Trưa 9/9, chị Trần Thị Dự nhận được tin của mẹ báo nước đã ngập tới mái nhà bà, hai đứa cháu chưa có gì ăn, nhờ chị lên mạng cầu cứu.
Người phụ nữ 32 tuổi liên tục gọi cho các nhóm cứu hộ tự phát trên mạng xã hội, đồng thời kêu cứu trên một nhóm có hơn 300.000 thành viên ở Thái Nguyên. Tuy nhiên, đa số đều báo quá tải, một số khác cho biết chỉ có thể tiếp cận khu vực bên ngoài, không thể vào sâu khu vực mẹ chị đang mắc kẹt.
Nhà mẹ chị Dự ở tổ 10, phường Quang Vinh, cách bờ sông gần một km nên nước lên rất nhanh. "Mẹ tôi bảo nước đã lên gần hai mét rồi. Mọi người đang ở trên tầng tum'', chị cho biết. Hai cháu nhỏ, vợ chồng anh trai và người mẹ 70 tuổi từ hôm qua đến trưa nay không có gì ăn, vừa đói vừa rét.
''Em cầu xin các đội cứu hộ đến cứu gia đình em'', Dự viết trên mạng xã hội.
Đến 14h, điện thoại của mẹ Dự hết pin, không thể liên lạc. Sống cách nhà mẹ 15 km, cô gái như ngồi trên đống lửa khi nước dâng mỗi lúc một nhanh.
Nước lũ dâng ở thành phố Thái Nguyên, hôm 9/9. Ảnh: Hồng Giang
Gia đình chị Nguyễn Ngần, 34 tuổi, và hàng xóm gồm 30 người ở tổ 10, phường Quang Vinh cũng đang kêu cứu trên mạng xã hội. Chị cho biết cả nhóm đang dồn lên tầng ba nhà chị trong khi nước đã dâng mấp mé tầng hai mà chưa có dấu hiệu dừng lại. ''Nước lên rất nhanh. Tưởng nhà ba tầng là an toàn nhưng không phải'', chị Ngần nói.
Mất điện, cả nhóm chỉ còn một chiếc điện thoại có thể liên lạc được. Một số gia đình khác đã liên lạc với các đội cứu trợ nhưng vì nước chảy xiết, thuyền nhỏ không thể vào đón người.
Hương Quỳnh 30 tuổi ở phường Chùa Hang, TP Thái Nguyên, bế con quấy khóc chưa đầy một tháng tuổi, đợi từ sáng đến đêm 9/9 nhưng chưa có đội cứu trợ nào tiếp cận. Chị cùng con nhỏ và bố mẹ U70 lên tầng hai lánh nạn. Họ không có lương thực, không sóng wifi, chỉ biết dùng số pin điện thoại ít ỏi còn lại để cầu cứu trên mạng.
Chị Văn Thùy Dung, sống tại khu đô thị Picenza, phường Đồng Bẩm, TP Thái Nguyên cho biết, nước dâng 30-40 cm từ 11h30 đêm 8/9 nhưng đến 8h sáng 9/9 đã ngập sâu hơn một mét.
Phía ngoài xuất hiện nhiều ca nô của công an, quân đội đi cứu trợ, chị Dung nhiều lần vẫy tay xin trợ giúp. Khi được giải thích các khu vực bên trong nước ngập sâu hơn, có nhiều người già và trẻ em, gia đình cố thủ trên tầng hai với hy vọng nước sẽ rút. Nhưng càng chờ, nước dâng lên càng cao.
Đến 17h ngày 9/9, nước ở tầng một đã dâng đến ngực người lớn, chị Dung biết không thể chờ thêm. Nhìn thấy đội cứu hộ từ xa, người phụ nữ này vẫy khăn kêu cứu. Hai chiến sĩ công an cùng hai người dân mang áo phao lội tới. Con gái 5 tuổi của chị Dung cùng ít đồ đạc được đặt lên một chiếc bè, hai vợ chồng bám vào dây của đội cứu hộ từng bước lần ra ngoài. "Nước lúc đó cao hơn ngực lại chảy xiết nên hai vợ chồng hụt chân liên tục", chị Dung kể.
Không thể tiếp tục di chuyển vì quá nguy hiểm, người phụ nữ này được lên bè cùng con gái và đến nơi an toàn sau 20 phút.
Nhóm tình nguyện của anh Nguyễn Tuyến tham gia cứu trợ người dân vùng ngập lụt, tối 9/9. Ảnh: Tiến Nguyễn
Cùng với gia đình chị Dự, chị Ngần, chị Quỳnh, hàng nghìn người dân khác ở TP Thái Nguyên đang kêu cứu. Quản trị viên một diễn đàn hơn 300.000 thành viên của Thái Nguyên cho biết, trong ngày 9/9, lượng truy cập vào nhóm tăng gấp 10 lần, chủ yếu đề nghị cứu trợ mình hoặc người thân.
Anh Nguyễn Tuyến, 29 tuổi, ở xã Phúc Trìu, TP Thái Nguyên, thành viên nhóm cứu trợ có 8 người, tập hợp được 6 thuyền nhỏ, tổ chức cứu hộ trong đợt lũ này. Trong ngày 9/9, nhóm của anh nhận hàng nghìn cuộc gọi cầu cứu, riêng phường Quang Vinh có vài trăm cuộc kêu cứu nhưng không tiếp cận được. Hết ngày 9/9, nhóm đã đưa hàng trăm người dân ở khu vực Túc Duyên, Bến Oánh, đa phần là người già, trẻ nhỏ khỏi khu vực ngập lụt, đồng thời tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân các khu vực khác đang mắc kẹt.
Tại Thái Nguyên, mực nước sông Cầu lúc 4h ngày 9/9 gần 2,8 m - cao hơn báo động ba 91 cm. Tại phường Trưng Vương, TP Thái Nguyên, đê sông Cầu xảy ra 5 điểm xung yếu cần phải gia cố song do mực nước dâng cao, nhiều đoạn đã tràn vào khu dân cư gây ngập úng. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thái Nguyên cho biết 55 phường, xã ở TP Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên, các huyện Phú Lương, Đồng Hỷ, Định Hóa bị ngập.
Chị Quỳnh cùng con nhỏ và bố mẹ già cố thủ hơn 12 tiếng đợi giải cứu, ngày 8/9. Ảnh: Nhân vật cung cấp
''Chúng tôi nhận hàng trăm cuộc gọi, tin nhắn cầu cứu ở phường Quang Vinh nhưng bất lực vì khu vực này cô lập, ngập nặng, nước lại chảy xiết'', anh Tuyến nói.
Một cán bộ công an tỉnh Thái Nguyên trực tiếp tham gia cứu trợ cũng cho biết chính quyền đã huy động toàn bộ nhân lực địa phương để giúp dân. Tuy nhiên khu vực ngập lụt trên diện rộng, nhân lực mỏng, nước lũ lên nhanh và chảy xiết nên rất khó tiếp cận.
''Chúng tôi phải phân loại các cuộc gọi cầu cứu. Nơi nào nguy cấp hơn, nhiều người già và trẻ nhỏ hơn thì được ưu tiên'', vị này nói.
Anh Tuyến cho biết, lương thực, thực phẩm tiếp tế có rất nhiều nhà hảo tâm sẵn sàng hỗ trợ. Tuy nhiên, cái khó nhất lại là đưa được đến với bà con và đón được họ ra ngoài.
''Chúng tôi cần nhất bây giờ là cano, xuồng máy, đèn pin và sạc dự phòng để tiếp tế cho bà con'', anh nói.
Song Nga - Hải Hiền
Đăng thảo luận