Ông Hoàng Đạo Kính vừa nhận giải thưởng lớn Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội bởi những đóng góp của ông trong bảo tồn di tích ở Hà Nội hơn nửa thế kỷ qua.

GS Hoàng Đạo Kính và những chuyện gay cấn trùng tu  第1张

Thủ tướng Võ Văn Kiệt (trái) và KTS Hoàng Đạo Kính (bên phải) tại công trình tu bổ Nhà hát lớn Hà Nội năm 1995

Nhưng thực ra dấu tay ông in hằn lên các công trình di tích lớn khắp đất nước. Chúng ta giữ được Nhà hát lớn Hà Nội, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, kinh thành Huế, phố cổ Hội An, tháp Chàm Mỹ Sơn... như ngày nay là nhờ đóng góp rất lớn từ người "hiệp sĩ" bảo tồn di tích này.

Ông HOÀNG ĐẠO KÍNH trò chuyện với Tuổi Trẻ về những chuyện "gay cấn" sau những dự án trùng tu lớn ông từng thực hiện để giữ được bao di tích quý giá cho thế hệ sau.

Dòng họ tôi ở Huế, tới thế kỷ 19 chuyển đến Hà Nội. Tôi sống, học tập ở nước ngoài từ bé nhưng lại gắn bó với bảo tồn di tích một cách rất tự nhiên, như thể nó chảy sẵn trong máu mình. Thêm nữa, tôi cũng thấm văn hóa phương Tây vốn luôn quan tâm giữ gìn di sản quá khứ.

GS HOÀNG ĐẠO KÍNH

Làm bảo tồn bằng tấm lòng

* Người ta gọi ông là "hiệp sĩ của những di tích kiến trúc", ông thấy sao?

- Làm bảo tồn di tích đòi hỏi đầu tiên là biết yêu mến di sản của cha ông, sau đó mới là kiến thức, kinh nghiệm, sự nỗ lực. Danh xưng hiệp sĩ có lẽ cũng có chút ưu ái.

Nó làm tôi phải nghĩ lại xem hơn nửa thế kỷ qua tôi đã làm được gì cho các di tích. Tôi là cán bộ được Nhà nước giao trách nhiệm làm công việc đúng chuyên môn, và tất nhiên tôi đã làm bằng cả tấm lòng.

50 năm bảo tồn di tích, tôi hết sức để tâm, dành hết hiểu biết, sự sáng tạo và hăng hái riêng cho công việc này, trở thành một trong những người khá sớm làm bảo tồn và trùng tu di tích, từ đầu những năm 1970.

Nhìn lại, tôi có sự toại nguyện lớn lao ở chỗ đã góp phần vào việc xây dựng, tìm ra, khẳng định những quan điểm, những bài bản, những thủ pháp trong việc ứng xử với di tích.

Tôi còn trực tiếp tổ chức, đề xuất ý tưởng, chủ trì tham gia bảo tồn và tu bổ nhiều dự án trọng điểm ở Hà Nội, Huế, Hội An, di sản văn hóa Chăm khắp các tỉnh miền Trung và nhiều di tích lớn ở các tỉnh phía Bắc.

Tuổi hưu, tôi tiếp tục đi xây dựng nhiều công trình tôn giáo, tín ngưỡng ở Ninh Bình, Hà Nam, Sa Pa, Quảng Ninh, Phú Quốc, Côn Đảo, Tây Ninh... Không dám nói tôi đã làm được nhiều, nhưng cũng có thể nói là tôi hạnh phúc.

* Nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội ở sân Văn Miếu - Quốc Tử Giám mà chính ông cải tạo, xây dựng, tu bổ hẳn rất có ý nghĩa với ông. Chuyện trùng tu Văn Miếu năm ấy từng rất "gay cấn"?

GS Hoàng Đạo Kính và những chuyện gay cấn trùng tu  第2张

GS Hoàng Đạo Kính nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

- Công trình bảo tồn, tu bổ di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám đặt ra nhiều câu hỏi lớn, rất thách thức.

Gần 30 năm trước, Văn Miếu ở tình trạng khá xấu. Hà Nội đã có chủ trương phát huy giá trị của Văn Miếu, biến nơi đây thành một địa điểm văn hóa - du lịch.

Tôi tham gia từ ngày đầu. Có hai việc lớn phải làm. Trước tiên là việc bảo vệ 82 bia tiến sĩ.

ao năm những tấm bia đứng ngoài trời, bị tác động của thời gian, thời tiết, cần có phương án bảo tồn lâu dài. Giới chuyên môn lúc đó đưa ra nhiều phương án, trong đó có ý tưởng dùng hóa chất che phủ bề mặt của bia để bảo vệ.

Tôi rất phản đối. Đây là những tấm bia quý giá, không nên làm thí nghiệm trên những cái vô giá vì nếu thất bại thì mất mát rất lớn.

Lại có gợi ý khác như làm mái che bằng kết cấu nhôm kính hiện đại mà sân bay vẫn làm để che máy bay.

Tôi đề xuất làm nhà che bia theo cách các cụ nhà mình làm mái che ở các chợ truyền thống xưa, bằng gỗ và ngói, chia nhiều mái để giữ độ cao hợp lý, không ảnh hưởng đến tổng thể kiến trúc xung quanh.

Kết quả, phương án ấy rất ăn nhập với quần thể kiến trúc Văn Miếu, đồng thời giữ cho những văn bia vẫn được thở nhưng không bị nắng mưa tàn phá thêm.

Việc thứ hai, vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội muốn khôi phục sân thứ năm của Văn Miếu - Quốc Tử Giám là sân Khải Thánh. Xưa đây là nơi có thờ cha mẹ Khổng Tử nhưng hư hại trong chiến tranh chống Pháp, bỏ không mấy chục năm, là nơi tập trung tệ nạn xã hội.

