Ngày đầu xác thực sinh trắc học: Khách than gặp trục trặc

(Dân trí) - Bên cạnh các khách hàng thuận lợi trong việc xác thực sinh trắc học và giao dịch trơn tru, không ít người gặp vấn đề như nghẽn mạng, không thể quét NFC, nhận cuộc gọi mạo danh ngân hàng…

Người nghẽn mạng, người thuận lợi xác thực sinh trắc học

Ngày 1/7 cũng là ngày đầu tiên áp dụng quy định xác thực sinh trắc học (vân tay, nhận diện khuôn mặt) để chuyển tiền trực tuyến từ 10 triệu đồng trở lên, nhiều người cho biết phải ra tận quầy giao dịch của ngân hàng sau khi không thể cập nhật trên ứng dụng (app) ngân hàng.

Nguyễn Ngọc Hiền, nhân viên văn phòng (quận Bình Chánh, TPHCM), nói 3 ngày qua liên tục vào ứng dụng ngân hàng để thao tác làm xác thực sinh trắc nhưng không thành công. Do đó, chị quyết định sẽ đến ngân hàng vào ngày 1/7 để nhờ nhân viên ngân hàng hỗ trợ.

"Tôi đã thao tác nhiều lần, có lần làm NFC (Near- Field Communications - kết nối không dây trong phạm vi ngắn) báo thành công nhưng đến đoạn chụp ảnh căn cước công dân (CCCD) mặt sau thì ứng dụng bị treo. Ban đầu, tôi tưởng do kết nối mạng chập chờn nhưng đã thử kết nối 4G cũng không thành công", chị Hiền nói.

Tại quầy giao dịch của một ngân hàng quốc doanh chiều 1/7, anh Minh Quang (quận Nhà Bè, TPHCM) bức xúc vì ứng dụng của ngân hàng liên tục lỗi khi xác thực sinh trắc. Anh buộc phải xin nghỉ phép để ra ngân hàng nhờ nhân viên hỗ trợ. Sau đó việc cập nhật chỉ mất 5 phút là hoàn thành.

Phạm Ngọc Giang, nhân viên văn phòng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng xin đi làm muộn sáng 1/7 để ra ngân hàng cập nhật sinh trắc học. Giang nói những ngày qua đã thử đăng ký nhiều lần trên app ngân hàng nhưng chưa thành công. Cô tự thao tác, sau khi hoàn thành bước chụp ảnh CCCD, iPhone 15 Plus của cô liên tục báo lỗi dù đã thay đổi vị trí quét NFC.

"Tôi gọi lên ngân hàng và được hướng dẫn chi tiết nhưng vẫn không thành công. Tổng đài viên xác nhận nhiều người cũng gặp trường hợp tương tự và gợi ý tôi đến quầy giao dịch để được hướng dẫn chi tiết hơn", Giang kể.

Ngày đầu xác thực sinh trắc học: Khách than gặp trục trặc  第1张

Hàng loạt khách hàng gặp trục trặc trong ngày đầu áp dụng xác thực sinh trắc học (Ảnh: Mỹ Anh).

Trong khi đó, một số khách hàng khác cũng đang "nước rút" xác thực sinh trắc học song app ngân hàng quá tải, không cho cập nhật. Trên các diễn đàn ngân hàng, không ít người thông tin quét được khuôn mặt thì hệ thống báo lỗi.

Chiều ngược lại, chị Mai Thị Trúc Vi (quận Bình Thạnh, TPHCM) lại cho biết thao tác xác thực sinh trắc học tại 2 ngân hàng chị đang dùng lại tương đối dễ, mỗi lần thao tác chỉ mất 5 phút, không gặp lỗi hay bị treo ứng dụng.

Thu Phương (quận Long Biên, Hà Nội) cũng có trải nghiệm hoàn toàn bình thường khi chuyển số tiền lớn hơn 10 triệu đồng. "Chỉ cần thao tác thêm bước quét khuôn mặt chưa đến một phút so với trước đây, tôi đã hoàn thành giao dịch", Phương kể và cho rằng quy định mới này khiến cô yên tâm hơn khi giao dịch.

Mạo danh nhân viên ngân hàng dụ người dùng xác thực sinh trắc học

Một số khác hàng cho biết những ngày gần đây còn nhận được cuộc gọi tự dưng là nhân viên ngân hàng yêu cầu xác thực sinh trắc học.

