"Trong điều kiện sức khoẻ bình thường không ai muốn nợ thuế đến mức tạm hoãn xuất cảnh. Cưỡng chế hoá đơn đã là cực hình với doanh nghiệp", đại diện một doanh nghiệp chia sẻ.

Lời toà soạn:

Câu chuyện ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Bamboo Airways, bị tạm hoãn xuất cảnh vì doanh nghiệp nợ thuế đã mở ra cuộc tranh luận về vai trò của biện pháp tạm hoãn xuất cảnh trong thu hồi nợ thuế. 

Với các doanh nghiệp cố tình chây ì, không chịu nộp thuế thì việc áp dụng biện pháp mạnh là cần thiết. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp bức xúc khi lãnh đạo bị hoãn xuất cảnh khi chỉ nợ thuế từ 1-10 triệu đồng.

Tuyến bài "Phía sau việc tạm hoãn xuất cảnh doanh nhân để thu hồi nợ thuế" của VietnamNet đưa ra góc nhìn đa chiều từ doanh nghiệp, cơ quan chức năng nhằm để tìm giải pháp phù hợp cho vấn đề này.

Nợ thuế vài triệu đồng cũng bị hoãn xuất cảnh

Ngày 20/9, Chi Cục thuế khu vực Sông Lam 1 (Cục thuế Nghệ An) có thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Phan Bá Quân, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Thịnh Digital. 

Theo thông báo, đến thời điểm ngày 31/8, công ty đang nợ thuế 2,8 triệu đồng. Công ty bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế do chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Thời gian tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 20/9 cho đến khi người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Chia sẻ với PV. VietNamNet, ông Phan Bá Quân cho hay, ông khá bất ngờ vì lần đầu tiên ông nhận được thông báo này. Thời gian qua, do chuyển địa điểm kinh doanh, kế toán xin nghỉ, dẫn đến việc công ty chậm nộp thuế.

“Tôi mới nhận được thông báo tạm hoãn xuất cảnh cách đây mấy hôm, thông qua người quen ở ngân hàng mà công ty mở tài khoản gửi cho mới biết.

Số tiền lớn mới sợ, còn đây nợ không lớn nhưng vì bận nhiều việc quá nên tôi chưa kịp hoàn thành. Tôi đang tuyển lại kế toán, sẽ cố gắng nộp ngay trong tháng này”, ông Quân nói.

Mặc dù bị “bêu” tên, bị tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế nhưng ông Quân cho rằng, đây là biện pháp hợp lý, hiệu quả, có làm căng như vậy thì nhiều người mới nộp thuế.

Những trường hợp như ông Quân không phải là ít. Bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty TNHH Xuân Hương (Thanh Chương, Nghệ An), cũng bị tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 12/9 vì doanh nghiệp đang nợ 8,6 triệu đồng.

Đặc biệt, có doanh nghiệp đã dừng hoạt động nhưng chủ doanh nghiệp cũng nằm trong danh sách tạm hoãn xuất cảnh. 

Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc CTCP Tư vấn và Đầu tư xây dựng không gian quốc tế có địa chỉ tại TP Vinh (Nghệ An) cũng vừa bị Cục thuế Nghệ An ra thông báo tạm hoãn xuất cảnh, với lý do doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Tuy nhiên, trao đổi với PV, ông Cường tỏ ra rất bất ngờ trước thông tin này. “Tôi chưa nhận được thông báo nào, tại sao nợ, tạm hoãn xuất cảnh được”, ông Cường băn khoăn.

Ông Cường nói thêm, ông thành lập doanh nghiệp tháng 3/2021, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, ngay sau đó đại dịch Covid-19 bùng phát, công ty không thể kinh doanh, hoạt động được. 

“Tôi nhớ sau khi công ty được thành lập khoảng 3-4 tháng, tôi đã thuê kế toán làm các thủ tục dừng hoạt động. Từ đó đến nay, doanh nghiệp không hoạt động, cũng không nhận được thông báo nào từ cơ quan thuế”, ông Cường kể và cho biết sẽ đến cơ quan thuế để xác minh thông tin trên.

Nỗi lòng sau chuyện bị tạm hoãn xuất cảnh

Trước đó, Tổng giám đốc Bamboo Airways Lương Hoài Nam bị tạm hoãn xuất cảnh do đang là người đại diện pháp luật. Thông báo của hãng bay nhấn mạnh: Thông báo này xuất phát từ vấn đề hành chính mà hãng đang làm việc chặt chẽ với các cơ quan chức năng để giải quyết, không liên quan đến vấn đề cá nhân của ông Lương Hoài Nam. 

