Trong những ngày Tuổi Trẻ đón nhận những yêu thương của bạn đọc gửi gắm cho bà con vùng lũ miền Bắc, có những tấm lòng bình dị đến góp chút lòng thành khiến người chứng kiến rưng rưng.

Những yêu thương bình dị tích thành sức mạnh lớn  第1张

Chị Dương Hồng Nhã Quyên đến đóng thay ông bà ngoại và người cậu đã mất của mình - Ảnh: AN VI

Quên sao được hình ảnh anh tài xế xe ba gác đầu bù tóc rối góp số tiền dành dụm cả tuần. Rồi một người cháu thay ông bà qua đời làm việc tốt, hay anh chiến sĩ góp trọn một tháng lương…

Quê miền Trung bão lũ nên đồng cảm cảnh khổ

"Có gia đình ngủ dậy không còn một ai. Có ông bố đi công việc sớm, quay về cả vợ cả con vùi dưới đống đất hết rồi. Nhiều khi xem tin tức tự nhiên nước mắt mình chảy, thấy thương. Khả năng của mình không được nhiều để giúp đỡ nên tôi nguyện tuần đó làm cố gắng gom lại gửi cho đồng bào. Chung tay người một ít, động viên tinh thần cho đồng bào vượt qua", ông Nguyễn Tiến Hồng (53 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) tâm sự.

Ông Hồng là nhân vật đặc biệt khi vào tối 11-9 chạy xe ba gác ghé tòa soạn báo Tuổi Trẻ. Lúc đó ông đã chạy cuốc cuối, đường về hướng cầu Ba Son, nhưng tự nhủ thôi giờ tìm địa chỉ báo Tuổi Trẻ để gửi tiền cái đã. "Trước kia tôi chở hàng từng đi qua mấy lần rồi", ông nói.

Ông gom hết những đồng tiền lẻ trong túi, được 1,4 triệu đồng. Góp xong, ông ngồi viết vài dòng gửi gắm: "Kính gửi đồng bào miền Bắc. Cả nước đang chung tay góp công góp của cùng bà con vượt qua thiên tai. Hãy cố lên nhé…".

Những yêu thương bình dị tích thành sức mạnh lớn  第2张

Ông Nguyễn Tiến Hồng, tài xế xe ba gác, nói rằng làm việc nhỏ giúp được ai thì giúp chứ không đợi đến khi khá giả mới giúp - Ảnh: TRUNG DÂN

Là người con miền Trung, ông Hồng đã nếm trải cảnh bão lũ. Ông nói rằng lũ lụt vất vả khổ lắm, có khi cả năm mới tạm ổn định cuộc sống, chưa hẳn làm lại được, có khi mất trắng.

Với khoản đóng góp này, ông Hồng thiệt thà nói: "Tôi gom cả tuần mới được nhiêu đó". Chạy xe ngày được 300.000 đồng, có ngày đắt khách thì 500.000 đồng, ông nói đây là nghề làm dâu trăm họ.

Có tuần mưa hoài, ông chở ít, còn ngày nắng hoặc cuối tuần thì đông hơn. Có khi cả ngày không có cuốc nào. Hằng ngày ông đều cơm hàng cháo chợ, tằn tiện lo cuộc sống, trong đó tiền trọ gần 2 triệu đồng/tháng.

Những yêu thương bình dị tích thành sức mạnh lớn  第3张

Ông Nguyễn Tiến Hồng - Ảnh: TRUNG DÂN

Quê thị xã Thái Hòa (Nghệ An), ông Hồng vào TP.HCM kiếm sống gần 20 năm với nghề làm bảng hiệu quảng cáo. Năm 2008, làm ăn khó khăn, cả nhà ông lên Đắk Lắk sinh sống.

Đợt này các con xuống TP.HCM học nên ông theo xuống chạy xe ba gác phụ thêm cho con ăn học. Vợ chồng ông có ba người con, con gái lớn đã có gia đình và ở với mẹ tại Đắk Lắk, cùng bán quầy vé số. Con thứ hai đang học đại học, còn con út chuẩn bị học nghề.

