Quảng Ninh kiên cường vượt bão số 3
Ngày 3/9, bão YAGI đã đi vào biển Đông và thành cơn bão số 3. Trong quá trình di chuyển bão liên tục tăng cấp, đến ngày 5/9, bão Yagi trở thành siêu bão cấp 5 với sức gió duy trì mạnh nhất là 260km/h. Theo các chuyên gia, bão Yagi được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trên trên biển Đông trong 30 năm qua.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thị sát, kiểm tra việc phòng chống bão số 3 tại Quảng Ninh vào ngày 6/9. Ảnh: T.P
Quảng Ninh được dự báo là một trong những địa phương chịu tác động mạnh nhất của siêu bão Yagi. Trước những tang thương mà cơn bão đã gây ra khi đi qua miền Đông Philippines, Hải Nam (Trung Quốc), tỉnh Quảng Ninh đã chủ động các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với bão ở mức cao nhất.
Theo đó, Tỉnh ủy Quảng Ninh, UBND tỉnh đã ban hành 26 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác ứng phó, khắc phục với cơn bão số 3. Tỉnh thành lập và tổ chức 18 đoàn công tác đi kiểm tra và chỉ đạo công tác chuẩn bị ứng phó, khắc phục bão số 3 tại các địa phương trong tỉnh. Đồng thời, phân công các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh chủ động kiểm tra, chỉ đạo công tác chuẩn bị ứng phó, khắc phục bão số 3 trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là tại các địa phương dự kiến bão đổ bộ mạnh.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại hồ Yên Lập vào sáng 7/9. Ảnh: N.T
Với sự chủ động sớm, trước khi bão đổ bộ, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc cấm biển từ 11 giờ ngày 6/9; tổ chức trực chỉ huy 100% quân số (từ tỉnh, huyện, xã, phường) ngay trong đêm 6/9 và trong ngày bão đổ bộ và suy yếu.
Đồng thời, lập sở chỉ huy tiền phương tại Bộ CHQS tỉnh và các sở Chỉ huy phía trước tại các địa bàn: Móng Cái, Vân Đồn để ứng phó kịp thời với tình hình mưa bão; chỉ đạo lực lượng thường trực cứu hộ cứu nạn trên Vịnh Hạ Long tổ chức trực 100% quân số, phương tiện tại Cảng tàu khách Quốc tế Tuần Châu.
Ngay sau khi bão giảm cường độ, mặc dù diễn biến hết sức phức tạp, sóng to, gió lớn, song với mục tiêu cứu người là trên hết, trước hết, tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Đặc biệt đã cứu hộ thành công 111 người; đảm bảo an toàn cho người dân và lực lượng tìm kiếm.
Cụm công trình Bảo tàng, Thư viện, Cung Quy hoạch - Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh thiệt hại nặng do bão số 3. Ảnh: Bùi My
Cũng ngay sau bão, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, các địa phương, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội đã phối hợp, tập trung lực lượng dọn dẹp vệ sinh, đảm bảo giao thông thông suốt. Để khắc phục tình trạng mất điện, tê liệt thông tin, tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Tổng Công ty điện lực miền Bắc, Tập đoàn VNPT, Viettel, Mobifone chạy đua với thời gian, dồn toàn bộ nhân lực cho việc khôi phục các lưới điện, mạng viễn thông.
Mặc dù đã rất nỗ lực, khẩn trương, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tập trung mọi nguồn lực, huy động tối đa sức người, sức của để phòng chống, ứng phó từ sớm từ xa, nhưng do bão số 3 có phạm vi ảnh hưởng lớn, cường độ mạnh có tính kỷ lục và diễn biến rất phức tạp, chưa từng có tiền lệ, nên mức độ thiệt hại rất lớn và có thể còn tiếp tục tăng lên.
Theo báo cáo thống kê mới nhất về thiệt hại do bão số 3 gây ra, Quảng Ninh xác định có 29 người chết; 1.609 người bị thương được điều trị tại các cơ sở y tế; 4 người mất liên lạc... Thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 24.223tỷ đồng và kéo theo các sự cố mất điện, nước, thông tin liên lạc trên diện rộng.
Người nuôi trồng thủy sản ở Vân Đồn gần như mất trắng toàn bộ tài sản sau bão số 3. Ảnh: Bùi My
Trong đó, nhà ở, công trình kiến trúc thiệt hại 6.447 tỷ đồng, lâm nghiệp thiệt hại 5.207, thủy sản thiệt hại 3.992 tỷ đồng, nhà xưởng khu công nghiệp, trung tâm thương mại, chợ thiệt hại 3.667 tỷ đồng, du lịch thiệt hại 2485 tỷ đồng, nông nghiệp, thủy lợi thiệt hại 1.624 tỷ đồng...
Riêng về nông nghiệp, trên 2.600 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 116 tàu có bị chìm; gần 8.000ha lúa, hoa màu bị đổ, ngập úng; khoảng 2.000 gia súc và 345.000 gia cầm bị chết, cuốn trôi; 171.000ha rừng trồng bị gãy đổ;
Đến nay, các sự cố mất điện, nước, thông tin liên lạc trên địa bàn toàn tỉnh đã cơ bản được khắc phục hoàn toàn. Toàn bộ các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, khu công nghiệp, khu kinh tế, mỏ khai thác than,... đã hoạt động trở lại bình thường. Nhiều cơ sở, đơn vị kinh doanh dịch vụ, du lịch và vịnh Hạ Long đã đón khách trở lại. Quảng Ninh đang tập trung vào việc khôi phục, tái thiết kinh tế sau bão số 3.
