Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần khẳng định Matxcơva có khả năng dùng vũ khí hạt nhân trong những tình huống đặc biệt căng thẳng.
Lãnh đạo các nước tại sự kiện thượng đỉnh G7 tổ chức ở Ý vào ngày 13-6 - Ảnh: REUTERS
Trong thông báo ngày 13-6, Bộ Quốc phòng Nga cho biết binh sĩ nước này đã tiến hành phóng tên lửa điện tử. Đây là một phần thuộc giai đoạn 2 cuộc diễn tập của các lực lượng hạt nhân phi chiến lược Nga.
Kể từ đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần khẳng định Matxcơva có khả năng dùng vũ khí hạt nhân trong những tình huống đặc biệt căng thẳng.
Hạt nhân: từ đe dọa tới chuyển động
Bước sang năm thứ ba của chiến sự, tần suất phát biểu và động thái liên quan tới răn đe hạt nhân có xu hướng gia tăng. Đầu tuần này, Nga cho hay các binh sĩ của họ đã phối hợp với lính Belarus bắt đầu giai đoạn 2 trong cuộc diễn tập triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật như đã nêu. Đây là diễn biến được phía Nga lý giải nhằm đáp trả mối đe dọa từ các cường quốc phương Tây.
Mấu chốt dẫn tới việc Nga tăng cường hoạt động liên quan tới hạt nhân là thay đổi trên thực địa. Matxcơva cáo buộc Mỹ và châu Âu "đẩy thế giới tới bờ vực đối đầu hạt nhân" bằng cách viện trợ hàng tỉ USD cho Ukraine, trong đó có những khoản dùng cho vũ khí tấn công vào lãnh thổ Nga - một "lằn ranh đỏ" mong manh và phần nào mơ hồ cho kịch bản Nga và phương Tây đối đầu trực diện.
Nga nói lý do vì sao có thể thay đổi học thuyết hạt nhân
Belarus - Nga tập trận dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật
Ông Putin nêu kịch bản Nga buộc phải dùng vũ khí hạt nhân
Hiện nay nhiều thông tin cho thấy Ukraine thực sự có tấn công lãnh thổ Nga nhưng chưa tới mức độ nghiêm trọng. Các nước phương Tây bắt đầu cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do họ viện trợ để tấn công mục tiêu quân sự trên đất Nga với một số hạn chế nhất định.
Trước phản ứng của Nga, các đồng minh bên phía Ukraine cũng có một số tín hiệu thay đổi. Trong một động thái được mô tả hiếm hoi ngày 12-6, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh liên minh này đang nỗ lực điều chỉnh năng lực hạt nhân nhằm đáp ứng các mối đe dọa an ninh hiện nay và lưu ý những đợt diễn tập hạt nhân cũng như giọng điệu của Nga liên quan tới vấn đề này. Trước đây, dù Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân tại một số kho ở châu Âu, NATO vẫn ít khi nói về hạt nhân một cách công khai.
Trao đổi với phóng viên trước cuộc họp hai ngày tại Brussels (Bỉ) của bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên NATO, ông Stoltenberg gọi vũ khí hạt nhân là sự đảm bảo an ninh "tối thượng" và là cách thức NATO duy trì hòa bình.
Bàn về cách kho vũ khí hạt nhân của NATO "thích ứng" với tình hình hiện tại, ông Stoltenberg nhắc chuyện Hà Lan trong tháng này tuyên bố máy bay F-35 của họ đã sẵn sàng mang vũ khí hạt nhân, đồng thời thông tin rằng Mỹ đã hiện đại hóa vũ khí hạt nhân tại châu Âu.
Nguy cơ hạt nhân lớn tới mức nào?
Động thái của NATO phản ánh mối lo ngại thực tế từ nguy cơ xung đột hạt nhân với Nga và là kết quả khó tránh khỏi từ hàng loạt phát biểu và hành động theo kiểu "ăn miếng trả miếng" giữa hai bên. Điều đáng chú ý là hai bên đang hành động "rõ ràng" hơn.
Từ giữa tháng 5, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov từng cảnh báo phương Tây về cách tiếp cận "mơ hồ chiến lược" nhằm đe dọa Nga, khiến Nga không chắc đối phương sẽ và sẵn sàng làm gì. Theo ông Ryabkov, Matxcơva sẽ hành động y như vậy - thực chất phù hợp với thông điệp sẵn sàng leo thang mà các lãnh đạo Nga thường đề cập thời gian gần đây.
Bình luận với tờ Guardian (Anh), giáo sư nghiên cứu về chính sách lớn Rajan Menon - học giả tại Viện nghiên cứu chiến tranh và hòa bình Saltzman (ĐH Columbia, Mỹ) - nhận định hiện nay dĩ nhiên không thể biết ông Putin và nhóm chính sách an ninh - đối ngoại của ông đang có tính toán gì sau cánh cửa đóng kín, do đó không thể nắm bắt chính xác tính chất nghiêm trọng từ các phát biểu hoặc chiến thuật của Nga.
Điều này khiến giới phân tích phương Tây chia rẽ. Một bên cho đó là nỗ lực dọa nạt, một bên lại cảm thấy đáng báo động. Nhiều người không tin ông Putin có thể liều lĩnh dùng vũ khí hạt nhân. Họ cũng lưu ý rằng Trung Quốc, đối tác quan trọng hàng đầu của Nga hiện nay, đã phản đối chuyện sử dụng vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, những người còn lại không loại trừ các tính toán sai lầm trong giao tranh. Quan trọng hơn nữa, một số tin rằng Tổng thống Nga Putin không phải trường hợp nghiên cứu thông thường, mà là một nhân vật có khả năng hành động ngoài kịch bản - tức việc phân tích học thuyết hạt nhân của Nga đôi lúc không hữu ích.
Ukraine sắp ký thỏa thuận an ninh
Ngày 13-6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo sẽ ký thỏa thuận đảm bảo an ninh với Nhật Bản bên lề Hội nghị thượng đỉnh nhóm G7 ở miền nam nước Ý. Đây cũng là sự kiện hợp tác đáng chú ý tiếp theo cho Ukraine sau khi Kiev và Mỹ nhất trí sẽ ký một thỏa thuận an ninh cũng tại G7 lần này.
Sự kiện thượng đỉnh ở Ý là thời điểm nhóm G7, vốn phản đối chiến dịch của Nga ở Ukraine, bàn về các phương án hỗ trợ cho Ukraine, bao gồm thảo luận về việc dùng lãi suất từ tài sản của Nga để gây quỹ viện trợ Ukraine.
Đăng thảo luận