Tây Ban NhaCác nhà nghiên cứu làm sáng tỏ kỹ thuật xây dựng một ngôi mộ đá khổng lồ thời tiền sử, hé lộ ví dụ độc đáo về tính sáng tạo thiên tài và khoa học sơ khai ở cộng đồng thời Đồ đá mới.

Công trình được ví như kỳ quan kiến trúc tiền sử  第1张

Mộ đá Menga được dựng từ những khối đá cự thạch. Ảnh: Cavan

Phát hiện công bố trên tạp chí Science Advances hé lộ những người xây dựng mộ đá Menga ở miền nam Tây Ban Nha sở hữu kiến thức kỹ thuật tiên tiến vượt xa hiểu biết trước đây. Phát hiện này thách thức quan điểm truyền thống cho rằng kỹ thuật xây dựng thời Đồ đá mới còn nguyên thủy về mặt bản chất, Newsweek hôm 23/8 đưa tin. Thay vào đó, nghiên cứu chỉ ra hiểu biết tương đối phức tạp về vật lý, địa chất, kiến trúc và kỹ thuật cách đây gần 6.000 năm.

Mộ đá Menga nằm ở tỉnh Antequera phía nam Tây Ban Nha là một trong những công trình cự thạch lớn và quan trọng nhất từ thời Đồ đá. Mộ đá là loại mộ tiền sử một buồng xây dựng bằng những tảng đá lớn gọi là cự thạch.

Xây dựng vào khoảng năm 3600 - 3800 trước Công nguyên, khoảng 1.000 năm trước kim tự tháp lâu đời nhất ở Ai Cập, mộ đá Menga bao gồm 32 tảng đá lớn hình thành phần mái, tường và cột trụ, với tổng trọng lượng 1.140 tấn. Menga, công trình cổ nhất trong số những mộ đá lớn trên bán đảo Iberia, từ lâu đã thu hút các nhà khảo cổ và sử gia do kích thước đồ sộ và độ phức tạp.

Trong nghiên cứu kết hợp phân tích từ nhiều lĩnh vực khác như khảo cổ, trưởng nhóm José Antonio Lozano Rodríguez ở Trung tâm hải dương học quần đảo Canary, Tây Ban Nha, và cộng sự tìm thấy bằng chứng về phương pháp xây dựng phức tạp, đòi hỏi hiểu biết những khái niệm khoa học đơn giản nhưng thiết yếu như ma sát và hình học.

Nghiên cứu chỉ ra cách những tảng đá lớn tạo nên ngôi mộ được sắp đặt, hé lộ quy trình xây dựng thông minh, khác hẳn với quan niệm trước đây về cách dựng mộ đá. Ví dụ, trước đây, giới nghiên cứu cho rằng hình dáng thẳng đứng của mộ đá, do các tảng đá lớn dựng thẳng để xây dựng tường cự thạch, được đặt từ bên ngoài mộ thông qua trượt trên bờ dốc ở nền đất. Nhưng nghiên cứu mới cho thấy công trình được xây từ bên trong mà không sử dụng bất kỳ bờ dốc nào.

Các nhà nghiên cứu quan sát đá chốt vòm ở mái mộ đá, bao gồm các hòn đá tính chất từ mềm tới tương đối mềm, đòi hỏi xử lý cẩn thận để tránh hư hại trong lúc vận chuyển. Để làm được điều này, thợ xây nhiều khả năng sử dụng một đường đi chuyên dụng thiết kế để giảm thiểu ma sát và giữ gìn tính nguyên vẹn của hòn đá.

Những hòn đá dễ vỡ được vận chuyển bằng xe kéo, với nền đất được chuẩn bị cẩn thận để giảm chuyển động không cần thiết. Trong số đá chốt vòm có một tảng nặng 150 tấn, là tảng đá nặng nhất từ một ngôi mộ đá tiền sử.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu nhận thấy đá dựng tường đỡ được đặt với độ chính xác cỡ milimet, tạo ra hiệu ứng hình thang giúp tăng độ ổn định cho công trình. Nhiều tảng đá tường được xếp xen kẽ qua tiết diện ngang. Cả đá tường và đá trụ đều được chèn vào lớp đá nền, nhờ đó nâng cao độ bền vững của mộ đá. Phát hiện khiến nhóm nghiên cứu kết luận thợ xây mộ đá Menga sử dụng tri thức khoa học sơ khai trong nỗ lực xây dựng công trình.

An Khang (Theo Newsweek)