Nói về chuyện giúp đỡ người khác, ông cười hiền "ngại lắm, có gì đâu".

Ông nói mình chỉ làm theo lời ông ngoại lúc còn sống dặn "không cần con phải làm gì to lớn, con luôn luôn lương thiện là được". Ông thường dạy con rằng cuộc sống không nhất thiết cái gì cũng là của mình, cho đi cũng là hạnh phúc.

Hồi còn trên Đắk Lắk, ông kể cũng vì thương cảm những hoàn cảnh khó khăn, có khoảng thời gian mỗi tháng ông dành tiền mua mười mấy kg gạo để tặng cho người khổ.

"Hồi đó hay giúp người hơn vì cuộc sống khá hơn dưới này. Điều kiện đến đâu cho đến đó, chứ không có khả năng cho nhiều. Từ ngày xuống đây hoàn cảnh mình không cho phép, bộn bề cuộc sống, chạy tới chạy lui…", ông thiệt thà.

Dùng tiền thừa kế đi đóng góp

TIN LIÊN QUAN
  • Những yêu thương bình dị tích thành sức mạnh lớn  第4张

    Chú bộ đội giúp bà con vùng lũ thẹn thùng khi được cô gái tiếp nước uống

  • Những yêu thương bình dị tích thành sức mạnh lớn  第5张

    Cứu trợ đồng bào bão lũ: Bữa cơm miễn phí và phí cầu đường

  • Những yêu thương bình dị tích thành sức mạnh lớn  第6张

    Cảnh sát giao thông Quảng Ngãi mở quán cơm miễn phí cho các đoàn xe cứu trợ bão lũ miền Bắc

Chiều 14-9, Tuổi Trẻ đón một tấm lòng tuy quen mà lạ. Chị là Dương Hồng Nhã Quyên, đi ủng hộ giùm người thân. Lạ ở chỗ người phụ nữ này ấp úng, có điều gì đó khó nói thành lời. 

Tay nắm cọc tiền 20 triệu đồng mà mắt chị đỏ hoe. Chị nói tới đóng mà xót xa lắm… Không phải là xót tiền, mà xót vì 3 năm trước chủ nhân số tiền này đã mãi mãi đi xa.

Hỏi đóng cho ai, chị như sắp không kìm được nước mắt: "Tôi đóng cho ông ngoại, bà ngoại và người cậu đã mất vì COVID-19". 

Chị xin tờ giấy cẩn thận viết tên ông bà ngoại và cậu mình trong phần tiền 20 triệu đồng, còn chị ủng hộ riêng 1 triệu. Chị nói muốn tách bạch phần đóng góp vì không muốn dùng tiền ông bà để lại để tạo "tiếng thơm" cho bản thân.

Đây không phải lần đầu chị ủng hộ những chương trình như thế này, nhưng lần nào hỏi tên người đóng góp chị đều xúc động. 

"Sau khi mất, số tài sản của ông bà ngoại tôi được chia thừa kế cho gia đình. Số tiền khá lớn nhưng nhà tôi không có nhu cầu dùng tới nên thống nhất sẽ dùng nó để làm từ thiện. Ngoài bão lũ, nhà tôi vẫn thường xuyên đóng góp cho cô nhi viện, mái ấm và giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn khác", chị tâm sự.

Chị không tiết lộ số tiền thừa kế, nhưng nói khá lớn và đủ để giúp rất nhiều người. Chị là người quản lý số tiền này và trong các chương trình ủng hộ chị thường trực tiếp tham gia.

"Hiện tại số tiền đã gửi vào ngân hàng để sinh lãi nhằm duy trì nguồn tiền giúp cho mọi người. Mỗi khi có những trường hợp khó khăn hay cộng đồng kêu gọi ủng hộ vì thiên tai thì gia đình 4 người sẽ ngồi lại bàn bạc, cân nhắc xem nên rút bao nhiêu và ủng hộ theo hình thức gì", chị chia sẻ.

