Tại Việt Nam, việc trường trung cấp đón sinh viên quốc tế đến học tập, trao đổi khá hiếm, nhất là sinh viên đại học.
Nhóm giảng viên, sinh viên Campuchia theo dõi các chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật gội đầu dưỡng sinh - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Giữa tháng 9 vừa qua, Trường trung cấp Nguyễn Tất Thành (TP.HCM) đón đoàn sinh viên và giảng viên ĐH Chenla từ Campuchia đến học tập trong chương trình trao đổi ngắn hạn về nghề chăm sóc sắc đẹp.
ĐH Chenla là trường tư thục ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia. Trường này thành lập năm 2007, hiện có hơn 2.000 sinh viên với các ngành chủ lực thuộc khoa học sức khỏe.
Sinh viên học gội đầu, làm móng…
Bạn Hout Sokreaksa là một trong những sinh viên ĐH Chenla trong đoàn đến TP.HCM học tập lần này. Hout Sokreaksa học cử nhân điều dưỡng chương trình 4 năm. Trong những lần thực tập tại bệnh viện ở Phnom Penh, Sokreaksa nhận thấy ngày càng nhiều bệnh nhân điều trị nội trú ở nước này quan tâm chuyện duy trì sắc đẹp.
Chẳng hạn khi dùng một loại thuốc nào, bệnh nhân thường muốn biết thuốc này có ảnh hưởng đến tóc, da ra sao. Hoặc trong thời gian nằm viện, họ có thể kết hợp với những biện pháp chăm sóc sắc đẹp, chế độ dinh dưỡng ra sao để tránh những tác động đến da, tóc.
"Thậm chí, một điều dưỡng nếu biết thêm những kỹ năng chăm sóc sắc đẹp như cách gội đầu, mát xa mặt và tay chân… cũng được nhiều bệnh viện lớn ở Campuchia đánh giá cao hơn rất nhiều hơn chỉ biết chuyên môn chính" - Sokreaksa nói.
Sinh viên 10 nước ASEAN đến TP.HCM học về phát triển bền vững
Sinh viên quốc tế đến TP.HCM thực tập
Đó là lý do Sokreaksa khi biết có chương trình đến TP.HCM học tập về ngành chăm sóc sắc đẹp, bạn đăng ký ngay. Mỗi buổi, Sokreaksa và các bạn được học một chuyên đề từ da, mặt, tóc, móng tay đến các kỹ năng như trang điểm, gội đầu, mát xa, spa…
Ngoài ra, bạn còn được học các kiến thức về mỹ phẩm, dược liệu, thực phẩm ăn uống tốt cho cơ thể theo những quan niệm truyền thống của Việt Nam.
"Mỗi tiết học, mình được thực hành rất nhiều. Ngoài ra, chúng mình được làm việc theo nhóm. Mỗi sinh viên đều có những ý tưởng riêng, do đó khi học theo nhóm, chúng mình có thể học hỏi và trao đổi cách làm của nhau", Sokreaksa nói.
Trong khi đó, Chheng Seavnith - sinh viên năm nhất ngành kỹ thuật viên xét nghiệm y khoa, ĐH Chenla - cho biết chuyến đi đến Việt Nam là lần xuất ngoại đầu tiên của bạn. Theo nữ sinh Seavnith, Campuchia và các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, có nhiều nét tương đồng. Vì vậy, đến thăm và xem các nước phát triển thế nào cũng giúp các bạn thêm kinh nghiệm và định hướng nghề nghiệp cho mình.
Liên kết đào tạo
Ông Mai Hoàng Lộc - phó hiệu trưởng Trường trung cấp Nguyễn Tất Thành - cho biết các buổi học cho sinh viên, giảng viên Campuchia được thực hiện bằng tiếng Việt với thông dịch viên tiếng Campuchia.
Nội dung được chia thành bốn module chính bao gồm tạo mẫu tóc, trang điểm, chăm sóc tạo mẫu móng, chăm sóc da. Đứng lớp là các giảng viên khoa chăm sóc sắc đẹp, kết hợp với những chuyên gia sắc đẹp đang vận hành trung tâm spa lớn tại TP.HCM.
Cũng theo ông Lộc, chương trình học được chia theo 70% thực hành và 30% lý thuyết. Kết hợp với các buổi học tại cơ sở, trường tổ chức thêm cho nhóm sinh viên Campuchia những buổi tham quan, kiến tập đến các cơ sở chăm sóc sắc đẹp uy tín đang hoạt động tại TP.HCM.
