Cấp cứu nhiều cháu bé nuốt, nhét "vật thể lạ" vào người trong lúc chơi đùa
(Dân trí) - Bác sĩ cảnh báo, trẻ nhỏ thường tò mò, hiếu động nên phụ huynh cần cảnh giác khi con em chơi đùa, vì có thể xảy ra các tai nạn nguy hiểm.
Mới đây, một bé gái 5 tuổi (quê Tây Ninh) được gia đình đưa đến bệnh viện cầu cứu. Trước đó, khi phát hiện con tự nhét "vật thể lạ" vào tai, người mẹ nhanh chóng dùng đèn pin soi nhưng không thấy được.
Sau khi thăm khám kỹ lưỡng, các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng đã phát hiện một viên sỏi nằm sâu bên trong tai của bé. Vì không thể lấy dị vật ngay, bé được chuyển đến phòng gây mê để xử trí.
Tại đây, ekip điều trị đã thực hiện thủ thuật gắp viên sỏi ra ngoài an toàn, không gây tổn thương đến tai của bé. Hậu can thiệp, bệnh nhi được cho về nhà ngay.
Hình ảnh viên sỏi trong tai bệnh nhi (Ảnh: BV).
Bác sĩ Huỳnh Đức Nhật Anh, khoa Liên chuyên khoa cho biết, trẻ nhét vật lạ vào tai là tình huống không hiếm gặp.
Nếu không được xử lý kịp thời, bé có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm, như: Tổn thương tai dẫn đến giảm thính lực; hẹp ống tai ngoài hoặc nhiễm trùng tai; viêm nhiễm; hoại tử ống tai; đau đớn và khó chịu, ảnh hưởng đến tâm lý và sinh hoạt hàng ngày của trẻ.
Bên cạnh đó, nếu phụ huynh tìm cách tự lấy dị vật ở nhà có thể gây thủng màng nhĩ hoặc tổn thương ống tai ngoài của trẻ.
Trước đó không lâu, một bệnh viện ở TPHCM đã tiếp nhận cấp cứu bé trai tên T.Q.K. (5 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TPHCM) vì bị hóc dị vật nguy hiểm. Theo lời kể từ người nhà, trong lúc chơi đùa, bé vô tình nuốt chiếc đồng xu kim loại.
Tại bệnh viện, các bác sĩ nhanh chóng chỉ định chụp X-quang, phát hiện tại vị trí thân vị dạ dày của bé có một dị vật hình tròn, dẹp giống đồng xu. Ngay sau đó, bé được chuyển đến khoa Nội soi thực hiện thủ thuật nội soi dạ dày có gây mê để lấy dị vật đang mắc kẹt.
Quá trình thực hiện, bác sĩ đã dùng thiết bị chuyên dụng đưa ống soi có gắn camera qua đường miệng và xuống ống tiêu hóa, đưa được đồng xu đường kính 20mm ra ngoài.
Dị vật lấy khỏi cơ thể bé trai là đồng xu đường kính 20mm (Ảnh: BV).
Bác sĩ chuyên khoa 2 Trương Ngọc Nhã cho biết, may mắn dị vật không phải là vật sắc nhọn nên không gây trầy xước hay đâm thủng đường tiêu hóa. Nhưng nếu để lâu, đồng xu có thể gây tắc ruột, ảnh hưởng đến chức năng đường tiêu hóa của bé.
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), cách đây hơn 1 tuần, các bác sĩ cũng tiếp nhận cấp cứu bé L.X.P. (4 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang). Bệnh sử ghi nhận cách 5 giờ nhập viện, bé trai đang chơi đùa thì nuốt phải con cá đồ chơi, sau đó bị đau cổ, không ăn uống được.
Bệnh nhi được đưa đi khám tại cơ sở y tế địa phương, chụp X-quang nghi ngờ có dị vật trong thực quản nên chuyển lên tuyến trên.
Quá trình soi thực quản bệnh nhi, các bác sĩ thấy được dị vật là con cá nhựa kích thước khoảng 2cm, có nhiều góc cạnh sắc nhọn dễ gây trầy xước. Bác sĩ đã cẩn thận xoay trở để gắp ra dị vật, tránh làm tổn thương thực quản của bé. Sau can thiệp, tình trạng sức khỏe của bé đã bình thường.
Con cá nhựa trong thực quản bệnh nhi được gắp ra (Ảnh: BV).
Bác sĩ chuyên khoa 1 Lý Phạm Hoàng Vinh, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1 cảnh báo, dị vật đường ăn rất nguy hiểm, có thể gây tắc nghẽn hô hấp, nuốt đau, không ăn uống được. Thậm chí, dị vật sẽ dẫn đến nhiễm trùng, tạo ổ mủ trong thực quản bệnh nhân nếu còn sót lại.
Từ các tai nạn nêu trên, bác sĩ khuyến cáo gia đình và người chăm sóc cần tránh cho bé tiếp xúc các đồ chơi nhỏ, dễ nuốt (như đồng xu, tăm, pin cúc áo...) và luôn chú ý quan sát khi trẻ chơi đùa. Nếu bệnh nhi có biểu hiện bất thường, nghi ngờ hóc các loại dị vật, cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời.
Đăng thảo luận