Ngành du thuyền tại Hạ Long "chịu tổn thất nặng hơn cả Covid-19", khi một loạt tàu bị đắm, hư hại, các cơ sở vật chất khác bị tàn phá trong bão Yagi.
Theo đánh giá sơ bộ của Sở Du lịch Quảng Ninh, ảnh hưởng của bão Yagi khiến năng lực tài chính của các doanh nghiệp bị suy yếu. Nhiều doanh nghiệp du lịch, dịch vụ "có nguy cơ phá sản", ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của hàng nghìn lao động.
Ông Phạm Hà, CEO Lux Group, đơn vị hoạt động tàu du lịch tại Hạ Long, Lan Hạ và Cát Bà, cho biết nhiều chủ tàu mất trắng và không có cơ hội xây dựng lại do không còn tài sản để "cày" trả nợ. Nhiều du thuyền bị chìm, cần ít nhất 6 tháng đến một năm để hoạt động lại. Thiên tai và bão lũ lịch sử khiến ngành du lịch "khó lại chồng khó".
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh hôm 13/9, 27 tàu du lịch và 4 tàu chuyển tải bị đắm. Tại Hải Phòng, số xuồng, tàu thuyền bị hư hỏng, chìm là 23.
Tàu du lịch bị bão Yagi đánh chìm tại Cảng quốc tế Tuần Châu, TP Hạ Long, Quảng Ninh, ngày 8/9. Ảnh: Giang Huy
Ông Hà cho biết công ty có hai cano là Heritage Express và Speedboat bị chìm do sóng lớn, được trục vớt để đưa về bến Tuần Châu sửa chữa. Khu vực nhà chờ của khách tại bến cũng đã được sửa chữa và sẵn sàng đón tiếp khách trở lại.
Hai tàu du lịch ngủ đêm gồm Emperor Cruises Legacy Hạ Long và Heritage Bình Chuẩn, chỉ bị hư hại nhẹ. Tàu Heritage Bình Chuẩn gặp va chạm nhỏ ở phần mũi và đuôi, nhưng không ảnh hưởng đến cấu trúc chính của tàu.
"Điều may mắn nhất là chúng tôi không bị thiệt hại về người", ông Hà nói.
CEO Aza Travel Nguyễn Tiến Đạt cho biết bão Yagi không gây thiệt hại nhiều cho các đơn vị lữ hành tổ chức dẫn tour. Nhưng những đơn vị như nhà tàu, khách sạn nằm ở tâm bão, các khu du lịch như công viên Hạ Long, cáp treo Nữ hoàng ở Quảng Ninh bị thiệt hại nặng nề. Con số thiệt hại của từng doanh nghiệp từ vài trăm triệu đến hàng chục tỷ đồng.
"Các thiệt hại mà doanh nghiệp gánh gồm tài sản bị hư hỏng do bão và tiền sửa chữa, không đón được khách nên không có doanh thu", ông Đạt nói.
Theo báo cáo ban đầu của Sở Du lịch Quảng Ninh, cơ sở lưu trú bên bờ khu vực thành phố Hạ Long đều bị thiệt hại như vỡ kính, vỡ ngói mái nhà biệt thự, gió lùa sập, hỏng trần và đồ đạc trong phòng nghỉ, sảnh đón tiếp, nhà hàng. Cây xanh, cột đèn trong khuôn viên và hệ thống điện, điều hòa, nước của nhiều cơ sở thiệt hại nặng. Thiệt hại nặng nhất ở thành phố Hạ Long, Vân Đồn, Cẩm Phả, Cô Tô.
Hệ thống cửa hàng lưu niệm, cơ sở bán hàng phục vụ khách du lịch bị thiệt hại nặng nề, đang tiếp tục được khắc phục. Các hàng hàng sử dụng vật liệu khung thép, mái tôn, vật liệu đơn giản khu vực thành phố Hạ Long đều bị sập, tốc mái, đổ vỡ, hư hỏng nặng. Nhiều cơ sở không có khả năng sửa chữa lại để kinh doanh do đã bị hỏng hoàn toàn.
