Doanh nghiệp tuần qua:

Doanh nghiệp chung tay cứu trợ đồng bào; cú chi 250 tỷ đồng của tỷ phú số 1

(Dân trí) - Tuần qua, cả nước hướng về nhân dân miền Bắc bị thiệt hại bởi bão Yagi và lũ lụt sau bão. Các doanh nghiệp đồng loạt công bố chương trình cứu trợ.

Doanh nghiệp cả nước cấp tập chung tay cứu trợ đồng bào lũ lụt

Theo ghi nhận của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến ngày 10/9, trong danh sách những tổ chức ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão Yagi, ngành ngân hàng Việt Nam ủng hộ 37,4 tỷ đồng. Một số đơn vị như SHB, VIB, MBBank, SeABank mỗi đơn vị ủng hộ 2 tỷ đồng, Shinhan Việt Nam ủng hộ 1 tỷ đồng; ABBank ủng hộ 500 triệu đồng. VDB ủng hộ 100 triệu đồng.

Các doanh nghiệp lớn vào cuộc mạnh mẽ. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ủng hộ 20 tỷ đồng, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Bảo Việt mỗi đơn vị ủng hộ 5 tỷ đồng; TH True Milk ủng hộ 2 tỷ đồng. Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam ủng hộ 1 tỷ đồng.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Công nghệ CMC, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) mỗi đơn vị ủng hộ 500 triệu đồng.

Tập đoàn dệt may (Vinatex), Tổng Công ty Thép Việt Nam, Tổng công ty Hàng không (Vietnam Airlines) mỗi đơn vị ủng hộ 300 triệu đồng; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Daibiru Nhật Bản, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Vinafood1, Mobifone, Tổng công ty Xi măng… mỗi đơn vị ủng hộ 200 triệu đồng.

Doanh nghiệp chung tay cứu trợ đồng bào; cú chi 250 tỷ của phú số 1  第1张

Hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng vùi lấp cả một bản làng tại xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai (Ảnh: Ngọc Tân).

Lượng tiền ủng hộ tăng theo từng giờ. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sau đó đã đăng tải hàng chục nghìn trang sao kê về số tiền ủng hộ của người dân trên cả nước ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão Yagi.

Tỷ phú giàu nhất Việt Nam ủng hộ 250 tỷ đồng

Công chúng đang dành sự chú ý đối với doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng khi Vingroup và các công ty trong hệ sinh thái công bố tài trợ 250 tỷ đồng cho đồng bào đang chịu thiệt hại do siêu bão Yagi và mưa lũ kéo dài.

Nguồn tiền dự kiến được phân bổ trực tiếp cho hoạt động cứu trợ khẩn cấp như dựng lại khoảng 2.000 ngôi nhà bị sập đổ, hỗ trợ từ 150 đến 300 triệu đồng cho các gia đình có người thiệt mạng, góp phần tái thiết cơ sở hạ tầng cũng như các công trình dân sinh… giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống sau thiên tai.

Trong thông cáo, phía tập đoàn của tỷ phú Vượng cho hay, ngân sách được huy động từ 2 nguồn: kinh phí từ tập đoàn cùng các công ty thành viên và đóng góp tự nguyện của hơn 130.000 cán bộ công nhân viên Vingroup trên toàn hệ thống. Theo nhấn mạnh của doanh nghiệp, tinh thần là "không có người Vingroup nào đứng ngoài mất mát, đau thương của đồng bào".

Cho đến nay, ông Phạm Nhật Vượng đang được ghi nhận là người giàu nhất Việt Nam với tài sản ròng đạt 4,3 tỷ USD, trong khi Vingroup, Vinhomes là những doanh nghiệp thuộc nhóm có quy mô vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán. 

Thu nhập của bầu Đức và 90 triệu cổ phiếu HAG thế chấp tại một ngân hàng

Trong báo cáo tài chính hợp nhất bán niên soát xét của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG), thu nhập của Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) được công bố.

Nửa đầu năm nay, bầu Đức có thu nhập hơn 1,2 tỷ đồng, tương đương hơn 200 triệu đồng mỗi tháng. Mức này tương đương cùng kỳ năm trước.

Thu nhập của bầu Đức đều đặn khoảng 200 triệu đồng/tháng trong nhiều năm trở lại đây. Kể cả giai đoạn 2019-2020, Hoàng Anh Gia Lai lỗ hàng nghìn tỷ đồng, bầu Đức đều nhận thu nhập trên 2,4 tỷ đồng mỗi năm.

Ngược lại, khi doanh nghiệp này lãi lớn, đặc biệt kể đến năm 2023 lãi 1.782 tỷ đồng, cao nhất trong 13 năm hoạt động thì thu nhập của ông Đức cũng không có biến động.

Trong nửa đầu năm nay, một ngân hàng cho Hoàng Anh Gia Lai vay thêm 779 tỷ đồng, được thế chấp bằng 90 triệu cổ phiếu HAG thuộc sở hữu của bầu Đức. Thời hạn thanh toán từ ngày 22/6 đến 9/12 năm nay. 

Trích 1.000 đồng/1 ly nước ủng hộ miền Bắc, Katinat nhận cơn bão tranh luận

Ngày 11/9, thương hiệu Katinat đăng bài trên fanpage về việc chung tay hướng về miền Bắc. Katinat cho biết sẽ trích 1.000 đồng trên mỗi ly nước được bán ra tại hệ thống từ ngày 12/9 đến hết 30/9, đồng hành miền Bắc khắc phục hậu quả thiên tai.

Doanh nghiệp chung tay cứu trợ đồng bào; cú chi 250 tỷ của phú số 1  第2张

Katinat chuyển 1 tỷ đồng đến MTTQ và gửi lời xin lỗi khách hàng.