Quảng Ninh khẩn trương khôi phục, tái thiết kinh tế sau bão số 3
Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành, địa phương đã chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn trong công tác ứng phó và khắc phục hậu quả của thiên tai. Đồng thời, đề xuất các giải pháp để khẩn trương khôi phục, tái thiết hoạt động kinh doanh, sản xuất và phòng, chống thiên tai cực đoan.
Theo đó, ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND TP Hạ Long đề nghị tỉnh Quảng Ninh xem xét, sớm ban hành các cơ chế chính hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn khắc phục thiệt hại của thiên tai để giảm bớt khó khăn, sớm ổn định đời sống và khôi phục hoạt động sản xuất.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Việt Dũng chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Bùi My
Bên cạnh đó, đề nghị tỉnh Quảng Ninh cấp bổ sung mục tiêu cho thành phố đảm bảo khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của mưa bão, đặc biệt là để sửa chữa, tái thiết cơ sở, hạ tầng giao thông, trụ sở, trường học, nhà văn hóa, công trình công cộng… với kinh phí khoảng 500 tỷ đồng; sớm có hướng dẫn việc thanh lý rừng trồng bằng nguồn vốn NSNN và nguồn vốn Nghị quyết 337; ban hành quyết định di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi nhà chung cư nguy hiểm cấp D và hỗ trợ kinh phí thuê nhà tạm cư; có chủ trương thuê các đơn vị chuyên gia tư vấn kiểm tra tác động của bão đối với các công trình xây dựng, cây xanh, hệ thống phòng chống lụt bão…
Còn Giám đốc Sở NNPTNT Nguyễn Minh Sơn đề xuất: "Các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn phù hợp với siêu bão, và biến đổi khí hậu, tác động của nước biển dâng; rà soát hệ thống sông, suối có giải pháp thanh thải dòng chảy đảm bảo tiêu thoát lũ; xây dựng phương án sửa chữa, nâng cấp, gia cố hệ thống đê điều, hồ, đập, hệ thống khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền đảm bảo an toàn, đồng bộ..."
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Trịnh Thị Minh Thanh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Bùi My
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Việt Dũng - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho biết, với đặc thù là đảo xa bờ, huyện Cô Tô đã bám sát các bản tin của Đài khí tượng thủy văn Trung ương, chỉ đạo của tỉnh để chỉ đạo, kết hợp nắm bắt các diễn biến bất thường trên biển (mây, nước), kinh nghiệm của ngư dân, các huyện đảo lân cận, các trang tin, app dự báo thời tiết của nước ngoài để triển khai sát với thực tế.
Chỉ đạo Trạm khí tượng hải văn đặt tại Cô Tô tăng tần suất dự báo và đo gió trực tiếp, gửi số liệu đến Ban chỉ huy để chỉ đạo (từ khi có tin bão báo 60 phút/lần, thời điểm tâm bão cách Cô Tô 60km là 15 phút/lần).
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy kết luận hội nghị. Ảnh: Bùi My
Trước cơ sở thông tin thiệt hại của bão vào đảo Hải Nam (Trung Quốc), huyện đã quyết định phải hoàn thành việc di dân trước 22 giờ 6/9 và di dân với số lượng lớn nhất từ trước đến nay đến các nhà văn hóa, nhà kiên cố, khách sạn.
Lần đầu tiên, huyện sử dụng các biện pháp mạnh như ban hành Lệnh giới nghiêm đối với người và phương tiện; ban hành lệnh cưỡng chế bắt buộc đối với 3 người trên đảo nuôi ốc về nơi an toàn; đảm bảo 100% người dân Cô Tô không còn trên tàu hoặc trên các đảo; từng thôn, xã phải nắm chắc từng ngư dân hiện đã về bờ chưa và hiện đang ở đâu… Nhờ đó, dù bão số 3 đã gây thiệt hại rất lớn so với quy mô kinh tế của huyện, nhưng rất may không có người bị thương, chết và mất tích.
Bí thư Huyện ủy Cô Tô đề xuất, cần phải quan tâm lắp đặt các hệ thống cảnh báo, báo động khi có thiên tai ở từng khu dân cư hoặc từng địa phương cấp huyện; cần có hệ thống thông tin liên lạc dự phòng trong trường hợp giao thông bị chia cắt, mất điện và mất hoàn toàn mạng viễn thông như tình huống bão số 3 vừa qua.
UBND tỉnh Quảng Ninh trao tặng Bằng khen cho các tập thể đã có thành tích trong công tác phòng chống, khắc phục hậu quả sau bão số 3. Ảnh: Bùi My
Bão số 3 tác động hầu hết đến các địa phương của tỉnh với đầy đủ các hình thái rủi ro tác động của đa thiên tai (gió, lốc, mưa, lũ, lụt, sạt lở đất,...). Vì vậy đề nghị tỉnh chỉ đạo xây dựng, cập nhật lại bản đồ phân vùng rủi ro các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng thiên tai của toàn tỉnh, rút kinh nghiệm cho những thế hệ sau để ứng phó hiệu quả với thiên tai. Trong đó bao gồm việc cập nhật các kế hoạch, kịch bản diễn tập phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn cấp tỉnh và cấp huyện...
Nhân dịp này, UBND tỉnh Quảng Ninh đã trao tặng Bằng khen cho các tập thể đã có thành tích trong công tác phòng chống, khắc phục hậu quả sau bão số 3.
Tham khảo thêm
Đăng thảo luận