Quảng Nam:

Ngư dân chuyển nghề "múa tay" trong rừng dừa

(Dân trí) - Nhiều ngư dân vốn quen với nghề biển, nay chuyển sang nghề chèo thuyền thúng đưa du khách tham quan rừng dừa Bảy Mẫu ở Hội An (tỉnh Quảng Nam).

Ông Lê Hùng (51 tuổi, ở xã Cẩm Thanh, Hội An) - một người chèo thuyền thúng tại đây- cho biết, trước đây ông đi biển thuê cho chủ tàu. Sau nhiều năm, sức khỏe bắt đầu giảm sút, ông bỏ biển, chuyển nghề chài lưới, đánh cá trên sông.

Được một thời gian, cá sông cũng giảm dần, nhiều ngày kiếm không đủ bữa chợ. Sau khi suy nghĩ, ông quyết định chuyển hướng mưu sinh.

Ngư dân thành thợ chèo thuyền thúng đưa khách tham quan rừng dừa Bảy Mẫu, Hội An (Video: Công Bính).

Ngư dân chuyển nghề "múa tay" trong rừng dừa  第1张

Rừng dừa Bảy Mẫu là điểm đến không thể bỏ qua khi du khách tham quan Hội An (Ảnh: Bình An).

Lúc này, rừng dừa Bảy Mẫu nơi ông sinh sống nổi lên là một điểm đến của du khách trong và ngoài nước. Ông xin vào cơ sở du lịch để chèo thuyền thúng đưa khách tham quan rừng dừa.

Mỗi cuốc chèo thuyền thúng, ông được chủ trả 50.000 đồng, thời gian đưa khách đi tham quan rừng dừa 40-50 phút. Mỗi ngày ông chèo được 4-5 cuốc, thu nhập cơ bản cũng được 200.000-250.000 đồng.

"Tôi vừa chèo thuyền thúng đưa khách đi tham quan, vừa làm hướng dẫn viên. Khách hài lòng có thể được thêm tiền "típ" nữa. Ngày nào may mắn cũng kiếm được 400.000-500.000 đồng. Tính ra một tháng thu nhập cũng được 7-8 triệu đồng. Nói chung cuộc sống cũng ổn định, so với nghề biển thì khỏe hơn", ông Hùng chia sẻ.

Ngư dân chuyển nghề "múa tay" trong rừng dừa  第2张

Mỗi ngày một lao động làm nghề chèo thuyền thúng thu nhập 200.000-300.000 đồng (Ảnh: Công Bính).

Vợ ông Hùng cũng làm nghề chèo thuyền thúng đưa khách tham quan rừng dừa Bảy Mẫu. Ông Hùng cho biết, con trai đầu của ông vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông cũng sắm thuyền thúng để cậu tham gia công việc này.

Ông Phạm Khoa (61 tuổi, người ở xã Cẩm Kim, thành phố Hội An) trước đây cũng làm nghề biển, giờ đi biển khó khăn nên ông xuống xã Cẩm Thanh xin bơi thuyền thúng chở khách tham quan rừng dừa kiếm sống qua ngày.

Với nghề này, ông Khoa cũng đã có thâm niên nhiều năm. Mỗi ngày ông chèo 3-5 chuyến, thu nhập cũng được 150.000-250.000 đồng, chưa kể khách vui thì "típ" thêm.

"Tôi thuộc lớp những người già rồi. Giờ những tay chèo trẻ khỏe cũng đến đây bơi thuyền thúng nhiều lắm. Nghề này cũng không quá vất vả, kiếm được chén cơm nên hút nhiều người tham gia. Riêng rừng dừa Bảy Mẫu đã có trên 1.000 người bơi chứ ít gì", ông Khoa nói.

Ngư dân chuyển nghề "múa tay" trong rừng dừa  第3张

Rừng dừa Bảy Mẫu có hơn 1.300 lao động làm nghề chèo thuyền thúng đưa khách tham quan (Ảnh: Công Bính).

Ông Trần Chiến - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh - cho biết, hiện ở rừng dừa Bảy Mẫu có hơn 1.300 lao động làm nghề chèo thuyền thúng đưa khách tham quan. Mỗi lao động tự sắm thuyền thúng rồi tham gia vào các cơ sở du lịch ở rừng dừa.

Theo ông Chiến, một ngày mỗi lao động chèo thuyền thúng thu nhập trên dưới 300.000 đồng, tùy theo mùa cao hay thấp điểm, chưa kể tiền "típ" của khách. Với mức thu nhập này, người lao động cơ bản trang trải được cuộc sống gia đình.

Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cho biết, đa số lao động làm nghề chèo thuyền thúng ở rừng dừa Bảy Mẫu là ngư dân. Khi nghề đi biển ngày càng khó khăn, họ bỏ biển, chuyển qua nghề chèo thuyền thúng, thu nhập cũng tạm ổn.

Vấn đề nan giải nhất đối với hơn 1.300 lao động tại rừng dừa Bảy Mẫu là chế độ Bảo hiểm xã hội. Đối với Bảo hiểm y tế, các lao động đang tự đóng, lúc ốm đau cũng đỡ chi phí.

Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cũng cho hay, xã đang hoàn thiện đề án thành lập Hợp tác xã chèo thuyền thúng Cẩm Thanh. Khi hợp tác xã được thành lập, những người chèo thuyền thúng là xã viên, sẽ có cơ chế để tham gia vào mạng lưới an sinh xã hội.