Người Hà Nội mất 132 năm để mua nhà, quy định mới khiến việc an cư gian nan hơn?

(Dân trí) - Theo ước tính, người lao động ở Hà Nội phải mất khoảng 169 năm để mua được nhà mặt phố, 132 năm mua nhà riêng và hơn 20 năm để mua chung cư.

Tuy nhiên, quy định mới có thể khiến việc sở hữu nhà của người dân đã gian nan, lại càng gian nan hơn.

Hồi tháng 3/2023, kênh thông tin Batdongsan.com.vn đã công bố thông tin giá rao bán trung bình các loại hình nhà ở Hà Nội đạt 22,8 tỷ đồng/căn với nhà mặt phố; 17,8 tỷ đồng/căn với biệt thự; 6,3 tỷ đồng/căn với nhà riêng và 3,1 tỷ đồng/căn đối với chung cư.

Người Hà Nội mất 132 năm để mua nhà, quy định mới khiến việc an cư gian nan hơn?  第1张

Bất chấp những khó khăn về kinh tế do dịch bệnh, giá nhà ở TPHCM vẫn âm thầm tăng

Ước tính, thu nhập bình quân của người lao động ở Hà Nội năm 2023 là 135 triệu đồng/năm. Như vậy, để sở hữu một căn nhà mặt phố tại Hà Nội, người dân thủ đô cần "cày cuốc" 169 năm, muốn sở hữu nhà riêng thì cần 132 năm, còn mua căn hộ chung cư mất 23 năm (với giả thiết người lao động dùng toàn bộ thu nhập để mua nhà).

Các dữ liệu này cho thấy việc an cư của người dân là vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, Dự thảo Luật Đất đai, điểm b khoản 1 và khoản 6 điều 128 được cho là có thể khiến hành trình an cư của người dân đã gian nan lại càng trở nên gian nan hơn.

Không thông thoáng như Luật hiện tại

Dự thảo Luật Đất đai, điểm b khoản 1 và khoản 6 điều 128 quy định:

Đối với trường hợp sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại thì được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất ở hoặc đất ở và đất phi nông nghiệp không phải đất ở đã nộp tiền sử dụng đất hoặc đã nộp tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê (điểm b khoản 1)

Người sử dụng đất đang có quyền sử dụng đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thì được chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại thì phải đang có quyền sử dụng đất ở hoặc đất ở và đất phi nông nghiệp không phải đất ở đã nộp tiền sử dụng đất hoặc đã nộp tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê (khoản 6).

Dự thảo này được đánh giá là không thông thoáng, thậm chí thu hẹp hơn so với các luật hiện hành, từ đó có thể khiến thị trường bất động sản tắc nghẽn, giảm nguồn cung và giảm khả năng mua nhà của người dân.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định, điểm b khoản 1 và khoản 6 Điều 128 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa thật phù hợp với chủ trương Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/06/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (nêu trên) và không "thông thoáng" như Luật Đất đai 2013 đã quy định tại Điều 73 (quy định "Sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh") hoặc tại điểm b khoản 1 Điều 169.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW - cũng đánh giá quy định mới "thu hẹp lại rất nhiều so với Luật Nhà ở hiện nay". Quy định mới có thể khiến dự án bị "treo", thị trường không có nguồn cung mới. Kết quả là, theo ông Hà, "giá bất động sản tăng cao mà người dân là người lãnh hậu quả cuối cùng".

Ở thời điểm hiện tại, người dân Hà Nội phải mất 169 năm để mua được nhà mặt phố, 132 năm để mua được nhà riêng và hơn 20 năm để mua chung cư.

Nhưng khi Dự thảo Luật Đất đai, điểm b khoản 1 và khoản 6 điều 128 được thông qua, nguồn cung giảm sút và giá cả tăng cao, thời gian để người dân có cơ hội sở hữu nhà riêng có thể tăng lên nhiều năm nữa.

Mong muốn thời gian có thể mua được nhà giảm xuống

Hơn 40 tuổi và có hơn 20 năm sinh sống tại Hà Nội nhưng chưa thể sở hữu bất cứ bất động sản nào, chị Lê Thanh Hà (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn lên kế hoạch "an cư lạc nghiệp cho mình".

Tuy nhiên, khi đọc thông tin về Dự thảo Luật Đất đai, điểm b khoản 1 và khoản 6 điều 128, chị Lê Thanh Hà lo lắng phải dành... hàng trăm năm mới mua được nhà.

"Gia đình tôi đã lên kế hoạch mua nhà từ khá lâu. Vừa tới lúc chúng tôi sắp đủ khả năng thì nguy cơ giá nhà tăng đang hiện hữu, khả năng cao chúng tôi lại lần nữa lỡ kế hoạch.

Tôi thực sự không hiểu quá rõ về Dự thảo Luật Đất đai, điểm b khoản 1 và khoản 6 điều 128. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng bất cứ luật nào làm khó khả năng tiếp cận nhà ở của người dân thì nên sửa đổi", chị Hà lo lắng.

Trước đó, HoREA cũng đã đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 128 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định việc "sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất".

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết HoREA đã đề xuất sửa đổi Luật Đất đai theo hướng doanh nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư; đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại nếu có quyền sử dụng đất hoặc nhận quyền sử dụng đất gồm đất ở, một phần đất khác (có thể là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp được thuê trả tiền một lần hoặc trả tiền hàng năm); thì đều được sử dụng để thực hiện dự án nhà ở thương mại nếu đáp ứng điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (phù hợp các loại quy hoạch...).