Phim 18+ về Tấm Cám: Bị chê nhiều sạn, vì sao thu 55 tỷ đồng sau 4 ngày?
(Dân trí) - Phim "Cám" ra rạp với nhiều ý kiến khen chê từ khán giả. Dù vướng tranh cãi, đây vẫn là tác phẩm điện ảnh thuộc thể loại kinh dị có doanh thu mở màn tốt nhất trong lịch sử phim Việt.
Loạt kỷ lục doanh thu của "Cám"
Sau khi ra rạp hôm 20/9, phim kinh dị Cám thu hút sự quan tâm của khán giả. Theo Box Office Vietnam - đơn vị quan sát phòng vé độc lập, phim Cám cán mốc 55 tỷ đồng vào đêm ngày 23/9, chỉ sau 4 ngày ra mắt.
Chỉ riêng ngày 23/9, phim bán được 88.559 vé với 4.836 suất chiếu, thu về 6,3 tỷ đồng. Dịp cuối tuần qua, bộ phim đạt doanh thu 48,1 tỷ đồng, bán hơn 545.000 vé. Đây là doanh số khả quan so với nhiều phim Việt ra mắt năm nay.
Nhân vật Tấm và Cám trong phim (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).
Trước đó vào ngày 20/9, Cám thu hút hơn 200.000 lượt khán giả đi xem ngày đầu, thu về hơn 20 tỷ đồng doanh thu, cao nhất trong các phim kinh dị Việt từ trước đến nay. Ở ngày đầu tiên ra mắt, phim cũng soán ngôi vị trí số 1 phòng vé của Làm giàu với ma, áp đảo suất chiếu so với các phim khác ở rạp.
Tác phẩm của đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân cũng ghi nhận 110.968 lượt vé bán sớm, cao nhất trong lịch sử phim kinh dị Việt Nam.
Tác phẩm là dị bản của truyện cổ tích Tấm Cám (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Khánh Dương - người sáng lập và vận hành Box Office Vietnam - cho biết thành công về mặt doanh thu của Cám đến từ nhiều yếu tố thuận lợi.
"Ê-kíp đạo diễn, nhà sản xuất có nhiều kinh nghiệm, từng đứng sau một số tác phẩm ăn khách trước đó. Ngoài ra, hiện tại Cám không có đối thủ cạnh tranh ngoài rạp nên dễ thu hút khán giả.
Một yếu tố khác là chủ đề và hình thức phim đề cập đến nội dung kinh dị mang chất liệu dân gian là đề tài đang phù hợp với thị hiếu khán giả hiện nay", ông Nguyễn Khánh Dương cho biết.
Trên các diễn đàn, khán giả cho rằng tác phẩm của bộ đôi Trần Hữu Tấn - Hoàng Quân được đầu tư chỉn chu về trang phục, bối cảnh. Những chi tiết như phân cảnh mò tép, nhặt thóc gạo, hội thử hài tuyển vợ cho hoàng tử... được tái hiện trong không khí cổ tích hấp dẫn.
Khán giả vây kín ê-kíp diễn viên phim "Cám" tại một buổi giao lưu hôm 22/9 (Ảnh: Facebook nhân vật).
Chuyên gia Nguyễn Phong Việt cũng nhận định phim Cám đánh trúng thị hiếu khán giả khi khai thác câu chuyện dựa trên truyền thuyết dân gian. Những yếu tố mới lạ, sáng tạo của bộ phim so với truyện cổ tích khiến nhiều khán giả tò mò về tác phẩm.
"Những câu chuyện được kể từ đời này qua đời khác, đến mức thuộc làu, bỗng một ngày được các nhà sản xuất mang lên phim với một hình hài và hương vị rất lạ… Điều đó cũng là một minh chứng cho thấy khán giả trẻ thật sự quan tâm đến văn hóa dân tộc rất nhiều.
Thứ hai là nhìn vào Cám sẽ thấy mức độ đầu tư của dòng phim kinh dị Việt Nam không còn giống như ngày xưa, theo kiểu ít tiền, ít bối cảnh, ít diễn viên… để đảm bảo khả năng thu hồi vốn cao… Ê-kíp chi gần 1 tỷ đồng cho số mặt nạ để hóa trang cho nhân vật Cám, hay đầu tư hợp lý vào khâu phục trang cho dàn diễn viên trong phim cho thấy nhà sản xuất đã bám rất sát thị hiếu thị trường", chuyên gia Nguyễn Phong Việt phân tích.
Kịch bản phim "thập cẩm", "đầu voi đuôi chuột"?
