Trung QuốcYan Hongsen được gọi là "cậu bé tên lửa" khi tự học lập trình và viết chương trình vận hành cho tên lửa mini tự chế.
Theo SCMP, Yan Hongsen học lớp 5, sống tại thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc. Trên mạng xã hội, cậu đang trở thành hiện tượng về nỗ lực tự học lập trình, vật lý, hóa học và đam mê chế tạo tên lửa. Kênh Douyin của cậu thu hút gần 500.000 người theo dõi.
Yan Hongsen bên cạnh mô hình tên lửa. Ảnh: People.cn
Theo Hongseng, đam mê của cậu bắt đầu từ năm 4 tuổi, khi cùng gia đình thăm một trung tâm phóng tên lửa và chứng kiến mẫu Long March-2 cất cánh. Do chưa có trường lớp dạy về tên lửa cho trẻ em, cậu bắt đầu tự học.
Từ mẫu giáo, Hongseng tham gia khóa học lập trình trực tuyến, xem video và các diễn đàn về tên lửa trên mạng. Nhận ra sở thích sớm của con, gia đình biến phòng khách thành "xưởng" nghiên cứu cho con trai.
"Lúc đầu, chúng tôi không mấy chú ý đến sự say mê của Yan. Nhưng khi thằng bé hỏi ngày càng đi sâu hơn vào chủ đề này, gia đình bắt đầu ủng hộ và hướng dẫn", cha của Hongseng kể lại.
Tháng 8/2022, khi 9 tuổi, cậu bé bắt tay chế tạo tên lửa nhiên liệu rắn đầu tiên của mình. Sau 10 tháng, sản phẩm đầu tiên ra đời và được đặt tên Sen Xing, nghĩa là "Tiến lên phía trước".
Tháng 6/2023, Sen Xing được phóng lên. Dù ban đầu bay thành công, tên lửa sau đó gặp vấn đề và rơi ngược trở lại Trái Đất. Nỗ lực đầu tiên thất bại không khiến cậu thất vọng mà đã đúc rút ra một số vấn đề.
Cha của Hongseng - một người làm trong ngành du lịch - cho biết ủng hộ con vô điều kiện. Xuất hiện cùng con trên Douyin ở nhiều video, ông cho biết bản luôn sát cánh với con, đồng thời hỗ trợ kiến thức và tìm chuyên gia để giúp con vượt rào cản kỹ thuật.
"Trong khi những học sinh khác đang tập trung vào việc chuẩn bị cho kỳ thi, cậu bé lại bị ám ảnh bởi việc chế tạo tên lửa", cha cậu nói với People.cn hồi tháng 2.
Trong bức ảnh chia sẻ với People.cn, Hongseng ngồi trước máy tính, thiết kế bảng mạch cho tên lửa thứ hai. "Nhiều người cho rằng tôi đã giúp cháu thiết kế, nhưng tôi không biết gì cả. Cháu tự học về lập trình máy tính, vật lý, hóa học, lý thuyết hàng không vũ trụ và mạch điện tử thông qua các khóa trực tuyến", cha của Hongseng giải thích.
Hongseng ngồi thiết kế bảng mạch cho tên lửa. Ảnh: People.cn
Hiện tại, Hongseng vẫn nỗ lực phát triển tên lửa thế hệ hai. Trong video mới nhất trên Douyin, cậu giới thiệu hơn 600 dòng mã tự viết cho hệ thống điều khiển bay mới.
Theo Firstpost, câu chuyện của Hongseng gây tiếng vang lớn tại Trung Quốc. Trên Weibo, Douyin, nhiều người khen ngợi tinh thần tự học của cậu và sự ủng hộ không ngừng của cha mẹ, gia đình.
Bảo Lâm
Đăng thảo luận