Bộ Công Thương được giao lập đề án, đảm bảo bù đắp công suất cho các dự án nguồn điện chậm tiến độ so với Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII.

Tại cuộc họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo nhà nước các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng ngày 23/8, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Công Thương, Kế hoạch & Đầu tư, Tư pháp và các địa phương rà soát, báo cáo cụ thể số lượng dự án nguồn điện bị chậm tiến độ. Các cơ quan này phải làm rõ dự án nào xử lý được, dự án nào chưa, kiến nghị cấp thẩm quyền hướng xử lý.

Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị Bộ Công Thương sớm nghiên cứu, xây dựng đề án để chủ động bù đắp công suất cho các dự án nguồn điện bị chậm tiến độ so với Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII. Bộ này phải có giải pháp, cơ chế quyết định đầu tư các dự án nguồn điện mới, huy động thêm nguồn điện khác như thủy điện, năng lượng mặt trời, hệ thống lưu trữ từ điện mặt trời.

Bộ Công Thương, Công an được giao rà soát, phân loại danh sách 154 dự án điện mặt trời đã có kết luận thanh tra. Với các dự án đã khắc phục sai phạm, đáp ứng các tiêu chí về an toàn hệ thống, công nghệ truyền tải, hiệu quả kinh tế có thể đưa vào khai thác.

Phó thủ tướng yêu cầu có phương án bù đắp nguồn điện chậm tiến độ  第1张

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo dự án trọng điểm ngành năng lượng, ngày 23/8. Ảnh: VGP

Theo Quy hoạch điện VIII, quy mô công suất 23 dự án nhà máy điện khí đưa vào vận hành đến năm 2030 là hơn 30.420 MW, trong đó có 13 nhà máy sử dụng khí LNG, chiếm 74% tổng công suất. Hiện mới có Nhiệt điện Ô Môn I (660 MW) đã vận hành năm 2015, một dự án đang xây dựng là Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 (1.624 MW). Còn lại 18 dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư (23.640 MW) và 3 dự án đang chọn nhà đầu tư (4.500 MW).

Điện gió ngoài khơi sẽ đạt khoảng 6.000 MW vào 2030, theo Quy hoạch điện VIII. Song chưa có dự án nào được quyết định chủ trương và giao chủ đầu tư.

Trước đó, nhiều ý kiến lo ngại các dự án điện khí LNG, điện gió ngoài khơi sẽ khó kịp vận hành thương mại trước 2030. Bởi, triển khai dự án điện khí LNG thường mất 7-8 năm, điện gió ngoài khơi 6-8 năm, trong khi nhiều chính sách cho hai loại nguồn điện này chưa rõ ràng.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, đến nay, cơ quan này đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và kiến nghị thí điểm dự án điện gió ngoài khơi của PVN. Họ cũng hoàn thiện các văn bản pháp luật, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong, ngoài nước tham gia đầu tư lĩnh vực này.

"Mục tiêu là xây dựng ngành công nghiệp, đưa Việt Nam trở thành trung tâm điện gió ngoài khơi của khu vực", Bộ Công Thương cho biết.

Song, theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi phải có dự án, mô hình, phương thức triển khai cụ thể. Từ đó, cơ quan quản lý có căn cứ giải quyết "bài toán" về hành lang pháp lý, khảo sát, quy hoạch. Sau đó, Thủ tướng phê duyệt là có thể triển khai đồng bộ.

Về hai dự án nhà máy nhiệt điện LNG Nhơn Trạch 3 và 4, việc bàn giao, cho thuê đất, hạ tầng thi công cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án lưới điện giải tỏa công suất cho nhà máy nhiệt điện LNG Nhơn Trạch 3 và 4 rất chậm. EVN, PVN cũng chưa hoàn thành thỏa thuận, thống nhất ký hợp đồng mua bán điện (PPA).

Tương tự, các dự án trong Trung tâm điện lực Quảng Trạch, dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 đã đạt 63% nhưng vẫn gặp khó trong giải phóng mặt bằng cho một số hạng mục. Dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 2 đang điều chỉnh chủ trương đầu tư để chuyển đổi sang sử dụng LNG.

Phó thủ tướng đề nghị tỉnh Đồng Nai cùng Bộ Tài nguyên & Môi trường hoàn thành bàn giao mặt bằng cho nhà máy nhiệt điện LNG Nhơn Trạch 3 và 4 vào cuối năm. Ông cũng đề nghị các bên cùng tham gia với Bộ Công Thương để sớm hoàn thiện việc sửa đổi, ban hành các quy định về cơ chế, chính sách cho các dự án điện khí.

Phương Dung