'Tôi bị tai nạn vào cuối tuần, hôn mê, tím tái, người nhà yêu cầu chuyển lên tuyến trên nhưng phải đợi đến thứ hai mới có người ký giấy'.
"Ngày trước, tôi suýt nguy kịch cũng vì rắc rối phải có giấy chuyển viện. Đợt đó, tôi bị tai nạn vào cuối tuần, vào cấp cứu ở bệnh viện huyện nhưng không có bác sĩ trực, chỉ có y tá. Khi tôi hôn mê, tím tái, người nhà tôi yêu cầu được chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Nhưng nhân viên trực bảo rằng 'phải đợi đến thứ hai mới có bác sĩ ký giấy chuyển viện'.
Vì tình trạng của tôi ngày càng trở nặng và diễn biến nhanh, nên người nhà quyết định chuyển tôi lên tuyến trên mà không cần chờ giấy chuyển viện. Kết quả, tôi được xác định bị chấn thương sọ não, máu bầm tụ não, phải mổ gấp".
Đó là chia sẻ của độc giả Nttung về những thủ tục chuyển tuyến vẫn còn nhiều bất cập gây phiền hà cho người dân. Mới đây, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), Bộ Y tế đề xuất người mắc bệnh hiểm nghèo, hiếm, nặng sẽ được chuyển thẳng cơ sở y tế tuyến trên mà không cần theo trình tự khám chữa bệnh BHYT, nhưng vẫn được hưởng BHYT mức cao nhất.
Thực tế, đa số trường hợp mắc bệnh nan y, tuyến xã và huyện không thể điều trị. Nhưng người bệnh vẫn phải làm theo thủ tục, đến các cơ sở y tế để làm giấy tờ chuyển tuyến mới được hưởng BHYT. Điều này gây phiền hà, thậm chí nhiều người không đủ kiên nhẫn, thời gian chờ đợi mà bỏ tiền túi khám dịch vụ, mất đi quyền lợi hưởng BHYT.
Ủng hộ dự thảo mới, bạn đọc Hungpham nhấn định: "Tôi thấy đề xuất rất hợp tình, hợp lý bởi vì những bệnh nặng, hiểm nghèo thì lên thẳng tuyến trên chứ nếu phải đi khám lần lượt từ tuyến dưới lên tuyến trên sẽ rất mất thời gian và vất vả cho người bệnh. Đề nghị ngành Bảo hiểm xã hội sớm thực hiện để bệnh nhân được hưởng sớm".
>> 'Đã đến lúc nói lời tạm biệt với giấy chuyển viện'
Đồng quan điểm, tuy nhiên đọc giả Geeks chỉ ra những vấn đề có thể phát sinh: "Đề xuất miễn giấy chuyển tuyến rất hợp lý, nhưng sẽ nảy sinh vấn đề khác là xác nhận bệnh hiểm nghèo, hiếm, nặng.... Rồi liệu bệnh nhân có phải vất vả đi xin tờ giấy xác nhận đó không? Về phía bệnh nhân, không phải ai cũng đủ kiến thức, lý trí để xác định được bệnh của mình hoặc người thân có thuộc danh mục bệnh được chuyển tuyến hay không? E rằng quy định mới sẽ gặp thêm rắc rối mà thôi".
Cùng chung lo ngại, bạn đọc Doun nói thêm: "Chủ trương thì rất hợp lý. Tuy nhiên, cái khó là tiêu chí xác định thế nào là bệnh nặng để người dân và bác sĩ có thể căn cứ để ra quyết định chuyển? Nếu không có căn cứ rõ ràng sẽ tạo thành mâu thuẫn giữa người bệnh, bệnh viện và bên BHYT.
Tôi làm trong ngành y, vợ tôi cũng là bác sĩ - là người trực tiếp khám và điều trị cho người bệnh. Thực tế, để có được cách hiểu giống nhau giữa bên BHYT và bệnh viện trước một hướng dẫn, quy định mới là rất khó. Năm nào cũng có chuyện tranh cãi nảy lửa giữa bệnh viện với bên bảo hiểm về việc xuất toán các chi phí điều trị do hai bên không thống nhất được.
Nếu làm trong bệnh viện, các bạn sẽ thấy giữa văn bản quy định đến thực tế phức tạp như thế nào? Bạn đã bao giờ nghe đến chuyện một người chỉ được phép mắc một bệnh cho một lần khám BHYT chưa? Hay người đã siêu âm thì không được chụp X-quang? Để có được sự chấp thuận của BHYT địa phương không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ".
"Nên phân loại bệnh có thể vượt tuyến, tốt nhất là để ai cũng có thể tra cứu được trước khi đi khám. Như tôi vừa đi khám u xơ tử cung, nhưng khi lên tuyến tỉnh thì bị bắt về trạm y tế phường để xin giấy chuyển tuyến. Trong khi đó, cơ sở y tế phường chắc chắn không có đủ trang thiết bị để khám bệnh này. Tôi vừa mua BHYT tại địa phương để nhận quyền lợi, nhưng cảm thấy bỏ ra một triệu đồng để mua bảo hiểm mà rất phiền hà", độc giả Vân Nguyễn kết lại.
- Bảo hiểm y tế - 'thẻ mới, tư duy cũ'
- 'Giảm tần suất khám bệnh nhân bảo hiểm y tế để chống dịch'
- Xếp hàng từ sáng sớm để lấy thuốc định kỳ BHYT
- Bảo hiểm từ chối bồi thường vì nồng độ cồn lớn hơn 0
- Hai hợp đồng bảo hiểm nhân thọ 'cứu' tôi khi nằm viện cấp cứu
- Mua bảo hiểm 20 triệu nhưng không thanh toán nổi viện phí 350.000 đồng
Đăng thảo luận