Nhiều khán giả có mặt tại quảng trường Ba Đình đã cùng nhau hát và vỗ tay với những ca khúc về Bác Hồ trong chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt với chủ đề "Lời Người để lại".
Tham dự chương trình có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc; Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Phó thủ tướng Lê Thành Long; Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn… - Ảnh: BTC
Chương trình Lời Người để lại do Ban Tuyên giáo Trung ương và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức, diễn ra tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội tối 30-8. Đồng thời truyền hình trực tiếp trên VTV1 và VTV4.
Chương trình kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 55 năm ngày mất của Người (2-9-1969 - 2-9-2024).
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm - Ảnh: BTC
Lời Người để lại và Bản di chúc lịch sử
Chương trình là hành trình cảm xúc, đưa khán giả về lại dấu mốc năm 1965, khi Bác Hồ bắt đầu những dòng di chúc đầu tiên - cái mà Người gọi là "tài liệu tuyệt đối bí mật".
Trong khoảng thời gian 4 năm, từ 10-5-1965 đến 19-5-1969, Bác đã dành 28 buổi, phần lớn mỗi buổi hai giờ rưỡi để viết Di chúc.
TIN LIÊN QUANDi chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là di sản quý giá của người dân Việt Nam
Triển lãm sách kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
55 năm ngày Bác Hồ đi xa, nhà sàn đúng giờ vẫn có tiếng đài và đèn bật sáng
Xem chương trình, khán giả xúc động gặp lại những thước phim, những hình ảnh tư liệu giản dị về Bác.
Cảnh Bác ngồi viết ở ghế mây hoặc đánh máy ở bàn gỗ, cảnh giá sách và chiếc hộp Người đựng tài liệu "Tuyệt đối bí mật",…
Có cả chiếc máy chữ Hermet, Bác tự tay viết hoặc đánh văn bản Di chúc (bản năm 1965), những chiếc bút với nhiều màu mực khác nhau Bác đã dùng, phong bì Bác đựng tài liệu "Tuyệt đối bí mật"...
Trong tâm trạng thoải mái, Người chuẩn bị cho sự ra đi của mình. Đó là tâm trạng "Bình sinh đi vào cõi trường sinh".
Chương trình cũng kể lại thời khắc 9h47 ngày 2-9-1969, Bác ra đi sau một cơn đau tim. Đó trở thành "phút ngưng của lịch sử".
Phúc Tiệp (trái) và Phạm Thu Hà song ca - Ảnh: BTC
Loạt bài hát về Người vang lên
Chương trình Lời Người để lại gồm hai chương: Mấy lời để lại và Mãi mãi Hồ Chí Minh.
Bên cạnh những đoạn băng tư liệu, phỏng vấn về bản Di chúc, còn có cả những tiết mục nghệ thuật kết nối mạch kể.
Loạt ca khúc về Bác trở lại, khiến khán giả sống dậy những thời khắc đã đi vào lịch sử. Nhiều khán giả có mặt tại quảng trường Ba Đình đã cùng nhau hát và vỗ tay những ca khúc về Người.
Trong đó có Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng (Phong Nhã) và Ca ngợi Hồ Chủ tịch (Văn Cao) do Phạm Thu Hà và Phúc Tiệp thể hiện.
Nhiều ngọn nến được thắp lên trong chương trình - Ảnh: BTC
Chương trình diễn ra ngay tại quảng trường Ba Đình lịch sử
Bảo Trâm và nhóm Oplus hát Lời Bác dặn trước lúc đi xa của nhạc sĩ Trần Hoàn một cách hiện đại, mới mẻ mà vẫn cảm xúc. Lan Anh hát Lời ca dâng Bác của Trọng Loan, còn Nguyễn Ngọc Anh hát Khát vọng của Phạm Minh Tuấn.
Đông Hùng thể hiện Đất nước trọn niềm vui của Hoàng Hà và Như có Bác trong ngày vui đại thắng của Phạm Tuyên. Nhất là khi ca khúc Như có Bác trong ngày vui đại thắng, nhiều khán giả đứng lên vỗ tay và hòa nhịp, trong đó có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Tùng Dương hát Đường chúng ta đi (nhạc Huy Du, thơ Xuân Sách). Còn có mashup Quyền được sống trong hòa bình và Bài ca Hồ Chí Minh được thể hiện qua giọng hát của Tạ Quang Thắng cùng ca sĩ người nước ngoài.
Xem thêm hình ảnh:
Chương trình kết hợp phỏng vấn, phim tư liệu với âm nhạc - Ảnh: BTC
Có cả nghệ sĩ nước ngoài - Ảnh: BTC
Tạ Quang Thắng hát mashup Quyền được sống trong hòa bình và Bài ca Hồ Chí Minh - Ảnh: BTC
Đăng thảo luận