Mức lãi suất phát hành trung bình trái phiếu của các công ty bất động sản giảm từ mức 12% về hơn 10%. Trái lại, lãi suất huy động trái phiếu của các ngân hàng lại có xu hướng tăng lên.
Lãi suất huy động qua kênh trái phiếu của các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng lên - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhu cầu vốn lớn, ngân hàng tăng lãi suất trái phiếu
Báo cáo về trái phiếu do Chứng khoán VPBanks vừa công bố đã chỉ ra mức lãi suất phát hành trung bình trái phiếu từ các công ty bất động sản ghi nhận suy giảm từ mức rất cao trong tháng 4-2024 (đạt 12%) về còn 10,95% trong tháng 6 năm nay.
Đến tháng 7-2024, thị trường ghi nhận lô trái phiếu có mức lãi suất 0% của CTCP Phát triển khu công nghệ thông tin Đà Nẵng với tổng giá trị 500 tỉ đồng, kỳ hạn 30 tháng. Các lô còn lại vẫn dao động từ 9,8% đến 12%.
Như vậy theo ước tính của VPBanks, mức trung bình sẽ vẫn chỉ dao động ở mức 10% trong tháng 7. Sang tháng 8, các lô trái phiếu vẫn dao động ở mức lãi suất tương tự tháng trước.
Ngược lại với xu hướng giảm lãi của các công ty bất động sản, VPBanks ghi nhận sự tăng nhẹ ở các tổ chức tín dụng, từ mức trung bình 5,7% lên 6%. Ngoài ra, trái phiếu kinh doanh chứng khoán và thương mại dịch vụ đồng thời cũng ghi nhận mức gia tăng.
Lý giải về điều này, ông Dương Thiện Chí - chuyên gia phân tích Chứng khoán VPBank - cho rằng lãi suất phát hành trái phiếu của ngành bất động sản biến động theo xu hướng giảm với kỳ vọng khó khăn trái phiếu nói chung và ngành bất động sản nói riêng sẽ được tháo gỡ.
"Mặt khác, lãi suất phát hành của các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục có xu hướng tăng nhẹ trong giai đoạn sắp tới, bởi nhu cầu vốn trung và dài hạn khi tín dụng phục hồi", ông Chí nhận định.
Thống kê cũng chỉ ra lượng trái phiếu phát hành đã phục hồi vào tháng 8 vừa qua và vẫn đạt mức cao vượt trội so với 5 tháng đầu năm. Song hầu hết là trái phiếu của các tổ chức tín dụng.
Ngân hàng áp đảo trong cuộc đua phát hành trái phiếu
Dựa trên số liệu từ báo cáo tài chính, tính đến hết quý 2, số dư tiền gửi của phần lớn ngân hàng tăng thấp hơn cùng kỳ trong bối cảnh lãi suất huy động duy trì mức rất thấp.
Một số ngân hàng còn có lượng tiền gửi giảm so với đầu năm như Vietcombank (-1,8%); PVcomBank (-1,44%), VietABank (-0,34%), TPBank (-2,5%), ABBank (-14,52%)…
Giới phân tích nhìn nhận huy động tăng thấp một phần do người dân có xu hướng rút tiền chuyển sang các kênh đầu tư khác.
Từ đầu năm đến nay, thị trường đầu tư chứng kiến mức tăng giá đáng kể từ vàng, bất động sản hay chứng khoán… Trong khi đó, lãi suất huy động bình quân 4,8 - 5%/năm cao hơn tốc độ lạm phát không đáng kể.
Dữ liệu: BCTC
Theo dữ liệu của VISRating, trong tháng 8-2024 lượng phát hành trái phiếu mới tăng lên 57.700 tỉ đồng, từ mức 46.800 tỉ đồng trong tháng 7 liền trước.
Trong đó các ngân hàng thương mại đã phát hành tổng cộng 51.300 tỉ đồng, tiếp tục chiếm phần lớn trong các đợt phát hành mới.
Báo cáo của VPBanks cũng chỉ ra các tổ chức tín dụng tiếp tục duy trì xu hướng mua lại trái phiếu trước hạn, nhưng đang có dấu hiệu suy giảm.
Trong tháng 8 qua, các tổ chức tín dụng đã mua lại lượng trái phiếu trước hạn với giá trị 9.000 tỉ đồng, giảm 69% so với tháng trước với mức lãi suất coupon từ 3,8%-8,1% (kỳ hạn 2 - 10 năm).
Không chỉ trên thị trường sơ cấp, trong tháng 8-2024 trái phiếu do nhóm ngân hàng và bất động sản phát hành chiếm hơn 90% khối lượng giao dịch trên thị trường thứ cấp, với kỳ hạn giao dịch chủ yếu trong khoảng 1 đến 3 năm.
Đăng thảo luận