địa phương tham khảo, cân nhắc:
Thứ nhất, trường hợp ghép các yếu tố tên của các xã với nhau, nếu thuận (về cách gọi, phù hợp với lịch sử - truyền thống) sẽ cho ghép lại để đặt tên.
Thứ hai, trường hợp ghép tên không thuận thì nên lấy tên của xã có yếu tố lịch sử văn hóa và truyền thống cách mạng nổi bật làm tên cho xã mới.
Thứ ba, trường hợp xã sắp sáp nhập lớn, tương đương với một tổng thời phong kiến mà việc đặt tên theo hai phương án ở trên không đáp ứng được thì lấy tên của tổng cũ đặt tên cho xã mới.
Thứ tư, tên các thôn (hay tổ dân phố) của xã mới không gọi theo số thứ tự, mà vẫn giữ tên làng gốc (làng cổ truyền hay các thôn, cụm dân cư được lập sau hòa bình lập lại).
Cuối cùng, các thôn/làng lớn trước đây là một thôn, nay được nâng cấp thành xã (hay thị trấn) và lại được chia thành các “thôn”, thì tên của “thôn” cần đặt theo tên xóm cũ, không đặt theo số thứ tự.
Nguyễn Duy Xuân
Tháo gỡ điểm nghẽn cho phát triển văn hoáChúng ta đang ở trong một thời điểm hết sức quan trọng trong phát triển văn hóa, ở đó đan xen cả những thuận lợi và khó khăn, thời cơ cũng như thách thức.
Đăng thảo luận