Mặc dù lập kỷ lục bán vé và đứng đầu bảng xếp hạng doanh thu nhiều ngày qua, Cám vẫn nhận về một số tranh cãi về chất lượng phim. Khán giả và chuyên gia nhận xét kịch bản phim vẫn còn nhiều "sạn". Bộ phim có thời lượng khá dài, trong đó không ít tình tiết thừa, thiếu sự chắt lọc.
Ở phần đầu, mạch phim diễn ra chậm, nhiều phân cảnh dài dòng. Ở phần giữa đến cuối phim, tình tiết được đẩy nhanh, khiến người xem khó nắm bắt đầy đủ câu chuyện, một số nhân vật như dì ghẻ (Thúy Diễm đóng), thằng Bờm (Trần Doãn Hoàng đóng)... không được khai thác và phát triển đầy đủ.
Tạo hình nhân vật Cám của Lâm Thanh Mỹ được đầu tư nhiều chi tiết đáng sợ (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).
Một số khán giả chỉ ra chất kinh dị, hù dọa của Cám cũng chưa được đẩy mạnh. Những phân cảnh rùng rợn trong phim bị chê đi theo lối mòn của Tết ở làng địa ngục, Kẻ ăn hồn (các tác phẩm trước đó của Trần Hữu Tấn), mang tính "máu me, la hét" nhiều chứ chưa tạo cảm xúc sợ hãi cao trào cho người xem.
"Thất vọng vì một kịch bản rời rạc, sơ sài, lê thê. Biên kịch có vẻ nhồi nhét hơi nhiều, đủ thể loại tâm lý, hài, kinh dị, 18+ nên như một nồi lẩu thập cẩm. Cao trào hay những tình huống bất ngờ cuối phim đều diễn ra quá nhanh, gây khó chịu cho người xem, không khác gì... đầu voi đuôi chuột", một ý kiến trên mạng xã hội.
Khán giả cũng nhận xét ngoại trừ nhân vật Cám tạo được dấu ấn ở câu chuyện nặng tâm lý phức tạp, các nhân vật còn lại chỉ dừng ở mức tròn vai. Nhân vật Tấm được giới thiệu là một phiên bản hiện đại, đa chiều so với bản gốc, nhưng biên kịch chưa làm rõ vì sao Tấm có tính cách, hành xử như vậy trong phim. Phần cuối, tình huống Tấm vùng lên chiến đấu với thế lực tà ác cũng kể khá sơ sài, thiếu sức nặng.
Việc xuất hiện thêm nhân vật thằng Bờm trong phim tạo ra các ý kiến trái chiều của khán giả (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).
Trao đổi thêm với phóng viên Dân trí, chuyên gia Nguyễn Phong Việt cho rằng kịch bản yếu là điểm trừ muôn thuở của đa số phim Việt. Với phim Cám, ê-kíp có nhiều ý tưởng, nhưng cách kể chuyện, lối diễn đạt còn "non".
"Phim không có sự chắt lọc, bày ra quá nhiều món, kịch bản bị rối còn đạo diễn xử lý hơi dài dòng. Nếu phim làm gọn gàng hơn thì có khả năng doanh thu sẽ đạt được tốt hơn", ông Nguyễn Phong Việt nói.
Mặc dù vậy, chuyên gia cũng cho rằng xét tổng thể, phim Cám vẫn là tác phẩm điện ảnh được đầu tư chỉn chu.
"So với các phim kinh dị khác ở Việt Nam, Cám có khả năng tạo ra được một vũ trụ điện ảnh nhờ vào cái kết mở… Dĩ nhiên Cám còn không ít chỗ chưa được suôn sẻ trong việc xử lý sự đồng nhất trong tính cách nhân vật cũng như bố cục đường dây…
Nhưng tác phẩm được khán giả yêu thích vì nhìn thấy được bản sắc Việt trong câu chuyện điện ảnh Việt, trước khi chúng ta nói đến câu chuyện toàn cầu", chuyên gia Nguyễn Phong Việt phân tích.
Trailer phim "Cám" (Nguồn: CGV Cinemas Vietnam).
Phim Cám dán nhãn T18, là dị bản của truyện cổ tích Tấm Cám, lấy bối cảnh đầu thế kỷ 19, vào cuối thời nhà Lê - đầu nhà Nguyễn. Nội dung phim xoay quanh Cám (Lâm Thanh Mỹ đóng) - em gái cùng cha khác mẹ của Tấm (Rima Thanh Vy đóng).
Khác với truyện cổ tích, chị em Tấm Cám luôn đùm bọc nhau. Biến cố xảy ra khi Cám bị một nhóm người lạ bắt đi. Từ đó, nhiều hiện tượng kỳ bí cũng xảy ra trong làng.
Đăng thảo luận