Với địa hình trung du đồi núi thấp, bị chia cắt, hệ thống sông, hồ, suối dày đặc... Phú Thọ luôn tiềm ẩn nguy cơ cao về sạt lở đất, gây thiệt hại về người và tài sản.

Trước tình hình đó, với phương châm “không chủ quan, lơ là với nguy cơ sạt lở đất”, chính quyền các cấp và người dân các địa phương trên toàn tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa sự chủ động, năng lực dự báo, và khả năng ứng phó với nguy cơ sạt lở đất.

Những ngày qua, dù thời tiết không có mưa, nhưng do trước đó mưa lớn kéo dài nhiều ngày đã khiến kết cấu đất rời rạc, lỏng lẻo. Cùng với yếu tố địa hình, địa chất, độ dốc... tại nhiều địa phương đã xuất hiện các vết nứt, có thể gây nguy cơ sạt lở đất trên địa bàn một số xã trong tỉnh.

Ông Đinh Công Toàn - Phó Chủ tịch UBND xã Lương Sơn cho biết: “Tại vị trí đồi Lát Xoan, khu Phú Sơn (huyện Yên Lập - Phú Thọ) đã xuất hiện vết rạn nứt dài khoảng 200m, độ rộng từ 20-40cm, cách hộ dân dưới chân đồi tại điểm gần nhất khoảng 150m. 4 hộ dân với 16 nhân khẩu có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp nếu sạt lở xảy ra."

“Sau khi phát hiện vết nứt, lãnh đạo xã đã tổ chức kiểm tra hiện trường và báo cáo cơ quan chức năng để xin ý kiến chỉ đạo. Hiện nay, địa phương tiếp tục chủ động cắt cử lực lượng theo dõi, túc trực, giám sát khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, báo cáo diễn biến hàng ngày lên cấp trên. Cùng với đó, xã cũng đã xây dựng các phương án để chủ động trong mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra” - ông Đinh Công Toàn chia sẻ.

Phú Thọ chủ động phòng, chống sạt lở đất sau mưa bão  第1张 Lãnh đạo xã đi kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả sạt lở đất vào nhà dân do ảnh hưởng của mưa bão.

Để chủ động phòng tránh và ứng phó với hậu quả thiên tai, UBND tỉnh và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp đã tăng cường chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan, đơn vị và UBND cấp xã theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai; kịp thời thông tin cảnh báo đến các tổ chức và người dân trên địa bàn để chủ động phòng, chống, đặc biệt là tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, ngập úng, và lũ quét. Đồng thời, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện tại chỗ để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Cùng với đó, các địa phương đã tổ chức tập huấn kỹ thuật phòng, chống thiên tai và sạt lở đất; xây dựng, phê duyệt phương án ứng phó với thiên tai theo từng khu vực, phù hợp với diễn biến thực tế tại địa phương. Họ cũng triển khai tập huấn, diễn tập và chuẩn bị các điều kiện theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với các tình huống do thiên tai gây ra, đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai, kiểm tra và đánh giá hiện trạng công trình trước mùa mưa lũ...

Đặc biệt, khi mưa lũ kéo dài, các địa phương khoanh vùng cắm biển cảnh báo đề phòng tai nạn, phân công cán bộ thường trực 24/24 để theo dõi tình hình, rà soát, lập danh sách hộ dân trong vùng sạt lở, triển khai phương án di dời các hộ dân đến nơi an toàn để đảm bảo tính mạng, tài sản.

Đối với những hộ dân đang sinh sống ở gần khu vực có nguy cơ sạt lở cao, khi mưa lớn cần chủ động, nghiêm chỉnh chấp hành yêu cầu, hướng dẫn của chính quyền địa phương sơ tán đến nơi an toàn, tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.