Về phía mình, ông Lương Hoài Nam chia sẻ: “Trước các nghĩa vụ thuế mà Bamboo Airways chưa có điều kiện để hoàn thành, tôi cùng ban lãnh đạo hãng đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ vấn đề này trong bối cảnh Bamboo Airways đang còn nhiều khó khăn về tài chính”.

Câu chuyện của ông Lương Hoài Nam đã mở ra cuộc tranh luận trái chiều về vai trò của biện pháp tạm hoãn xuất cảnh trong thu hồi nợ thuế.

Doanh nhân bị hoãn xuất cảnh vì nợ vài triệu hay bạc tỷ: 'Tôi không mang cơ nghiệp ra đùa'  第1张  Thu nợ thuế là một trong những giải pháp giúp đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Ảnh: Nguyễn Tuân

Mới đây, doanh nghiệp của anh N.V.A (trụ sở ở TP.HCM) nhận được quyết định của cục thuế một địa phương về tạm hoãn xuất cảnh người đại diện pháp luật. Lý do là chưa trả nợ thuế sau nhiều lần được đôn đốc. Ngay sau đó, thông tin này phủ kín trên mặt báo.

Nói với PV. VietNamNet, đại diện doanh nghiệp vẫn bức xúc. Việc nợ thuế của doanh nghiệp là đúng, nhưng đằng sau đó lại là những câu chuyện khác.

“Họ công bố doanh nghiệp tôi nợ thuế, theo số liệu là đúng. Nhưng số tiền đó là tiền sử dụng đất mà chúng tôi đang triển khai dự án trên địa bàn tỉnh này. Chúng tôi đang khiếu nại quyết định áp giá đất của chính quyền, bởi nếu theo quyết định đó thì chúng tôi phải nộp số tiền cao hơn nhiều. Nhưng khi các báo đẩy bài lên, không ai đề cập đến câu chuyện này mà mặc định rằng chúng tôi làm ăn kém nên nợ thuế”, anh N.V.A nói.

Theo quan điểm của đại diện doanh nghiệp, nợ thuế hay nợ bảo hiểm là chuyện chẳng đặng đừng, không ai muốn. Người ta mang cả cơ ngơi sự nghiệp ra để đầu tư, đâu ai muốn dính dáng tới pháp luật. Trong điều kiện sức khoẻ bình thường không ai muốn nợ thuế đến mức tạm hoãn xuất cảnh. Cưỡng chế hoá đơn đã là cực hình với doanh nghiệp.

"Xét trong bối cảnh này, nên có một biện pháp hài hòa hơn. Những trường hợp nào cố tình chây ì, nộp thuế không trả thì hãy tạm hoãn xuất cảnh”, đại diện công ty kiến nghị.

Đại diện một doanh nghiệp khác cũng bức xúc không kém khi nhận quyết định tạm hoãn xuất cảnh. Điều đáng nói, doanh nghiệp này nợ thuế, trong khi tiền hoàn thuế của doanh nghiệp vẫn bị “đóng băng”, chưa được cơ quan thuế giải quyết. 

"Thực chất, chúng tôi vẫn còn tiền thuế ngân sách đang nợ chúng tôi. Chúng tôi đề nghị khấu trừ số tiền này với số nợ thuế nhưng vẫn không được chấp nhận", vị này kể.

Chuyện của ông H., tổng giám đốc một doanh nghiệp ở Bình Dương, cũng chú ý không kém. Ông H. là đại diện pháp luật của một doanh nghiệp. Do tranh chấp với các cổ đông, gần đây ông mới làm được thủ tục để nắm quyền điều hành. Ông phải đứng ra 'gánh' hàng chục tỷ đồng tiền nợ thuế. Theo quy định, ông cũng nằm trong diện có thể sớm bị cơ quan thuế tạm hoãn xuất cảnh. 

“Nếu cục thuế tạm hoãn xuất cảnh tôi thì quá oan ức, bởi tôi là người tiếp quản sau và đang cố gắng hết sức để có tiền trả nợ thuế. Theo luật, họ tạm hoãn xuất cảnh tôi là đúng. Thế nhưng, con người khác máy móc ở chỗ biết phân định rõ ràng từng trường hợp. Phải làm rõ vì sao nợ thuế, ai là người gây ra còn ai là người đang cố gắng để có tiền trả nợ mà người chủ cũ gây ra”, ông H. thẳng thắn.