Có ý kiến đề xuất làm một nhà tàng trữ cổ thư. Với mục đích này, tòa nhà đương nhiên phải là một công trình hiện đại, Hà Nội sẽ tổ chức thi thiết kế. Cũng có ý kiến đề xuất khôi phục đền thờ cha mẹ Khổng Tử.

Chúng tôi đề xuất không làm nhà lưu trữ, không khôi phục nhà Khải Thánh, mà xây dựng ở đây sân thứ năm cho Văn Miếu làm nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, đồng thời xây đền thờ các danh nho Việt Nam, ăn nhập với kiến trúc tổng thể của Văn Miếu nhưng không nhại cổ.

Hai chức năng này sẽ không đối kháng với chức năng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đề xuất nhận ủng hộ mạnh mẽ và chúng tôi đã thực hiện thành công.

Cái duyên của Hà Nội đang rất mong manh

* Nhiều dự án trùng tu khác của ông cũng đầy thách thức?

- Với dự án trùng tu đình Tây Đằng năm 1979 - 1980, đó là lần đầu tiên Việt Nam có một công trình được tu bổ theo bài bản khoa học, để trả lời câu hỏi khó: làm thế nào với một di tích kiến trúc gỗ có niên đại xa xưa để nó khỏe hơn mà không mất đi vẻ cổ kính. Chúng tôi đã làm được.

Dự án tu bổ nâng cấp Nhà hát lớn Hà Nội, tôi phụ trách đồng thời làm công việc của một chuyên gia bảo tồn.

Đây cũng lại là lần đầu tiên Việt Nam tu bổ một công trình kiến trúc kiểu Pháp. Chúng tôi cố gắng đảm bảo tối đa tính nguyên gốc; đưa vào hàng trăm tấn thiết bị âm thanh, ánh sáng, hệ thống điều hòa mà vẫn giữ nội thất cổ.

Tổng thổng Pháp Jacques Chirac khi tham gia hội nghị nguyên thủ quốc gia cộng đồng các nước nói tiếng Pháp tháng 10-1997, tổ chức ở Nhà hát lớn Hà Nội, đã dành nhiều lời khen ngợi cho công tác trùng tu này. Nó trở thành dự án tu bổ công trình kiến trúc kiểu Pháp mẫu mực ở Việt Nam.

Đầu năm 1980, kinh thành Huế lúc đó rất tan hoang, chúng tôi cũng là những người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu, đo vẽ, khảo sát, đánh giá trùng tu bước đầu theo khoa học một số di tích ở đây.

Từ năm 1982, chúng tôi cũng là những người đầu tiên nghiên cứu Hội An như một di sản đô thị độc hiếm ở Việt Nam. Sau này mới có thêm những nhóm khác vào trùng tu, cải tạo di sản đô thị này.

Với tháp Chàm, chúng tôi cũng làm từ những năm 1980 khi nó vừa được cứu khỏi biến mất nhưng vô cùng đổ nát. Lúc đó, Quảng Nam - Đà Nẵng định biến thung lũng Mỹ Sơn thành một hồ chứa nước để tưới cho 400ha ruộng của huyện Duy Xuyên.

Nhưng bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin là Hoàng Minh Giám rồi đến Nguyễn Văn Hiếu đều phản đối mới giữ được tháp Chàm Mỹ Sơn.

* Máu hướng đạo sinh của cha ông, nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy, thủ lĩnh Hội hướng đạo Việt Nam, có phải đã ảnh hưởng nhiều đến ông trong vai trò một "hiệp sĩ" bảo tồn di tích?

- Tôi nghĩ cái máu hướng đạo sinh ấy đã ảnh hưởng tới tôi rất lớn từ cách sống cho đến cách làm việc. Đó là lúc nào tôi cũng làm việc với tinh thần tìm kiếm, khám phá và kiến định với lối đi riêng.

* Quan sát việc bảo tồn di tích hiện nay, ông đã thấy yên tâm chưa, hay còn nhiều trăn trở?

- Công cuộc bảo tồn di sản văn hóa, đặc biệt là văn hóa vật thể, tương đối ổn. Ví dụ Hà Nội đang làm được nhiều việc tốt để bảo tồn di sản văn hóa. Nhưng mối lo lớn nhất hiện nay là làm sao giữ được Hà Nội như một thành phố đặc sắc.

Hà Nội không đặc sắc ở những công trình kiến trúc đồ sộ, nhiều quảng trường, cung điện, đền đài... mà là cái DUYÊN. Mà cái duyên đẹp xinh này của Hà Nội lại rất mỏng manh, đang bị thách đố nặng nề vì quá trình phát triển quá nhanh, quá rộng.

Nguy cơ Hà Nội trở thành thành phố rất hiện đại nhưng mất đi sự đặc sắc là hiện hữu!

GS Hoàng Đạo Kính và những chuyện gay cấn trùng tu  第3张

GS Hoàng Đạo Kính - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính sinh năm 1941 tại Hà Nội. Ông học trung học, đại học và bảo vệ luận án tiến sĩ tại Liên Xô cũ.

Từ 1971 - 2001, ông là chuyên gia phụ trách công tác bảo tồn di tích ở Bộ Văn hóa - Thông tin, là cục trưởng Cục Bảo tồn bảo tàng, viện trưởng Viện Bảo tồn di tích.

Sau khi nghỉ hưu, ông làm phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Ở đây, ông tập hợp được nhiều kiến trúc sư trẻ có tiếng nói tích cực trong bảo vệ di sản.

Ông tham gia đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở Viện Khảo cổ học, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM.

Ông đã xuất bản nhiều sách về văn hóa, kiến trúc, bảo tồn di sản và mở nhiều triển lãm tranh.