Du khách quốc tế chèo thuyền bên cạnh tàu Emperor Cruises khi chưa bị ảnh hưởng của bão Yagi. Ảnh: Lux Group
Hiện tại, Quảng Ninh đã nhanh chóng khắc phục sự cố do bão gây ra với gần 5.200 phòng từ 39 khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao sẵn sàng đón khách trở lại. 580 khách sạn 1-3 sao sẵn sàng đón khách trở lại với khả năng cung cấp hơn 8.500 phòng. 100% khách sạn ở Móng Cái, Hải Hà, Uông Bí sẵn sàng đón khách. Tại Cô Tô, con số này là 30%. Các cơ sở lưu trú tại Quan Lạn, Minh Châu đang phải khắc phục, chưa đủ điều kiện phục vụ khách.
CEO Phạm Hà mong muốn các doanh nghiệp tàu thuyền chịu tổn thất nặng nề lần này được hỗ trợ vốn, tài lực, vật lực, trí lực từ chính quyền địa phương và trung ương để hồi phục. Ông cũng mong Việt Nam thời gian tới sẽ cung cấp sóng vệ tinh cũng như làm sạch môi trường, dọn dẹp, thu dọn bè nổi, trục vớt tàu để Hạ Long, Cát Bà xanh sạch đẹp trở lại rồi mới đón khách.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt Phạm Anh Vũ nhận định một số địa phương đang trong giai đoạn phục hồi sau bão, số khác vẫn đang chạy lụt. Do đó, lượng khách nội địa ghé những nơi này vẫn còn thấp, dẫn đến khó khăn cho ngành du lịch địa phương.
Trong khi đó, các công ty lữ hành cũng bị ảnh hưởng, nhưng ít hơn so với ngành du thuyền. Theo ông Vũ những chuyến đi đến các quốc gia không bị ảnh hưởng bởi bão vẫn diễn ra bình thường. Trong một tuần bão lũ, công ty công chỉ lùi, hoãn lịch ba đoàn nội địa còn 20 đoàn quốc tế vẫn bay. Công ty Du lịch Vietravel cũng không bị ảnh hưởng nhiều vì bão Yagi, vẫn đưa hơn 100 đoàn tour khởi hành quốc tế. Với đoàn khách nội địa, khoảng 10 tour với hơn 100 khách đến miền Bắc phải hoãn, hủy. Vietluxtour, công ty du lịch đặt trụ sở chính tại TP HCM, cũng chỉ phải hoãn 6 đoàn khách.
Theo ông Nguyễn Đông Giang, Chủ tịch Bangkok Tourist, công ty du lịch mỗi năm đưa gần hai triệu lượt khách Việt sang Thái Lan, trong những ngày bão Yagi đổ bộ, 70% đoàn từ các công ty lữ hành khu vực miền Bắc đặt với công ty ông đã phải hủy hoặc dời ngày. Dù vậy, các chuyến bay khởi hành từ TP HCM vẫn diễn ra bình thường. Hiện tại, các tour khởi hành từ miền Bắc đã được nối lại.
Đối với các tour trong nước (nội địa và khách quốc tế đến Việt Nam), các công ty phải hoãn một số tour có chương trình đến miền Bắc nhưng hầu hết không bị ảnh hưởng nặng nề.
Giám đốc Truyền thông của Vietluxtour Trần Thị Bảo Thu cho biết công ty vẫn hoạt động bình thường vì tổ chức tour tới ba miền và du lịch quốc tế. Hiện công ty chỉ tạm hoãn tour đến miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão Yagi để đảm bảo an toàn.
Theo khảo sát của VnExpress, phần lớn các công ty du lịch không gặp thiệt hại nặng vì số tour bị hủy ít. Hầu hết du khách nhanh chóng chuyển tour đến các địa điểm không bị ảnh hưởng bão lũ để thay thế. Ngoài ra, đầu tháng 9 chưa phải cao điểm du lịch. Các CEO từ các công ty lữ hành ước tính đến cuối tháng 9, đầu tháng 10, du lịch miền Bắc có thể phục hồi trở lại.
"Đối với ngành du thuyền, thiệt lại lần này ghê gớm hơn đại dịch Covid-19", ông Hà nói.
Phương Anh
Đăng thảo luận