Cái chết của một nữ nhân viên 26 tuổi tại Big4 (một trong 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới - PV) làm dấy lên tranh cãi về văn hóa làm việc độc hại trong các doanh nghiệp, nơi nhân viên phải làm việc không ngừng nghỉ.

Qua đời chỉ 4 tháng sau khi làm tại Big4: Tranh cãi về văn hóa việc độc hại  第1张

Ernst & Young nói rằng làm việc quá sức không phải là lý do dẫn đến cái chết của Perayil - Ảnh: Getty

Anna Sebastian Perayil, 26 tuổi, đã qua đời sau bốn tháng làm việc tại Công ty kiểm toán Ernst & Young (EY), một trong các Big4 của ngành này. Mẹ cô cho rằng "khối lượng công việc, môi trường mới và giờ làm việc dài" đã đẩy con gái mình đến bi kịch, theo báo The Independent.

Áp lực công việc khổng lồ ở Big4

Cái chết của Perayil được cho là do khối lượng công việc quá sức, đã dấy lên tranh luận về văn hóa làm việc khắc nghiệt trong các công ty lớn nhất của Ấn Độ.

Anna Sebastian Perayil, 26 tuổi, làm kiểm toán viên tại SR Batliboi, một công ty thành viên của EY Global ở Pune, một thành phố ở bang Maharashtra phía tây Ấn Độ. Bốn tháng sau khi vào làm, Perayil qua đời. Theo lời cha cô kể với tờ The News Minute, nguyên nhân là "nhiều vấn đề bao gồm trào ngược dạ dày, căng thẳng và áp lực công việc".

Theo một bức thư của mẹ cô, bà Anita Augustine, gửi tới giám đốc của EY Ấn Độ, Perayil bắt đầu làm việc tại EY Pune vào tháng 3, nhưng "khối lượng công việc, môi trường mới và giờ làm việc dài đã gây ảnh hưởng nặng nề về mặt thể chất, tinh thần và cảm xúc" đối với cô.

Bà Augustine kể rằng vào tháng 7, bà đã đưa con gái đến gặp bác sĩ sau khi cô nói rằng mình cảm thấy "tức ngực" trong khoảng một tuần. Bác sĩ đã kê đơn thuốc và ghi rằng Perayil không ngủ đủ giấc và ăn rất muộn.

Mặc dù vậy, bà Augustine viết, con gái bà vẫn tiếp tục làm việc đến tận đêm khuya, thậm chí vào cuối tuần, mà không có cơ hội nghỉ ngơi.

"Trải nghiệm của Anna cho thấy một nền văn hóa làm việc dường như tôn vinh việc làm quá sức, mà bỏ qua con người thực sự đằng sau những vai trò đó. Đây không chỉ là về con gái tôi, mà còn là về tất cả những người trẻ tuổi bước vào EY với hy vọng và ước mơ, chỉ để bị đè bẹp dưới sức nặng của những kỳ vọng phi thực tế," bà Augustine viết. "Cái chết của Anna nên là lời cảnh tỉnh cho EY".

Bà Augustine cho biết không có ai từ EY tham dự tang lễ của Anna. Bà đã liên hệ với ban quản lý sau đó nhưng không nhận được phản hồi.

Qua đời chỉ 4 tháng sau khi làm tại Big4: Tranh cãi về văn hóa việc độc hại  第2张

Anna Sebastian Perayil, 26 tuổi, đã qua đời sau bốn tháng làm việc tại Công ty kiểm toán Ernst & Young - Ảnh: NBC News

Công ty nói gì?

EY nói rằng "áp lực công việc" không phải là nguyên nhân dẫn đến cái chết của Perayil.

"Chúng tôi có khoảng 100.000 nhân viên. Mỗi người đều phải làm việc chăm chỉ. Anna đã làm việc với chúng tôi chỉ trong bốn tháng. Cô ấy được giao công việc như bất kỳ nhân viên nào khác", ông Rajiv Memani, giám đốc EY Ấn Độ, nói với tờ The Indian Express.

"Chúng tôi không tin rằng áp lực công việc có thể làm cô ấy chết".

