Với tinh thần vì dân phục vụ, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức luôn đề cao và thực hành văn hoá phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Lấy người dân là trung tâm, Quảng Ninh xây dựng văn hoá làm việc vì phục vụ  第1张 Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, vấn đề đạo đức văn hóa công vụ, văn minh công sở luôn được tỉnh đề cao.

Xây dựng nền văn hoá thực thi công vụ

Gần như ngày nào bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND phường Hồng Hà (Bộ phận một cửa), TP Hạ Long cũng kín chỗ ngồi bởi người dân đến làm thủ tục khá đông. Vì thế, ngày nào, cán bộ, công chức phụ trách ở bộ phận một cửa của phường cũng đều phải luôn tay xử lý công việc. Dù công việc bận rộn nhưng ai ai cũng luôn có thái độ niềm nở, thân tình với người dân đến làm thủ tục.

Để có sự thay đổi lớn này, thời gian qua, phường Hồng Hà đã từng bước thay đổi phong cách làm việc mới. Thực hiện hành động xây dựng văn hoá làm việc vì dân, phường đã triển khai phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” và thực hiện tốt phương châm “4 xin, 4 luôn”: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ. 

Chị Quỳnh Chi ở phường Hồng Hà cho hay, gia đình chị sinh sống và làm việc ở Hà Nội, tuy nhiên, mỗi khi có việc cần về phường làm các thủ tục giấy tờ hành chính, chị đều được cán bộ ở đây hướng dẫn tận tình và tỉ mỉ.

“Tháng trước tôi vừa về phường xin giấy xác nhận người phụ thuộc để nộp cho cơ quan thuế. Sau khi nộp hết giấy tờ cần làm, rất nhanh, chỉ chưa đầy 5 phút, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của phường đã hoàn tất thủ tục cho tôi. Điều tôi ấn tượng nhất đó là sự ứng xử của các cán bộ ở đây, ai cũng rất niềm nở khi tiếp xúc với người dân. Nếu ai không hiểu các thủ tục và giấy tờ đều được các anh chị ở đây hướng dẫn chi tiết”, chị Quỳnh Chi chia sẻ  

Không chỉ mỗi phường Hồng Hà, thời gian qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) ở tỉnh Quảng Ninh đã được chú trọng triển khai thực hiện đồng bộ giải pháp nhằm xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, nhất là đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến, từng bước chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ, thân thiện, trong đó, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Qua đó, góp phần tạo môi trường thuận lợi, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp khi đến giao dịch hành chính.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh là nơi đại diện hình ảnh của tỉnh, hằng ngày giao tiếp gặp gỡ với các tổ chức và công dân, nên vấn đề đạo đức văn hóa công vụ, văn minh công sở luôn được đề cao.

Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nguyễn Hải Vân, cho biết, tại Quảng Ninh, tại trung tâm hành chính công các cấp đều bố trí hòm thư góp ý, công khai số điện thoại đường dây nóng, hộp thư điện tử, tăng cường tiếp xúc trực tiếp, phỏng vấn và xây dựng trang mạng xã hội, các kênh đánh giá, phiếu khảo sát để tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, doanh nghiệp, người dân. 

Với các phong trào như: Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở; 4 xin, 4 luôn;  3C; 5S... được quán triệt thực hiện thường xuyên. Ngoài ra, tại trung tâm hành chính công các cấp đều tiến hành chấm điểm hằng tuần đối với việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, tiến độ giải quyết TTHC và sự hài lòng của người dân đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy chế.

Bảo tàng Quảng Ninh là đơn vị thường xuyên phải đón lượng khách đến tham quan rất đông, cả trong nước và nước ngoài, chính vì vậy, việc xây dựng văn hoá ứng xử văn minh, thân thiện là một trong những hoạt động quan trọng không chỉ giúp Bảo tàng nâng tầm, tạo lập thương hiệu, vị thế mà còn góp phần quảng bá, giới thiệu văn hoá, con người Quảng Ninh đến đông đảo du khách trong và ngoài nước. 