Những yêu thương bình dị tích thành sức mạnh lớn  第7张

Đại úy Đỗ Ngọc Đức đã gửi toàn bộ số tiền lương 16 triệu đồng chia sẻ khó khăn với đồng bào miền Bắc - Ảnh: AN VI

Không ai muốn dùng số tiền thừa kế này là bởi khi còn trên đời, cả ông bà ngoại và cậu chị Quyên thường xuyên làm từ thiện, thậm chí còn ủng hộ các chương trình trong đại dịch. "Ai ngờ đâu chính ông bà và cậu tôi lại là những người phải nằm xuống", chị xúc động.

Chị nói gia đình tạm thời để tiền trong ngân hàng, trong tương lai sẽ tính phương án giúp dòng tiền sinh lời nhiều hơn, duy trì sự giúp đỡ lâu dài cho cộng đồng. "Tôi tin mình và gia đình đang dùng số tiền ông bà để lại làm đúng với những gì ông bà mong muốn. Qua đây cũng muốn cho thấy khi một người nằm xuống nhưng hoàn toàn có thể giúp nhiều người khác đứng lên", chị Quyên kết thúc câu chuyện buồn nhưng cũng đáng tự hào về ông bà ngoại của mình.

Sáng 14-9, đại úy Đỗ Ngọc Đức (35 tuổi, nguyên bí thư Đoàn thanh niên Phòng PC07, Công an TPHCM) đã đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ gửi toàn bộ số tiền lương tháng 9 là 16 triệu đồng. Anh Đức đang học văn bằng 2 của Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy.

Khi nghe chồng định góp một tháng lương, vợ anh Đức cũng ủng hộ, chia sẻ cùng chồng. Anh nói rằng số tiền tuy không nhiều nhưng anh mong muốn chia sẻ chút khó khăn với đồng bào.

"Tôi thấy mình may mắn so với mọi người, không bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Tôi dành trọn vẹn một tháng lương gửi cho bà con với tinh thần lá lành đùm lá rách, khẩn trương, kịp thời hỗ trợ cho bà con để vượt qua khó khăn, sớm trở lại cuộc sống bình thường", anh bộc bạch.

Hơn 10 năm trong ngành, anh Đức nhiệt tình với các hoạt động trong đơn vị. Như trong đợt cao điểm chống dịch, anh tham gia trực chốt, hỗ trợ phân phối lương thực thực phẩm… Cơ quan anh thường tổ chức chương trình một ngày huấn luyện và trải nghiệm làm lính cứu hỏa cho trẻ em, nhằm trang bị kỹ năng thoát hiểm và đồng thời để các em tìm hiểu nghề nghiệp của người lính cứu hỏa.

"Mình không cầu mong lợi lộc"

Trước đây, ông Nguyễn Tiến Hồng là thành viên câu lạc bộ hiến máu nhân đạo của tỉnh Đắk Lắk. Ông nhớ mãi một trường hợp cách đây hơn 3 năm về một cậu bé bệnh tật, thiếu máu, nhà ở huyện Ea Súp xa xôi.

"Tôi hiến máu xong, gia đình cậu bé đưa quà và tiền, nhưng tôi không lấy. Tôi móc bóp cho 1 triệu vì cảnh thương tâm quá. Mình không cầu mong lợi lộc, mình đi hiến mà cầm tiền của người ta thì mình chẳng ra gì, trong khi người ta phải bòn từng đồng để sống", ông nói.

Khi gia đình cậu bé ngại nhận tiền, ông dúi vào tay và dặn "Thôi anh lấy đi, tôi ở ngoài này kiếm ra tiền chứ anh trong này kiếm không ra tiền đâu". Hiện nay, ông nhắn nhủ, nếu ở TP.HCM ai cần thì ông sẽ cho máu.