Ông Sem Vottra - trưởng phòng nhân sự và hành chính, ĐH Chenla - chia sẻ những gì được học hỏi tại Việt Nam rất mới mẻ không chỉ trong mắt sinh viên mà còn với các giảng viên Campuchia.
Ví dụ với móng tay, nhiều người thường nghĩ rất đơn giản nhưng thật ra có khá nhiều loại, mỗi loại có một cách chăm sóc khác nhau. Không chỉ vậy, các thầy cô còn giải thích nguồn gốc, quá trình làm ra một chiếc móng giả nhằm giúp học viên hiểu được tường tận và sử dụng đúng cách.
Theo ông Sem Vottra, riêng tại thành phố Phnom Penh, số lượng cơ sở chăm sóc sắc đẹp, spa, mát xa mọc lên ngày càng nhiều, đặc biệt khi kinh tế và đời sống ngày càng phát triển. Tuy nhiên, thành phố này thiếu nguồn nhân lực đạt chuẩn. Phần lớn các cơ sở chăm sóc sắc đẹp sẽ hướng dẫn sơ qua cho những lao động đến xin việc rồi nhận vào làm nhưng hiện gần như không có các trung tâm đào tạo nghề bài bản.
Do vậy, chiến lược của trường ông sẽ là đón đầu xu hướng đào tạo nguồn nhân lực này, và mô hình học hỏi được lựa chọn là Việt Nam do có nhiều nét tương đồng về văn hóa, kinh tế.
Ông Sem Vottra cho biết sau nhóm sinh viên, giảng viên đầu tiên, một nhóm khác gồm 50 người sẽ tiếp tục sang Việt Nam học tập trong tháng 11. Từ hai nhóm này, các sinh viên muốn học chuyên sâu sẽ có thể đăng ký các khóa học sơ cấp, trung cấp tại Việt Nam do hai trường liên kết đào tạo.
Đài thọ toàn bộ kinh phí khóa đầu tiên
TS Hoàng Quốc Long - hiệu trưởng Trường trung cấp Nguyễn Tất Thành - cho biết kinh phí học tập cho nhóm sinh viên, giảng viên Campuchia khóa đầu tiên này được trường tài trợ toàn bộ. Đây như một cách quảng bá chương trình tại trường đến các sinh viên ở Campuchia, thu hút những bạn có nhu cầu học tập từ Campuchia sang Việt Nam.
Theo ông Long, lợi thế về vị trí địa lý, văn hóa và giao lưu kinh tế giữa Việt Nam và Campuchia rõ ràng là một cơ hội cho các trường trung cấp, cao đẳng Việt Nam có những chương trình dành cho nhóm sinh viên quốc tế này.
Hơn nữa, người Việt tại Campuchia là một trong những cộng đồng người Việt ở nước ngoài lớn nhất. Vì vậy, nhà trường sẽ kết hợp với ĐH Chenla để có những chương trình học cho người Việt tại Campuchia nói chung và Phnom Penh nói riêng.
"Với các trường nghề, mở rộng quan hệ quốc tế không chỉ là tăng cơ hội tuyển sinh, mà quan trọng hơn là nâng cao chất lượng của chính mình. Khi có sinh viên quốc tế, đội ngũ giảng viên, quản lý của trường sẽ phải nỗ lực nhiều hơn, cung cấp những bài giảng chất lượng hơn. Sinh viên trong trường có động lực nâng cao ngôn ngữ và giao lưu văn hóa", ông Long nói.
Sẽ đưa giảng viên qua tập huấn dài hạn
Về phần các giảng viên, theo ông Sem Vottra, ĐH Chenla có kế hoạch cho một số giảng viên tiềm năng của trường đến học tập các khóa dài hạn hơn tại Trường trung cấp Nguyễn Tất Thành.
Các thầy cô sẽ không chỉ học về chuyên môn mà còn học về cách tổ chức, quản lý các học phần trong chương trình chăm sóc sắc đẹp, để có thể mở ngành học này tại ĐH Chenla trong thời gian tới.
Khám phá nhiều điều thú vị
Những ngày tại TP.HCM, ngoài các kiến thức và kỹ năng được học trong trường, Seavnith được khám phá nhiều điều thú vị khi đến thăm những địa điểm tham quan nổi tiếng.
"Con người Việt Nam rất thân thiện. Mình không mất quá nhiều khó khăn để hòa nhập. Mình nghĩ đây cũng là lợi thế cho các sinh viên từ Campuchia có thể nghĩ đến những chương trình du học, học sau đại học tại Việt Nam vì sự gần gũi, chi phí phải chăng nhưng chất lượng học tập tốt và cơ hội việc làm rộng mở" - Seavnith nói.
Đăng thảo luận