Siêu bão Yagi đi qua để lại hậu quả vô cùng nặng nề cho nhiều địa phương ở các tỉnh phía Bắc. Theo thống kê Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đến hết ngày 12/9, bão số 3 và mưa lũ đã khiến 226 người chết, 104 người mất tích.
Trong thời điểm thiên tai, hoạn nạn, hàng ngàn đoàn xe cứu trợ của các cá nhân, đơn vị, tổ chức từ khắp mọi vùng miền đều đổ về các tỉnh miền núi phía Bắc - nơi đang oằn mình khắc phục hậu quả. Hàng vạn người dân lên đường tham gia cứu trợ mà không cần phải chờ đến lời kêu gọi của chính quyền hay các tổ chức, đoàn thể.
Người dân tham ga dọn dẹp sau lũ. (Ảnh: PV)
Cũng từ những đoàn xe này, rất nhiều tấn hàng cứu trợ được chuyển đến cho bà con vùng lũ, vùng phải chịu ảnh hưởng của bão, sạt lở đất, lũ quét, từ những nhu yếu phẩm thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày như đồ ăn, nước uống, thuốc men cho tới những đồ vật cần thiết cho sinh tồn như áo phao, thuyền sắt, phao cứu sinh…. Trên hết tất cả, đó chính là hàng vạn tấm lòng, trái tim ấm áp của người dân cả nước hướng về đồng bào vùng lũ lụt.
Tuy nhiên, việc cứu trợ thiên tai diễn ra trong một thời gian rất ngắn, mang tính cấp bách, khẩn trương khó tránh khỏi những bất cập, hạn chế. Đó là việc đồ cứu trợ không đến đúng người, đúng đối tượng, đúng nơi cần nhận; hoặc khi đến được nơi, đến được tay người dân thì đã bị hư hỏng do quá hạn. Các đoàn cứu trợ không có chuyên môn, không có kinh nghiệm, không có đủ trang thiết bị cứu hộ, cứu trợ, đôi khi gây chồng chéo cho lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp…
Chiều qua (13/9), tại buổi tọa đàm trực tuyến Cứu trợ thiên tai – Sao cho hiệu quả do Báo Nông thôn Ngày nay/ Dân Việt tổ chức, ông Nguyễn Trung Thành, Phó Trưởng phòng Chính sách Bảo trợ xã hội, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội) đã cung cấp những thông tin về hoạt động của các cơ quan cứu trợ trong cơn bão số 3 vừa qua.
Ông Nguyễn Trung Thành cho biết: "Theo quy định, việc điều phối lực lượng cứu trợ thuộc trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ. Tuy nhiên, do hậu quả quá lớn và nặng nề của cơn bão số 3, có hàng trăm người tử vong, mất tích, với truyền thống tương thân, tương ái, nhiều người dân đã tới tận nơi góp sức, trao tình cảm cho đồng vào trong hoàn cảnh khó khăn và nguy nan nhất. Là đơn vị tham mưu cho Bộ về hoạt động cứu trợ, chúng tôi đánh giá cao tinh thần đó".
Từ trái sang: ông Nguyễn Trung Thành, Phó Trưởng phòng Chính sách Bảo trợ xã hội, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội); PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung Tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học Việt Nam); Nhà báo Vũ Kiều Minh (Tổng thư ký Toà soạn báo NTNN/ Dân Việt). (Ảnh: PV)
Theo ông Nguyễn Trung Thành, Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã họp và nhanh chóng đưa ra kết luận liên quan tới việc giải quyết, khắc phục hậu quả của cơn bão số 3. Trên cơ sở đó, thủ tướng chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều chỉ thị, công điện để gửi các địa phương, mục tiêu là sớm đảm bảo đời sống của người dân, hi vọng người dân sẽ vơi bớt khó khăn, sớm trở lại các hoạt động thường nhật của đời sống.
