Lợi ích tuyệt vời của nước dừa trong phòng tránh bệnh sỏi thận

(Dân trí) - Uống đủ nước rất quan trọng để ngăn ngừa sỏi thận. Mặc dù nước thường là một lựa chọn tốt nhưng một nghiên cứu cho thấy nước dừa thậm chí còn tốt hơn.

Theo Healthline, sỏi thận hình thành khi canxi, oxalate và các hợp chất khác kết hợp tạo thành tinh thể trong nước tiểu. Những tinh thể này có thể phát triển thành những viên đá nhỏ, ảnh hưởng đến khoảng 12% dân số toàn cầu. Một số người dễ mắc bệnh hơn những người khác.

Trong một nghiên cứu năm 2013 trên chuột bị sỏi thận, nước dừa đã ngăn chặn các tinh thể dính vào thận và các bộ phận khác của đường tiết niệu, đồng thời giảm số lượng tinh thể hình thành trong nước tiểu.

Trong một nghiên cứu khác vào năm 2018 với 8 người tham gia, các nhà khoa học phát hiện rằng nước dừa tăng khả năng bài tiết kali, clorua và citrate ở những người không bị sỏi thận, cho thấy nước dừa có thể giúp thải độc cơ thể và giảm nguy cơ mắc sỏi.

Nước dừa mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe khi tiêu thụ vừa phải (Ảnh: Shutterstock).

Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn để khẳng định lợi ích của nước dừa trong việc giảm nguy cơ sỏi thận do các nghiên cứu hiện tại có quy mô nhỏ và chủ yếu thực hiện trên động vật.

Theo NDTV, sỏi thận là những chất cặn cứng hình thành trong thận, gây ra đau đớn và có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của đường tiết niệu. Các triệu chứng bao gồm đau dữ dội ở lưng dưới, bụng hoặc bên sườn, buồn nôn, nôn, sốt, tiểu ra máu và tiểu thường xuyên.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển sỏi thận gồm mất nước, béo phì, chế độ ăn, một số chất bổ sung và thuốc, huyết áp cao, tiểu đường và bệnh viêm ruột.

Sỏi thận có tính chất tái phát cao, do đó, việc tuân theo các biện pháp phòng ngừa sau điều trị là rất quan trọng. Uống đủ nước và các chất lỏng khác là một trong những cách hiệu quả để ngăn ngừa sự hình thành sỏi thận.

Nhà dinh dưỡng học Nmami Agarwal đề xuất uống nước dừa để phòng ngừa sỏi thận. Nước dừa là nguồn cung cấp chất điện giải tuyệt vời như kali, magie và natri, giúp điều chỉnh chất lỏng trong cơ thể và hỗ trợ hoạt động của thận.

Nước dừa cũng giàu chất chống oxy hóa, ngăn chặn sự liên kết của protein và chống lại các gốc tự do, kiểm soát nguy cơ phát triển bệnh mãn tính. Ngoài ra, nước dừa hoạt động như thuốc lợi tiểu tự nhiên, giúp loại bỏ độc tố và làm loãng nước tiểu, ngăn ngừa sự hình thành tinh thể khoáng.

Mặc dù nước dừa có thể giúp giảm nguy cơ sỏi thận, nhưng nó không thể chữa khỏi hoàn toàn. Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ để chẩn đoán và điều trị thích hợp.

Điều cần biết khi uống nước dừa để tốt cho cơ thể

Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam, cho biết, theo y học cổ truyền, nước dừa có vị ngọt mát, tính bình; vào tỳ, thận và vị; có tác dụng giải nhiệt, tiêu khát, lợi niệu, giải độc, chỉ huyết. Nước dừa trị say nắng, say nóng, sốt khát nước, nôn mất nước, phù nề, tiểu ít, mụn nhọt lở ngứa, viêm da, chàm chốc, suy nhược...

"Tuy nước dừa là loại đồ uống bổ dưỡng, cung cấp khoáng chất, các chất điện giải và tăng cường miễn dịch nhưng cũng không nên uống quá nhiều. Một người có thể uống khoảng 300-500ml mỗi ngày (1-2 quả)", TS Giang nói.

Ông cảnh báo rằng uống nhiều nước dừa có thể gây đầy bụng hoặc khó chịu ở một số người. Lạm dụng nước dừa có thể làm tăng nồng độ kali trong máu, dẫn đến các vấn đề về thận và tim mạch. Hầu hết các bác sĩ tiết niệu khuyên nên uống nước dừa xen kẽ mỗi ngày.

Bên cạnh đó, không nên uống nước dừa đã để bên ngoài quá 20 phút do tốc độ sản sinh vi khuẩn nhanh. Vì thế, dù nước dừa có tốt đến đâu cũng chỉ nên uống ở mức vừa phải và kết hợp cùng các loại nước khác như nước khoáng, nước ép...