Trong một tuyên bố chia sẻ với The Independent, EY Ấn Độ cho biết: "Chúng tôi vô cùng đau buồn trước sự ra đi đầy bi thảm và đột ngột của Anna Sebastian vào tháng 7-2024 và gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình tang quyến.

"Anna là thành viên của đội kiểm toán tại SR Batliboi, một công ty thành viên của EY Global, ở Pune trong một thời gian ngắn là bốn tháng. Cô bắt đầu làm việc tại công ty vào ngày 18-3-2024.

Sự nghiệp đầy hứa hẹn của cô kết thúc theo cách bi thảm này là một mất mát không thể bù đắp cho tất cả chúng ta. Mặc dù không có biện pháp nào có thể bù đắp cho sự mất mát mà gia đình phải trải qua, chúng tôi đã cung cấp mọi sự hỗ trợ như chúng tôi luôn làm trong những thời điểm khó khăn và sẽ tiếp tục làm như vậy.

Chúng tôi đang tiếp nhận những thư từ của gia đình với sự nghiêm túc. Chúng tôi đặt tầm quan trọng cao nhất lên sức khỏe của tất cả nhân viên và sẽ tiếp tục tìm cách cải thiện và cung cấp môi trường làm việc lành mạnh cho 100.000 nhân viên của chúng tôi trên các công ty thành viên của EY tại Ấn Độ", công ty này cho hay.

Phản hồi của ông Memani về cái chết của Perayil bị chỉ trích trên mạng. Nhiều người nhắc lại thái độ và tuyên bố trước đây của các lãnh đạo ngành như đã góp phần vào thái độ lỏng lẻo đối với phúc lợi của nhân viên.

Bộ trưởng Lao động Ấn Độ, bà Shobha Karandlaje, cho biết trong một bài đăng trên X, trước đây là Twitter, rằng bộ này sẽ tiến hành một "cuộc điều tra kỹ lưỡng về các cáo buộc liên quan đến môi trường làm việc không an toàn và bóc lột".

Nhiều người chia sẻ cùng trải nghiệm khi làm ở Big4

Cái chết của Perayil và bức thư của mẹ cô đã dẫn đến làn sóng đau buồn và phẫn nộ trên mạng, với các chuyên gia trong ngành, bao gồm cả một số người từ EY, chia sẻ trải nghiệm của họ về môi trường làm việc độc hại và khối lượng công việc quá tải.

Một đồng nghiệp tuyên bố trên trang Reddit rằng họ được thông báo về cái chết của Perayil qua một "email tập trung kèm theo hình ảnh LinkedIn của cô ấy với một thông điệp ngắn gọn" và rằng "tin đồn được lan truyền rằng cô ấy đã mắc phải một tình trạng sức khỏe từ trước và điều đó trở nên tồi tệ hơn".

Nhân viên này cũng nhắc lại bức thư của bà Augustine, viết: "Chúng tôi trung bình làm việc 16 giờ mỗi ngày trong mùa cao điểm và 12 giờ mỗi ngày trong mùa không bận rộn. Không có cuối tuần hay ngày nghỉ lễ nào. Hằng năm EY tự nguyện công bố một ngày nghỉ để tái tạo sức lao động cho nhân viên. Và ngay cả ngày đó cũng không được nghỉ. Chúng tôi vẫn phải làm việc tại văn phòng! Làm việc quá sức là cách duy nhất để thăng tiến, làm và bắt người khác làm theo".

Một chuyên gia khác, người cho biết đã làm việc tại KPMG trong bốn năm, mô tả việc phải làm việc khi bị nhiễm COVID-19 "cho đến khi tôi không thể ngồi thẳng vì sốt và yếu". Người này cho biết quản lý "đã nhắc nhở các quản lý rằng tôi không hoàn thành nhiệm vụ trong dự án đó, mặc dù tôi đã nộp kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19".

Nhiều nhân viên khác của các công ty kiểm toán "Big4" gồm Deloitte, PwC, KPMG và EY cũng đăng tải những câu chuyện tương tự trên mạng xã hội, mô tả ngày làm việc kéo dài 14 đến 18 giờ, bị gọi là "tài nguyên" thay vì tên và nhận được rất ít hoặc không có sự hỗ trợ từ các quản lý về cách xử lý khối lượng công việc và căng thẳng.