Thực hiện phương châm “4 xin, 4 luôn”, cán bộ, viên chức và người lao động tại Bảo tàng Quảng Ninh khi làm nhiệm vụ đều tuân thủ các quy định về chuẩn mực giao tiếp, quy tắc ứng xử trong thực thi công vụ, đặc biệt là trong ứng xử, giao tiếp với khách đến tham quan, làm việc. Chính vì vậy, sau khi kết thúc tham quan, khách du lịch đều ấn tượng về một bảo tàng không chỉ có cảnh sắc đẹp, hiện vật đa dạng mà còn rất ấn tượng với những con người của Bảo tàng, luôn tươi vui, nhiệt tình, thân thiện và mến khách.

Nhằm lan toả những giá trị tốt đẹp tới công chúng, Bảo tàng cũng đã chú trọng xây dựng văn hoá ứng xử trên môi trường mạng xã hội, từ đó tạo ra văn hoá con người Quảng Ninh, góp phần trển khai thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU của Tỉnh uỷ về “Xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn nội sinh, động lực quan trọng cho sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh”.

Lấy người dân là trung tâm, Quảng Ninh xây dựng văn hoá làm việc vì phục vụ  第2张 Ngoài cảnh sắc đẹp, hiện vật đa dạng, khách du lịch mỗi lần đến tham quan Bảo tàng Quảng Ninh đều ấn tượng với những con người luôn tươi vui, nhiệt tình, thân thiện và mến khách.

Vì sự phát triển nhanh và bền vững

Theo tỉnh Quảng Ninh, trong suốt quá trình thực hiện CCHC, dù hiện đại hóa, số hóa đến đâu, thì cuối cùng yếu tố con người vẫn là mấu chốt. Vì vậy, việc chuẩn hóa và không ngừng kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng như siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ ngay từ cấp cơ sở để xây dựng một nền hành chính phục vụ, vì dân.

Để thực hiện quyết tâm này, tỉnh đã tổ chức phát động các phong trào: Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở; 4 xin, 4 luôn… từ đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời biểu dương và nhân rộng những mô hình hay, cách làm mới sáng tạo, các điển hình tiên tiến.

Từ năm 2015 đến nay, việc xây dựng văn hóa công sở liên tục được tỉnh chỉ đạo tăng cường triển khai thông qua những thông báo, kết luận, chỉ thị, nghị quyết chuyên đề. Tỉnh ban hành Bộ quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long”, Đề án văn hóa công vụ năm 2019, Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; đặc biệt nội dung thực thi văn hóa công sở được đưa vào chủ đề công tác năm của tỉnh, xuyên suốt từ năm 2015 đến nay. Trong đó, năm 2024 với chủ đề “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hoá, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”.

Từ năm 2017, các sở, ngành, địa phương đã rà soát, sửa đổi quy chế làm việc, bổ sung vào quy chế các quy định về thái độ, trách nhiệm, văn hóa, giao tiếp ứng xử nơi công sở; công khai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh những trường hợp vi phạm quy định về đạo đức công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính;... Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chỉ đạo tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ và văn hóa công sở. 

Tỉnh Quảng Ninh cho biết, toàn tỉnh hiện có 945 cơ quan, đơn vị đã rà soát, bổ sung, xây dựng chuẩn mực đạo đức. Trong đó có 912 cơ quan, đơn vị đánh giá việc thực hiện chuẩn mực đạo đức đã đề ra, tiêu biểu như các ngành: Tuyên giáo, y tế, giáo dục, các đơn vị LLVT và một số cơ quan khối đảng, chính quyền….

Với những cách làm đồng bộ, hiệu quả, đến nay, tinh thần vì dân phục vụ đã trở thành nét đẹp văn hóa luôn hiện hữu trong mỗi cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh nhằm củng cố thêm niềm tin yêu của người dân; tạo dựng nên những giá trị văn hóa công vụ, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, góp phần đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Năm 2023, lần thứ 7 liên tiếp (2017-2023) Quảng Ninh đứng ở vị trí quán quân PCI và là năm thứ 11 (từ năm 2013 - 2023), Quảng Ninh trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước. 

Để có được kết quả trên, bên cạnh sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công là tỉnh đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức luôn đề cao và thực hành văn hoá phục vụ người dân, doanh nghiệp.