Những năm qua, các cấp, ngành chức năng tỉnh Điện Biên đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới, có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó có những dân tộc thiểu số rất ít người, như: Cống, Si La, Phù Lá tập trung ở địa bàn vùng cao, đời sống gặp nhiều khó khăn, trình độ nhận thức còn hạn chế. 

Những năm qua, các cấp, ngành chức năng tỉnh Điện Biên đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, nâng cao nhận thức pháp luật, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, giữ vững quốc phòng - an ninh vùng biên giới.

Phổ biển kiến thức pháp luật đến đồng bào dân tộc vùng cao Điện Biên  第1张 Phổ biển kiến thức pháp luật đến vùng dân tộc thiểu số ở biên giới Điện Biên.

Trên địa bàn huyện biên giới Nậm Pồ, thực trạng kém hiểu biết pháp luật hoặc nhận thức không đầy đủ các quy định pháp luật tồn tại chủ yếu trong nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, như: H’Mông, Thái, Cống… Khá nhiều vụ việc vi phạm quy định quản lý bảo vệ rừng, xâm canh khu vực biên giới và vi phạm liên quan đến ma túy xảy ra do người dân không hiểu hoặc hiểu không đúng quy định pháp luật.

Nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, từng bước thay đổi tập quán lạc hậu trong hôn nhân, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Điện Biên đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án phổ biến, giáo dục pháp luật hoặc lồng ghép thực hiện như: Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy và phòng, chống tội phạm; Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”; Đề án “Tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên”.

Tại huyện Tủa Chùa, nhờ nguồn kinh phí hơn 2,4 tỷ đồng được phân bổ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã chủ động hướng dẫn, duy trì hoạt động 30 tổ truyền thông cộng đồng; tổ chức 15 cuộc đối thoại chính sách tại cấp xã, cụm thôn bản đặc biệt khó khăn.

Cũng từ nguồn kinh phí được giao, từ đầu năm đến giữa tháng 10/2023, Phòng Dân tộc huyện Tủa Chùa đã tổ chức 5 lớp tập huấn kỹ năng truyền thông, tư vấn pháp luật về hôn nhân, gia đình và phòng chống tảo hôn - hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại 5 xã: Trung Thu, Lao Xả Phình, Tả Phìn, Tả Sìn Thàng, Sín Chải với 296 người tham gia. Qua đó, giúp học sinh nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới, không kết hôn sớm.

Nhiều mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác tuyên truyền đã được triển khai và nhân rộng như: mô hình Ban thông tin truyền thông cấp xã; mô hình “Mỗi ngày một câu hỏi, mỗi tuần một điều luật”; mô hình “Dòng họ tự quản, bản làng bình yên”; các mô hình phổ biến giáo dục pháp luật thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp về nâng cao nhận thức, giảm thiểu hôn nhân cận huyết thống; phụ nữ tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới…

Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp; từng bước vươn lên xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần góp sức xây dựng hệ thống chính trị cơ sở các xã vùng cao, biên giới ngày càng vững mạnh.