Dịch vụ OTT: Thế giới phẳng mở ra cơ hội dành cho OTT trong nước lẫn quốc tế

(Dân trí) - Ở bức tranh toàn cảnh của thị trường phát hành nội dung số, sự xuất hiện của các dịch vụ OTT quốc tế ở thị trường nội địa Việt Nam sẽ mang đến thách thức nhưng song song với đó cũng là nhiều cơ hội mới cho các nhà làm phim trong nước.

Tranh cãi về bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước

Nhu cầu giải trí của nhiều khán giả hiện nay vẫn không ngừng tăng lên. Đó là một trong những lý do mà mạng lưới các nội dung giải trí ngày càng phát triển đa dạng, thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nước ngoài bước vào thị trường Việt Nam. Trong đó, OTT là một trong những cuộc chơi được cho là khốc liệt và đầy cạnh tranh hiện nay.

Với nhiều doanh nghiệp trong nước, họ cho rằng sự cạnh tranh đó không chỉ xoay quanh việc khán giả có nhiều món ăn tinh thần phong phú để lựa chọn hơn giữa bàn tiệc các sản phẩm giải trí khiến tỷ lệ cạnh tranh cao mà còn đến từ vấn đề tồn tại những bất cập trong việc quản lý nội dung trên không gian mạng.

Dịch vụ OTT: Thế giới phẳng mở ra cơ hội dành cho OTT trong nước lẫn quốc tế  第1张

Cụ thể, những quy định trong việc quản lý nội dung được phát hành trên các nền tảng OTT giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài có những khác biệt nhất định. Và sự khác biệt đó đối với nhiều doanh nghiệp trong nước đã được xem là nguy cơ làm mất cân bằng về cơ hội cạnh tranh giữa "nội" và "ngoại".

Ở khía cạnh này, những quy định trong việc quản lý nội dung trên không gian mạng cần hoàn thiện hơn, chi tiết hơn để hướng đến mục đích cuối cùng là mang đến mạng lưới nội dung giải trí lành mạnh dù là nội dung của OTT trong nước hay OTT quốc tế. Nhưng bấy nhiêu vẫn là chưa đủ để giải quyết câu chuyện cân bằng sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài ở sân chơi của OTT.

Lùi lại để nhìn vào vấn đề bên trong

Từ góc nhìn toàn cảnh hơn, bên cạnh những yếu tố về quy định, về sự tác động bên ngoài hay cạnh tranh từ OTT quốc tế thì những đơn vị OTT trong nước còn cần phải nhìn lại, nhận ra và giải quyết các vấn đề tồn đọng ở bên trong chính mình.

Một trong những yếu tố quan trọng khiến các đơn vị OTT trong nước tỏ ra dè chừng các dịch vụ OTT của nước ngoài là sự chênh lệch quá lớn về số lượng người dùng cũng như lợi nhuận thu về.

Riêng với Netflix, một trong những doanh nghiệp phát hành nội dung trên không gian mạng lớn nhất hiện nay đã có khoảng 600.000 thuê bao tại Việt Nam. Doanh số được ước tính thu về từ số người dùng này trong 1 năm đã lên tới 35 triệu USD (tương đương khoảng 819 tỷ đồng). Con số này cũng lớn hơn toàn bộ doanh thu dự kiến của mảng OTT TV trong nước trong năm 2022 là 740 tỷ đồng.

Dịch vụ OTT: Thế giới phẳng mở ra cơ hội dành cho OTT trong nước lẫn quốc tế  第2张

Như vậy, câu hỏi nên được đặt ra là: Vì sao lĩnh vực OTT TV tại Việt Nam đang có đến 22 doanh nghiệp trong nước cung cấp như: FPT Play, MyTV, Next TV… nhưng người dùng Việt Nam vẫn ưu tiên chi tiền cho dịch vụ OTT của quốc tế hơn?

Rõ ràng, khi "cung" chưa đủ để đáp ứng "cầu" thì khách hàng sẽ có những lựa chọn khác mà họ cho rằng là tốt hơn. Nói thẳng ra, những nội dung được phát hành hay sản xuất bởi những đơn vị OTT trong nước chưa đủ để đáp ứng nhu cầu giải trí của người xem.

Nhìn vào thực tế, nếu Netflix hay Amazon sẵn sàng bỏ hàng chục triệu USD để thực hiện một series phim truyền hình hay mua về những series chất lượng để phục vụ khách hàng thì với doanh nghiệp trong nước, những bộ phim tự sản xuất thường không được đánh giá cao vì hạn chế về kinh phí, còn những bộ phim nước ngoài được mua lại để phát hành cũng thường có mức chi phí thấp, không nằm trong tệp nội dung mà khán giả quan tâm vì đã cũ, thậm chí đôi khi đã được công chiếu từ nhiều năm trước.

Thế nên, trong trường hợp Việt Nam thậm chí nói không với những dịch vụ OTT quốc tế và nhường thị trường độc quyền cho các OTT trong nước thì liệu những đơn vị này có tự tin sẽ đạt doanh thu cao hơn, đáp ứng nhu cầu người xem tốt hơn và khán giả sẽ ngừng đặt lên bàn cân so sánh chất lượng giữa "nội" và "ngoại"?

Biến thách thức thành cơ hội

Từ thực tế trên, có thể nói việc đổ lỗi hoàn toàn cho quy định trong luật điện ảnh hay sự xuất hiện của các OTT quốc tế như một mầm mống "đe dọa" sự phát triển của OTT trong nước là chưa thực sự khách quan và công bằng.

Sự cạnh tranh là không thể phủ nhận. Nhưng sẽ tùy góc độ mà sự cạnh tranh đó sẽ là thách thức hay cơ hội. Sự xuất hiện của các đơn vị OTT quốc tế mang điện ảnh nước ngoài đến với Việt Nam thì Việt Nam cũng hoàn toàn có thể làm điều ngược lại''.

Dịch vụ OTT: Thế giới phẳng mở ra cơ hội dành cho OTT trong nước lẫn quốc tế  第3张

Nó mở ra một thế giới phẳng, nơi mà người Việt có thể tiếp cận những bộ phim, những nội dung giải trí của bạn bè quốc tế. Ngược lại, các nhà làm phim Việt Nam cũng hoàn toàn có thể bán tác phẩm của mình cho những đơn vị này, đưa các tác phẩm điện ảnh Việt đủ chất lượng, đủ giá trị nghệ thuật tiếp cận khán giả trên toàn thế giới, vượt qua rào cản ngôn ngữ để đưa điện ảnh, nghệ thuật nước nhà vươn xa hơn.

Từ góc độ này, việc tận dụng OTT nước ngoài như một kênh để đưa những nội dung sáng tạo, các tác phẩm điện ảnh Việt Nam tiếp cận gần hơn với thị trường quốc tế là hoàn toàn khả thi.

Cuối cùng, những dịch vụ OTT xuyên biên giới là cơ hội để các nhà làm phim, những người làm sáng tạo mở rộng, thậm chí là phá vỡ mọi giới hạn để cùng với việc phát hành nội dung, chúng ta cũng có thể biến sân chơi này thành nơi quảng bá văn hóa, hình ảnh của đất nước và con người Việt Nam đến khắp nơi trên thế giới.