Thương hiệu này cũng chia sẻ rằng sẽ chủ động trích ra từ doanh thu thực tế, hành động không mang tính kêu gọi và hoàn toàn đến từ mong muốn góp chút sức nhỏ, cùng đồng bào vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Tất cả tiền được trích ra sẽ dùng để đóng góp khắc phục hậu quả thiên tai, đồng thời sẽ được công khai theo từng giai đoạn kèm kế hoạch triển khai cụ thể trong thời gian tới.

Sau gần một ngày đăng tải, bài đăng thu về hơn 116.000 lượt tương tác, chiếm phân nửa là tương tác "phẫn nộ". Katinat đã nhận về nhiều phản ứng trái chiều.

Không ít bình luận tại bài đăng trên fanpage của chuỗi cà phê này cho rằng thương hiệu đang lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người dân miền Bắc để kích cầu hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, cũng có một số tài khoản trên mạng xã hội cho rằng 1.000 đồng/1 ly nước nhưng nhân với số lượng cửa hàng và doanh thu mỗi ngày của Katinat hiện tại thì số tiền quyên góp được trong gần 20 ngày cũng không phải là nhỏ.

Một số người góp ý cho rằng cách truyền tải của thương hiệu chưa thực sự tối ưu. Nếu có thể ghi thêm là toàn bộ hệ thống cửa hàng gồm bao nhiêu cửa hàng, với bao nhiêu tỉnh thành, như vậy người đọc cũng dễ ước lượng và gây ấn tượng tốt hơn so với con số 1.000 đồng/ly.

Chiều ngày 12/9, Katinat thông báo đã chuyển 1 tỷ đồng ủng hộ trực tiếp cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Ban Cứu trợ Trung ương. Đơn vị này gửi lời xin lỗi chân thành đến khách hàng khi thông qua cách truyền thông có những hiểu lầm dẫn đến những ý kiến trái chiều trong hoạt động chung tay cùng đồng bào vùng bão lũ.

Katinat khẳng định số tiền này dự kiến được trích ra từ 1 triệu ly nước ước tính sẽ phục vụ trong 19 ngày trên toàn hệ thống từ 12/9 đến hết 30/9. 

Các công ty bảo hiểm bồi thường 1.070 vụ xe tổn thất do bão lũ

Bộ Tài chính cho biết, theo số liệu cập nhật đến chiều 10/9 từ các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, ước tính số tiền chi trả bồi thường thiệt hại và hỗ trợ ban đầu do bão số 3 (bão Yagi), lũ lụt ở miền Bắc gây ra là hơn 9,72 tỷ đồng.

Đã có 6 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ghi nhận các vụ tổn thất về người là khách hàng tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bị thiệt hại do bão Yagi và lũ lụt tại các tỉnh, thành miền Bắc. Số liệu tổng hợp sơ bộ ghi nhận 15 khách hàng chịu thương vong.

Đến chiều 10/9, báo cáo sơ bộ từ một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe, tài sản kỹ thuật và xe cơ giới cao trên thị trường, cho biết đã tiếp nhận 1.754 vụ tổn thất của khách hàng thiệt hại do bão Yagi gây ra.

Về bảo hiểm tài sản kỹ thuật, các doanh nghiệp ghi nhận 684 vụ tổn thất. Về bảo hiểm xe cơ giới, ghi nhận 1.070 vụ. 

Bà chủ chuỗi Katinat bán 13,2 triệu cổ phiếu VCI, thu về hàng trăm tỷ đồng

Bà Trương Nguyễn Thiên Kim vừa bán ra 13,2 triệu cổ phiếu VCI của Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcap. Bà Kim là vợ ông Tô Hải - Tổng giám đốc Vietcap.

Bà Kim cũng được biết đến là chủ chuỗi cafe Katinat, Phê La. Chuỗi đồ uống Katinat thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Café Katinat và bà Kim góp hơn 84,2% vốn để thành lập công ty này.

Ngoài ra, nữ doanh nhân còn được biết đến khi đảm nhận chức vụ ở nhiều doanh nghiệp khác như Thành viên HĐQT tại Công ty cổ phần Sữa quốc tế (mã chứng khoán: IDP), Thành viên HĐQT độc lập tại Công ty cổ phần Thương mại - dịch vụ Bến Thành (mã chứng khoán: BTT), Thành viên ban kiểm soát tại Công ty cổ phần Bến xe miền Tây (mã chứng khoán: WCS).

Giao dịch tại Chứng khoán Vietcap của bà Kim được thực hiện từ ngày 4/9 đến ngày 11/9. Trong thời gian này, cổ phiếu VCI dao động trong khoảng 33.690-35.310 đồng/đơn vị. Ước tính theo giá trị khớp lệnh trên sàn, bà Kim thu về hàng trăm tỷ đồng.

Cổ phiếu Novaland bị bán tháo, khớp lệnh cực "khủng"

Cổ phiếu NVL của Novaland trong phiên giao dịch sáng 11/9 bị bán rất mạnh. Đến khoảng sau 10h30, lực bán tháo được kích hoạt khiến mã này giảm kịch biên độ sàn HoSE. NVL bị mắc kẹt tại mức giá 11.850 đồng trong khi vẫn còn dư bán giá sàn 2,15 triệu đơn vị.

Mới chỉ hết phiên sáng mà khớp lệnh tại NVL đã lên tới 48,13 triệu cổ phiếu, trong đó có 34,82 triệu cổ phiếu được khớp ở mức giá sàn.

Cổ phiếu NVL bị bán tháo trong bối cảnh Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) vừa thông báo đưa cổ phiếu này vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (cắt margin). Nguyên nhân là công ty chậm công bố thông tin báo cáo tài chính bán niên đã soát xét quá 5 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn công bố thông tin.