Lê Hồng Nhung, nhân viên truyền thông (quận Đống Đa, Hà Nội) 2 ngày nay liên tục nhận được cuộc gọi từ đầu số lạ, dò hỏi đã xác thực sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng chưa và yêu cầu xác thực sớm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đầu số lạ liên tục nói cần phải hoàn thiện trước 1/7 nếu không sẽ bị khóa tài khoản, không thể giao dịch.

Người lạ yêu cầu kết bạn Zalo, chụp ảnh CCCD kèm các thông tin cá nhân để hỗ trợ xác thực từ xa. Tuy nhiên, Nhung không tin tưởng nên tắt máy và tự ra ngân hàng xác thực sinh trắc học.

Thực tế, khảo sát của phóng viên Dân trí cho thấy các ngân hàng không liên hệ trực tiếp qua số điện thoại với người dân để thu thập thông tin sinh trắc học mà hầu hết đều gửi thông báo qua app mỗi khách hàng. Chưa kể, khâu xác thực bằng khuôn mặt chỉ chính chủ mới thực hiện được, nên các ngân hàng không hỗ trợ từ xa mà khuyến cáo người dân đến quầy giao dịch để được hỗ trợ trực tiếp.

Ngày đầu xác thực sinh trắc học: Khách than gặp trục trặc  第2张

Có trường hợp kẻ gian gọi điện, tự xưng là nhân viên ngân hàng, yêu cầu người dân gửi thông tin cá nhân để hỗ trợ xác thực sinh trắc học (Ảnh: IT).

Trước vấn đề này, đại diện Agribank cho biết các hình thức lừa đảo phổ biến hiện tại là kẻ xấu liên hệ khách hàng bằng các hình thức như gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua các mạng xã hội (Zalo, Facebook…) để hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học.

Một số người khác yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt khách hàng để được hỗ trợ. Đối tượng có thể yêu cầu cuộc gọi video để thu thập thêm giọng nói, cử chỉ.

Ngoài ra, còn có trường hợp đề nghị người dân truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại.

Sau khi lấy được thông tin của nạn nhân, các đối tượng tiến hành chiếm đoạt tiền trong các tài khoản ngân hàng và sử dụng thông tin của khách hàng vào các mục đích xấu.

Đại diện Agribank khuyến nghị khách hàng tuyệt đối không cung cấp OTP, mật khẩu ngân hàng số... cho bất kỳ ai kể cả nhân viên ngân hàng. Khách hàng cũng tuyệt đối cảnh giác và không truy cập các đường link lạ qua chat, SMS hoặc email gửi đến điện thoại để tránh nguy cơ bị lừa đảo, đánh cắp thông tin.

Đầu tháng 7 sẽ là thời kỳ cao điểm và có thể phát sinh lỗi

Ông Trần Thái Bình, Giám đốc Khối Ngân hàng số Sacombank, cho biết từ ngày 1/7, khi chuyển tiền trên 10 triệu đồng một lần hoặc trên 20 triệu đồng trong một ngày, người dân bắt buộc phải xác thực bằng sinh trắc học.

Theo ông Bình, việc xác thực sinh trắc học sẽ giúp người dân chủ động bảo vệ được tài khoản ngân hàng của mình, đồng thời đảm bảo các giao dịch diễn ra liền mạch và thông suốt. Hơn nữa, biện pháp xác thực này sẽ giảm thiểu tối đa các tình huống lừa đảo, đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tài sản do tội phạm công nghệ gây ra.

Xác thực sinh trắc học trên ứng dụng tài chính tạo thêm một lớp bảo vệ vững chắc cho tài khoản ngân hàng của khách hàng. Điều này có nghĩa là chỉ sinh trắc học đã được xác thực mới có thể thực hiện giao dịch chuyển tiền giá trị lớn, đảm bảo an toàn tài chính tối đa cho khách hàng.

Đại diện SHB cho biết đơn vị này đã triển khai thu thập sinh trắc học và xác thực dữ liệu CCCD gắn chip với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) từ vài tuần trước khi Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước.

Do thời gian chuẩn bị gấp, phạm vi giao dịch ảnh hưởng theo Quyết định 2345 rất rộng, nên thời gian đầu tháng 7 sẽ là thời kỳ cao điểm và có thể phát sinh lỗi, cần có sự thông cảm và nhìn nhận khách quan từ cơ quan quản lý Nhà nước đến khách hàng.

"Sau ngày 1/7, với các dữ liệu sinh trắc học đã được kiểm chứng, chúng tôi sẽ cung cấp thêm các sản phẩm và dịch vụ sử dụng dữ liệu sinh trắc học, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng", phía ngân hàng thông tin.