Để hoàn thành bộ sách chữ nổi kịp tiến độ năm học mới, các giáo viên tại Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (quận 10, TP.HCM) đã dành ba tháng hè làm sách chữ nổi cho các em.
Cô Ngọc Trinh hướng dẫn các em cách đọc và hướng đọc trên bộ sách nổi - Ảnh: BẢO TRÂN
Chia sẻ với chúng tôi về bộ sách đặc biệt này, cô Võ Ngọc Trinh - gắn bó với trường bảy năm - tâm sự: "Về công đoạn thiết kế, những hình đơn giản thì dễ, còn một số hình phức tạp mình sẽ tốn nhiều thời gian hơn để suy nghĩ cách truyền tải như thế nào cho các em dễ hiểu nhất".
Với những môn nhiều hình như sinh học, hóa học hay toán học sẽ mất nhiều thời gian hoàn thành hơn, tất cả các hình được cắt hoàn toàn bằng thủ công. Ngoài ra, tránh lãng phí phần giấy trong công đoạn dàn trang, các thầy cô phải tính toán kỹ lưỡng làm sao để phần chữ và phần hình nằm khít trên một trang.
Bên cạnh đó, nếu nhiệt không đủ, phần chữ in lên sẽ không đủ độ nổi hoặc có thể mất chữ. Đối với những trường hợp trên, các thầy cô phải làm lại một trang sách mới hoàn toàn.
TIN LIÊN QUANThế giới diệu kỳ của cô gái khiếm thị An Như
Gieo âm nhạc vào tâm hồn trẻ khiếm thị
Chuyện cô gái mù chữ ủng hộ đồng bào 50 triệu lan tỏa mạng xã hội
Để đảm bảo độ chính xác của các chi tiết trong sách giáo khoa, bản chữ nổi được các thầy giáo khiếm thị rà soát kỹ lưỡng để giúp các em dễ dàng cảm nhận, hình dung chính xác như sách giáo khoa thông thường.
Sau khi hoàn tất công đoạn, phôi mẫu của sách được đem vào máy ép nhiệt, tạo ra bản sao với số lượng lớn.
Ngoài những bộ sách giáo khoa của chương trình mới, tại thư viện trường có những đầu sách và tài liệu bản nổi để phục vụ các em học tập.
Thầy Nguyễn Hoàng Anh (quản lý thư viện) tâm sự thầy bắt đầu công tác tại trường từ những năm 1996, chừng ấy năm thầy đã có một tình cảm sâu sắc dành cho các em tại ngôi trường đặc biệt này.
Những tiết học trên thư viện là thời gian thầy được nhìn thấy các em tập trung, chăm chú đọc sách, đây cũng chính là niềm vui giúp thầy cô tại trường cố gắng mỗi ngày.
Dẫu ba tháng hè miệt mài tại trường lớp làm sách cùng nhau nhưng các thầy cô không thấy cực nhọc. Bởi họ đều biết đây là kênh giúp các em dễ hiểu bài hơn.
Hơn hết, chính các em cũng rất thích thú khi được học với sách chữ nổi. Dù sách có dày, có nhiều thế nào thì các em cũng mang đủ đến trường để được giáo viên hướng dẫn "sờ" sách.
Dù đã có sự hỗ trợ bởi máy móc nhưng ở một số công đoạn, cô Trần Thanh Ngân, giáo viên bộ môn Ngữ văn, vẫn phải làm thủ công - Ảnh: BẢO TRÂN
Không chỉ chuyển đổi sách và tài liệu để lưu hành nội bộ, trường còn hỗ trợ chuyển đổi sách cho các bạn đang học tại trường đại học. Là cựu học sinh của trường, bạn Phạm Trường Gia Hân - đang là sinh viên Trường đại học Sư phạm TP.HCM, chia sẻ: "Mình rất biết ơn đến những thầy cô đã làm ra bộ sách cho học sinh khiếm thị có cơ hội được tiếp xúc kiến thức cũng như tiếp xúc với mặt chữ dễ dàng hơn".
Và tưởng chừng như đó là hành trình "cho đi" khi thầy cô là người gieo hy vọng, ánh sáng đến các em, thì các thầy cô lại chia sẻ ngược lại. Cô Ngọc Trinh cho biết: "Khi tiếp xúc với các em hằng ngày, tôi cảm giác mình trẻ ra bởi sự ngây thơ, hồn nhiên của các em". Chính điều đó giúp cô thêm trân trọng những điều mình đang có.
Đôi khi, một điều hiển nhiên đối với chúng ta lại là ước mơ của người khác.
Đăng thảo luận