Việc phải huy động nguồn điện giá cao như điện than, điện khí và năng lượng tái tạo khiến chi phí giá thành của EVN tăng mạnh.

EVN lỗ gần 22.000 tỉ đồng, do đâu?  第1张

Chi phí giá thành của EVN đến chủ yếu ở khâu phát điện, với tỉ trọng nguồn điện giá cao tăng mạnh - Ảnh: EVN

Trả lời Tuổi Trẻ Online về khoản lỗ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa được công bố gắn với chi phí giá thành sản xuất, kinh doanh điện, đại điện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đã thông tin rõ hơn về cơ cấu chi phí giá thành trong sản xuất, kinh doanh điện. 

Huy động nguồn điện giá cao

Theo đó, trong năm 2023, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện là 528.604,24 tỉ đồng. Bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành.

Trong khi đó, doanh thu bán điện thương phẩm năm 2023 là 494.359,28 tỉ đồng, tăng 8,18%. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.953,57 đồng/kWh, tăng 3,76% so với năm 2022.

Theo Bộ Công Thương, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN lỗ 34.244,96 tỉ đồng. Song do có thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2023 là 12.423,40 tỉ đồng nên năm trước EVN ghi nhận mức lỗ 21.821,56 tỉ đồng.

  • EVN lỗ gần 22.000 tỉ đồng, do đâu?  第2张

    Giá điện bán ra đang thấp hơn giá thành 6,92%, chuyên gia lo 'nguy hiểm'ĐỌC NGAY

Theo đại diện Cục Điều tiết điện lực, trong cơ cấu chi phí sản xuất kinh doanh điện, chi phí khâu phát điện chiếm tỉ trọng lớn nhất (khoảng 83%). Chi phí các khâu còn lại (truyền tải, phân phối - bán lẻ điện, phụ trợ - quản lý ngành) chiếm khoảng 17%. 

Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 tăng thêm 35.338,94 tỉ đồng (tương ứng tăng 7,16%) so với năm 2022, được lý giải chủ yếu do tăng chi phí khâu phát điện (tăng 29.112,84 tỉ đồng), trong khi các khâu khác có mức tăng không lớn.

Nguyên nhân chi phí khâu phát điện tăng chủ yếu do cơ cấu sản lượng điện phát thay đổi theo chiều hướng bất lợi. Cụ thể, tổng sản lượng điện đạt 268,11 tỉ kWh, tăng 4,74% so với sản lượng điện thực hiện năm 2022. 

Trong số này, các nguồn nhiệt điện than tăng 26,92 tỉ kWh (tăng 29,67%). Năng lượng tái tạo tăng 2,37 tỉ kWh (tăng 6,63%). Trong đó điện gió tăng trưởng mạnh với 26,25%. Nhiệt điện dầu tăng 0,35 tỉ kWh. Nhập khẩu tăng 0,45 tỉ kWh (tăng 26,42%). 

Chỉ riêng sản lượng từ nhiệt điện khí giảm 1,99 tỉ kWh (giảm 6,96%). Thủy điện năm 2023 giảm 16,33 tỉ kWh (giảm 16,8%) do tình hình thủy văn 6 tháng đầu năm gặp nhiều bất lợi. Đó là thời tiết nắng gay gắt, nhiều nơi ghi nhận kỷ lục về nhiệt độ, mùa khô kéo dài hơn so với quy luật.

Sản lượng điện từ các nguồn thủy điện và nhiệt điện khí giảm, trong khi phụ tải hệ thống tăng cao dẫn đến phải huy động bổ sung một lượng lớn từ nguồn nhiệt điện than. Cùng với đó là năng lượng tái tạo và nhiệt điện dầu, đây đều là những nguồn có giá thành cao hơn so với thủy điện.

Vì sao không cung cấp đủ điện giá vẫn tăng?

Ngoài ra, việc không có nhiều các công trình nguồn điện mới giá rẻ vào vận hành trong khi nhu cầu phụ tải tăng cao qua các năm cũng là lý do EVN phải mua điện bổ sung từ các nguồn có giá thành sản xuất cao hơn.

Khoản lỗ của EVN trong năm 2023 được ghi nhận khi năm này cũng xảy ra tình trạng thiếu điện diện rộng. Tuy nhiên, tổng chi phí khâu phát điện tăng 29.112 tỉ đồng. Đây là mức tăng thấp hơn nhiều so với năm 2022 lên tới gần 73.000 tỉ đồng song vẫn làm cho giá thành sản xuất khâu phát điện tăng. 

Lý giải vấn đề này, đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho rằng mặc dù năm 2023 đã diễn ra thiếu điện trong một số thời điểm, song tổng thể toàn hệ thống điện quốc gia ghi nhận tiệu thụ điện cả năm 2023 vẫn ở mức cao. 

Cụ thể, tổng sản lượng điện năng giao nhận toàn hệ thống đạt 268,11 tỉ kWh, tăng 4,74% so với sản lượng điện thực hiện năm 2022. Cơ quan quản lý, điều tiết điện lực cho rằng với cơ cấu các nguồn điện như trên đã làm tăng chi phí khâu phát điện. 

Đó là việc huy động sản lượng điện lớn từ các nguồn nhiệt điện than và các nguồn năng lượng tái tạo, nhiệt điện dầu. Dù vậy cũng có yếu tố thuận lợi là nhờ giá than nhập khẩu và giá khí năm 2023 giảm mạnh so với năm 2022 đã góp phần làm chi phí khâu phát điện có tăng, nhưng ở mức thấp hơn so với năm trước. 

Vì vậy, chi phí khâu phát điện năm 2023 tăng 7,06% so với năm 2022 nhưng sản lượng điện thương phẩm năm 2023 tăng ở mức thấp hơn (4,26%), dẫn đến giá thành khâu phát điện (tính bằng chi phí khâu phát điện chia sản lượng điện thương phẩm) năm 2023 tăng so với giá thành khâu phát điện năm 2022.