"Chặn" sinh viên làm thêm không quá 20 giờ/tuần: Khó khả thi

(Dân trí) - Nhiều bộ ngành cho rằng, quy định cơ sở giáo dục phổ thông, đại học, giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý việc làm bán thời gian của sinh viên là không khả thi.

Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đang được lấy ý kiến dành một chương quy định về chính sách hỗ trợ việc làm thanh niên, trong đó có quy định về việc làm bán thời gian của học sinh, sinh viên.

Cụ thể, học sinh, sinh viên đủ độ tuổi lao động (đủ 15 tuổi trở lên) được làm việc nhưng không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ và phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động.

Theo ban soạn thảo luật, trách nhiệm quản lý làm việc bán thời gian của học sinh, sinh viên thuộc về cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

"Chặn" sinh viên làm thêm không quá 20 giờ/tuần: Khó khả thi  第1张

Sinh viên tìm hiểu cơ hội việc làm tại ngày hội việc làm (Ảnh: Mỹ Hà).

Góp ý về dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, Bộ Công thương cho rằng cần cân nhắc tính khả thi của nội dung trên.

Theo Bộ này, quy định cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian không khả thi.

Bộ Công Thương lý giải, các cơ sở giáo dục này chỉ quản lý học sinh, sinh viên khi tham gia học tập tại đơn vị chứ không đủ nhân lực quản lý việc làm thêm của nhóm đối tượng này.

Cũng góp ý về nội dung này, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, quy định cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp phải có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc trong kỳ nghỉ là khó khả thi vì kỳ nghỉ thường các em không sinh hoạt tại trường.

Để khả thi khi thực hiện quy định pháp luật trong thực tiễn, theo Bộ này, điều khoản trên nên được chỉnh sửa như sau:

"Học sinh, sinh viên làm việc trong kỳ học phải có xác nhận của cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Học sinh, sinh viên làm việc trong kỳ nghỉ phải có trách nhiệm thông báo với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp ban hành quy chế quản lý học sinh, sinh viên làm việc trong kỳ học và kỳ nghỉ". 

Hiện, Việt Nam đã có quy định lương tối thiểu giờ, được chia làm 4 vùng, cụ thể vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ và vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.

Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa lấy ý kiến xây dựng dự thảo tờ trình Nghị định quy định mức lương tối thiểu với người lao động làm việc theo hợp đồng. Theo đó, mức lương tối thiểu được đề xuất sẽ tăng 6%, nâng mức lương theo giờ của vùng 1 lên là 23.800 đồng/giờ, vùng 2 là 21.200 đồng/giờ, vùng 3 là 18.600 đồng/giờ và vùng 4 là 16.600 đồng/giờ.

Đây là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ. Trên thực tế, học sinh, sinh viên hay người lao động làm việc bán thời gian có thể thỏa thuận để có mức lương cao hơn với người sử dụng lao động.