Thời gian qua, hàng trăm đoàn từ thiện lớn, nhỏ từ khắp địa phương đã lên đường hướng tới miền Bắc, chung tay ủng hộ đồng bào chịu cảnh thiên tai. Trước câu hỏi cần làm gì để việc cứu trợ của các cơ quan chức năng và những người/ nhóm/ tổ chức từ thiện do người dân tự nguyện xung phong vào vùng bão lũ trở nên nhịp nhàng, tránh chồng chéo, ông Nguyễn Trung Thành khẳng định: "Cục Bảo trợ xã hội đã tham mưu cho bộ, gửi công điện tới các tỉnh thành và tập trung vào những nhiệm vụ sau: Rà soát toàn bộ thiệt hại của người dân (về người, hạ tầng, nhà ở, nông nghiệp), đánh giá lại, xây dựng các nhóm giải pháp để triển khai, hỗ trợ cho người dân. Trong công điện của Bộ gửi các địa phương cũng đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm khắc phục hậu quả, phối hợp, huy động nguồn lực, đảm bảo tới tận tay của người dân, đặc biệt là nhóm trẻ em và nhóm yếu thế.
Trước một cơn bão lớn, hậu quả nặng nề và quá bất ngờ, mặc dù chúng ta đã thiết lập một hệ thống để đánh giá, ứng phó, tuy nhiên do hoàn cảnh quá gấp gáp, còn những địa bàn chưa kịp triển khai hoặc chưa triển khai trọn vẹn, bởi vậy tình trạng người dân kêu cứu xuất hiện trên mạng xã hội. Thực trạng này đặt ra yêu cầu nghiên cứu một bộ máy phản ứng nhanh để ứng phó với tình trạng khẩn cấp. Đó có thể là một mô hình của chính quyền, hệ thống từ địa phương, cơ sở, trong đó các đoàn thể, cá nhân cùng góp sức. Ở đó, sự hỗ trợ mang tính chất tự nguyện của các cá nhân cũng rất quan trọng, nhưng cần có sự tư vấn, phân chia cụ thể".
Ông Nguyễn Trung Thành cho rằng cần công khai cơ chế chính sách để người dân có thể tự nguyện tham gia vào công tác cứu hộ. (Ảnh: PV)
Ông Thành cũng thông tin thêm: "Ở nước ngoài, hoạt động cứu trợ đã được tổ chức lâu năm, bài bản, tuy nhiên với nước ta vẫn còn mới mẻ. Tôi hi vọng sắp tới các thể chế chính sách sẽ hoàn chỉnh, đáp ứng các hạn chế của công tác hỗ trợ hiện nay. Không thể để tình trạng cả thôn 300 người mà có tới hàng ngàn chiếc bánh chưng gửi tới, vừa không thể dùng hết, vừa lãng phí công sức của đồng bào".
Cuối buổi tọa đàm, ông Nguyễn Trung Thành nhận định: "Cứu trợ thiên tai sao cho hiệu quả là một chủ đề hay, cấp thiết trong giai đoạn hiện tại. Để thực hiện tốt việc này, trước hết chúng ta cần thực hiện nghiêm những kết luận của Bộ Chính trị, Thủ tướng chính phủ, các Bộ, ngành liên quan trong việc khắc phục hậu quả của cơn bão số 3. Trong các chỉ đạo này đều có các nội dung rất đầy đủ và tổng thể, thậm chí là các giải pháp mang tính chất định hướng để đảm bảo đời sống, trong đó những mục tiêu liên quan tới người dân đều được đề cập rõ.
Thứ 2, chúng tôi đánh giá cao việc khích lệ sự vào cuộc của người dân, xã hội. Để lòng tốt lan tỏa, hoạt động của người dân thêm hiệu quả, cần có sự công khai về cơ chế chính sách, thể chế, hệ thống tiếp nhận nguồn lực của người dân cũng cần tốt hơn, thuận lợi hơn, qua đó họ được tạo điều kiện để thể hiện tình cảm của mình".
Tham khảo thêm
Đăng thảo luận